(ĐNĐT) - Ngày 28-11, đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về việc kiểm tra kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (VIII) về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC).
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC thành phố, cùng lãnh đạo các ban, ngành thành phố.
Đồng chí Vũ Trọng Kim phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC thành phố, 10 năm thực hiện QCDC ở xã, phường của thành phố đã cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dần bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành quy chế sát hợp với tình hình địa phương. Kết quả lớn nhất là thái độ đồng tình ủng hộ của nhân dân trong xây dựng hạ tầng cơ sở, chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nghĩa vụ thuế, các loại quỹ đóng góp, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chương trình “5 không” và “3 có”. Thành phố Đà Nẵng đã có bứt phá lên đô thị loại 1 quốc gia, thay đổi theo hướng văn minh hiện đại. Đời sống nhân dân được cải thiện, GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt gần 19 triệu đồng, vượt 4 lần so với năm 1997. Đến cuối năm 2008, hộ nghèo theo chuẩn thành phố còn 1,96%.
Cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” và “một cửa” liên thông tạo nhiều thuận lợi, hạn chế phiền hà, đồng thời tạo cơ chế cho nhân dân giám sát. Nhiều khu dân cư xây dựng được quy ước nội bộ như: Giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được các cấp chính quyền tổ chức và duy trì có hiệu quả. 100% phường, xã đều có Ban thanh tra nhân dân. Thông qua thực hiện QDCD, hệ thống chính trị được kiện toàn, đội ngũ cán bộ phường xã bớt phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân.
Thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính đạt hiệu quả cao, nhất là xây dựng được tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Đổi mới cơ chế quản lý, thành phố đã cho phép 18 sở, ngành, 7 quận, huyện thực hiện khoán biên chế và chi phí quản lý hành chính, 279 đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính đạt kết quả tốt. Qua thực hiện QCDC, kỷ cương, kỷ luật hành chính được chấn chỉnh. Nhiều cơ quan đã công khai số điện thoại đường dây nóng để cán bộ, công chức và nhân dân phản ánh, kiến nghị và góp ý xây dựng cơ quan.
Thực hiện QCDC trong doanh nghiệp Nhà nước tạo sự chuyển biến trong nhận thức về quyền làm chủ của cán bộ, nhân viên, người lao động (NLĐ) đảm bảo qua 7 việc giám đốc phải công khai, 7 việc NLĐ tham gia ý kiến, 4 việc NLĐ quyết định, 8 việc NLĐ giám sát kiểm tra.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu làm rõ thêm những thành công trong thực hiện QCDC ở Đà Nẵng là lãnh đạo đối thoại công khai, trực tiếp với các tầng lớp nhân dân. Đối thoại tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân với nhiều chủ trương của thành phố. Lãnh đạo thành phố nói là làm. Gần 82 ngàn hộ dân đã di dời giải tỏa để chỉnh trang đô thị là một minh chứng thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đồng chí Vũ Trọng Kim đánh giá cao công tác tổ chức xây dựng và thực hiện QCDC sáng tạo, có hiệu quả của Đà Nẵng. Đồng chí nhấn mạnh: Đối thoại với nhân dân là điểm nổi bật, là phong cách của Đà Nẵng trong thực hiện QCDC mà ít nơi nào làm được. Đồng chí ghi nhận những kiến nghị của thành phố: Cần có chế tài yêu cầu lãnh đạo các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện QCDC, nếu sai phạm sẽ bị xử lý. Bổ sung thêm qui định thực hiện QCDC áp dụng đối với cán bộ, công chức cơ quan phường, xã và đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương tập huấn cho cán bộ chuyên trách thực hiện QCDC.
Tin và ảnh: S.T