.

Ý kiến cử tri

.

LTS: Kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố khóa VII sẽ diễn ra trong các ngày 2, 3 và 4-12-2008. Hàng vạn người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến kỳ họp này và đóng góp nhiều ý kiến trên các lĩnh vực. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu các ý kiến của cử tri gửi đến HĐND thành phố.

Nguyễn Thị Ý Thư
, nhân viên Công ty Tranh thêu tay XQ:

Cần chấm dứt ngay tình trạng chèo kéo khách du lịch

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cấp các dịch vụ và môi trường du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh thành phố văn minh, thân thiện và thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động du lịch.

Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy khách du lịch đến Đà Nẵng rất ngại tình trạng bị những người bán hàng rong, hàng lưu niệm đeo bám, chèo kéo, thậm chí có lúc gây ra xô xát. Có những đoàn khách khi đến trước các quầy hàng bán đồ thủ công, mỹ nghệ, lưu niệm… không dám xuống mà ngồi nguyên trên xe và cử người đại diện xuống giao dịch. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ tạo ấn tượng không tốt cho du khách về thành phố. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục để du khách được tự do tham quan, mua sắm và có được cái nhìn thiện cảm về hoạt động du lịch ở Đà Nẵng.

Nguyễn Hữu Chát, trú tại 239 Dũng sĩ Thanh Khê-phường Thanh Khê Tây:

Sớm hoàn thiện những công trình thi công dang dở

Trong các kỳ họp HĐND thành phố hằng năm, vấn đề ô nhiễm môi trường, tiến độ thi công chậm của các công trình công cộng ở các khu dân cư, khu tái định cư luôn được đặt ra một cách cấp thiết. Từ đó thành phố cũng đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết triệt để, trong đó công trình thoát nước ở khu dân cư chúng tôi là một ví dụ.

Trên khu đất của Trường Đại học Sư phạm cũ, ở khoảng giữa số nhà 239 và 237 đường Dũng sĩ Thanh Khê, hơn 1 năm nay đã hình thành một khu dân cư mới (khoảng 20 hộ). Tuy nhiên, hệ thống thoát nước phía sau khu tái định cư này được Ban Quản lý dự án Liên Chiểu-Thuận Phước đào lên thi công, đã đổ cống nhưng không tiến hành đậy nắp, bỏ dở công trình trong thời gian dài. Từ đó dẫn đến tình trạng nước ứ đọng trong mùa mưa, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân chung quanh.
 
Tình hình này đã được các hộ dân ở đây nhiều lần phản ánh trực tiếp lên các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. Nguyện vọng của tôi và các hộ dân trong khu vực là mong đơn vị thi công sớm hoàn thiện công trình, để người dân chúng tôi thuận tiện trong việc dọn dẹp, giữ vệ sinh khu phố.

Trịnh Anh Bình, công nhân Xí nghiệp Toa xe Đà Nẵng:

Siết chặt hơn nữa công tác an ninh-trật tự ở khu dân cư

An cư thì mới lạc nghiệp, đó là suy nghĩ chung của nhiều người dân trên địa bàn thành phố. Sống trong một môi trường không có tội phạm, không có các tệ nạn xã hội, người dân cảm thấy sẽ yên tâm hơn trong công tác, sinh sống và tin tưởng tuyệt đối vào bộ máy an ninh của thành phố. Tuy nhiên, gần đây, tôi nhận thấy tình hình an ninh trật tự trong các khu phố có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các khu có nhiều công nhân, sinh viên ở trọ.

Bản thân tôi là một công nhân xa quê và thuê nhà trọ (phường Tân Chính) đã nhiều lần bị mất cắp từ quần áo đến điện thoại, mũ bảo hiểm. Hành vi của bọn trộm rất tinh vi và táo tợn, chúng thường xuyên lui tới thăm dò và ra tay bất cứ lúc nào. Nhiều khi đi làm mà không yên tâm, làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Bản thân tôi và những người thuê trọ mong muốn các cơ quan chức năng sớm ổn định và quản lý chặt hơn nữa các đối tượng hay phạm pháp, bảo đảm tốt an ninh-trật tự trong các khu phố để người dân yên tâm.

NGUYỆT QUẾ (ghi)
        
Ông Nguyễn Hữu Thu, Tổ trưởng tổ 17 An Mỹ, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà:

Người dân muốn biết thời gian giải tỏa để ổn định cuộc sống

Tổ 17 An Mỹ hiện có 70 hộ dân, chủ yếu làm nghề lao động phổ thông hoặc đi biển, đời sống bấp bênh. Chủ trương giải tỏa khu vực này trong dự án cầu Rồng dù đã nghe nhiều nhưng vẫn chưa thấy triển khai. Vì thế, nhiều hộ dân muốn biết thời gian giải tỏa là khi nào để họ có thể ổn định cuộc sống. Theo tôi nhận thấy, vì cứ nhùng nhằng chuyện đi hay ở nên nhiều hộ dân không thể sửa chữa nhà cửa, hệ thống đường sá, cống rãnh ở đây lại xuống cấp nặng, mưa xuống là nước ngập vào tận nhà, môi trường sống trong khu dân cư bị ô nhiễm.
 
Ý kiến của bà con là nếu không giải tỏa thì chính quyền nên đầu tư nâng cấp, mở đường và người dân sẽ đóng góp công sức, tiền của cùng làm. Tôi mong kỳ họp HĐND thành phố lần này sẽ đưa ra được những chủ trương đúng để giải quyết những bức xúc của người dân địa phương, giúp họ ổn định đời sống.

Ông Nguyễn Văn Cao, khu dân cư Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu:

Cần có giải pháp tạo việc làm cho người dân trong diện giải tỏa

Tại địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, nhiều hộ dân đã giao ruộng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án quy hoạch đô thị, họ không còn ruộng đất canh tác và phải tự tìm việc làm khác để kiếm sống. Vì vậy thành phố cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết việc làm cho người dân trong diện di dời, giải tỏa.

Bản thân tôi và những người dân địa phương đồng tình với việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường vì hoạt động thực sự không hiệu quả. Người dân bây giờ theo dõi, giám sát hoạt động của đại biểu HĐND tại địa phương qua nhiều kênh thông tin nên nhiều ý kiến cho rằng HĐND cấp quận, huyện, phường chưa thực hiện tốt những nhiệm vụ của mình và họ cũng không đưa ra những đề xuất kịp thời để giải quyết vướng mắc của người dân. Do đó, việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường là đúng với yêu cầu của thực tế hiện nay.                           

MỸ HẠNH (ghi)

 

;
.
.
.
.
.