Cơ sở trung kiên
Anh Sáu Nhùm, tức Trần Nhùm, ở trên đường Cô Bắc - Hải Châu, là một cơ sở kỳ lạ nhất. Anh đạp xe xích lô, vợ anh, chị Bốn Huệ người Thanh Khê bán trầu ở chợ Cồn. Từ năm 1964, để thỏa mãn ao ước ra vùng giải phóng, ông Sáu Hưng, chị Năm Cao bố trí đưa hai vợ chồng Sáu Nhùm ra Khuê Đông gặp mặt cán bộ cách mạng.
Chuyện về Năm Dừa (Bài 2)
Chuyện về Năm Dừa (Bài 1)
Tưởng vùng giải phóng ở đâu xa lắm, ai ngờ lại sát nách thành phố, chị Huệ nói, thì ra đồn bốt, lính tráng, địch tình giăng giăng vậy mà anh em mình đã có mặt khắp nơi! Lần đó, ngoài anh Đặng Trung Kiên tiếp, nói chuyện, còn có anh Năm Thông, Bí thư quận Ba tiếp, anh chị Sáu Nhùm rất phấn khởi. Từ chuyến đi ra vùng căn cứ đó, vợ chồng anh chị Sáu Nhùm trở thành cặp vợ chồng trung kiên, tốt bụng, gia đình anh chị trở thành một điểm hẹn tuyệt đối tin tưởng. Tuy nhiên, sau một thời gian do một số cán bộ đến ở đã mất cảnh giác, làm khổ cho gia đình không biết bao nhiêu.
Lúc đầu các anh đến ở, nhà anh chị chưa có buồng, đề xuất làm cái buồng, anh nói ở tạm ri cũng được cần chi buồng. Nhưng sau khi giải thích thì anh đồng ý. Thế là đưa tiền cho anh mua ván ép dựng cái buồng.
Anh để trong buồng một cái thùng gỗ thông to, đựng đồ lặt vặt, khi cần, ba bốn người rúc được. Một hôm, con bé Hy bưng mâm cơm vào cho anh em ăn, hôm ấy có anh Kim - Thành đội, anh Hồng Đen - Công vận, anh Sáu Hưng, Bí thư quận Nhất và chị Năm Cao - cán bộ Phụ vận. Đang ngồi ăn, thì có ai đó nói vọng vào: Có người lạ. Nguy hiểm! Thế là chui hết vào, khom người trong cái thùng gỗ, bưng cả mâm cơm vào, đóng cửa thùng lại. Nóng ơi là nóng!
Điều mà hàng xóm không ngờ tới, là ngày nào anh Sáu Nhùm cũng say lè nhè, có hôm ai mời mấy chén, về tới cổng không chịu vào nhà, nằm lăn ngoài đường. Bữa nào trong nhà có anh em mình, hình như ổng giả say. Cả ngày hai vợ chồng lo làm kiếm tiền nuôi bầy con, ở nhà có con Hy, con liệt sĩ, cháu gọi anh Sáu Nhùm bằng cậu. Hy thấp người, đầu tóc đen dày, suốt ngày áo cánh, quần đùi, làm mọi việc trong nhà, từ nấu cơm, giặt áo quần, lau tắm cho mấy đứa con anh Sáu và đổ nước tiểu cho mấy anh nhà mình.
Khi vào thành phố, tham gia chiến dịch Mậu Thân-1968, lúc đầu anh Vân Cao ở nhà anh Độ, chỗ góc đường, gần nhà bà Bốn Tự, sau đó mới qua nhà bà Bốn Tự. Nhà bán bún nhưng không có chỗ trốn khi bị bố ráp, hoặc có người xấu vào nhà, chỉ có một cái hầm tròn, anh Thanh Vân (Vân Cao) khi xuống phải khom người, bà Bốn Tự lấy tấm ván đậy lại, rồi lấy rổ xương để lên trên.
Thấy tội nghiệp anh Vân quá, bà Bốn Tự kêu anh Sáu Hưng, bảo chị Năm Cao có chỗ nào bố trí cho anh Vân Cao? Gặp chị Năm Cao, anh Vân Cao cũng than không có chỗ ở, cả đêm rúc ngoài bàu Thạc Gián muỗi cắn quá! Sau đó, buộc phải bảo cô Yến giao liên đưa anh Vân qua ở nhà bà Huệ. Anh Kim - Thành đội đã cao rồi mà anh Vân còn cao hơn anh Kim nửa cái đầu (vì anh Vân quá cao, nên gọi là Vân Cao).
Cạnh nhà anh Sáu Nhùm, cách một bờ tường cao chừng thước sáu, là nhà của một trung sĩ cảnh sát. Ai đi ra sau nhà, thì nhà viên cảnh sát không thấy, riêng anh Kim và anh Vân Cao thì phải đi khom lưng xuống. Một hôm, viên cảnh sát bất ngờ vào nhà, thấy mấy người lạ, hỏi: Anh em ni là ai đây chị Bốn? Chị Huệ nói tĩnh: Anh em làm ở trên khu kỹ nghệ An Hòa xuống chơi!
Sau trận Mậu Thân-1968, gia đình chị Bốn Huệ chưa hết lo, không có thắng lợi như mong đợi mà còn bị bọn địch bố ráp liên miên. Vừa đi làm ở cảng về bước vào nhà thì đột ngột thấy một thằng cha lạ hoắc nằm trên cái giường ở góc nhà tối mờ mờ, hỏi ai nằm, chị Bốn Huệ vợ anh mới nói gọn lỏn “Cộng sản chứ ai”, chưa kịp giải thích thì Sáu Nhùm thộp hỏi: - Răng, có đầu hàng không? Năm Dừa vốn tính nóng như lửa, lại nghe thằng cha có vài xị vào lại nói cái giọng khó nghe, không kìm chế được, đáp liền: - Chống Mỹ là việc của tôi. Tôi mà đầu hàng, phản bội thì nhân dân trị tôi. Nhiệm vụ của ông là đấu tranh, ông không được báo cho địch.
Sáu Nhùm không vừa: -Tui báo cho địch thì mình lão bị bắt, tui được thưởng. Treo giá một Việt Cộng đầu sỏ 500 nghìn, mua được mấy chục bao gạo. Còn lão đầu hàng thì cả gia đình này tan gia bại sản. Lão tính đi!Sau một hồi lên gân kiểm tra chất lượng cán bộ nằm vùng, Sáu Nhùm trở nên đầm ấm hơn, dịu giọng lại, mời Năm Dừa lên căn phản nhà trên nói chuyện.
Biết tin Năm Dừa đã đến nơi an toàn nhưng chị Nghĩa thấy không yên tâm, chị biết khu vực đường Cô Bắc gần chùa Tỉnh Hội trong đợt tấn công Tết Mậu Thân có một số giao liên và biệt động thành bị bắt, không còn an toàn tuyệt đối như trước. Vả lại, tình hình ngoài phố đang rất chộn rộn, nhiều cuộc bố ráp diễn ra cố truy bắt cho được một Việt Cộng đang ẩn nấu trong thành phố.
Bọn tâm lý chiến cho xe phóng thanh chạy qua các đường phố rao oang oang, nhà nào chứa chấp một Việt Cộng vừa đột nhập vào thành phố, bắt được bắn tại chỗ, tịch thu hết tài sản. Thị trưởng Đà Nẵng treo giá, ai chỉ bắt được Năm Dừa được thưởng năm trăm nghìn đồng và cấp cho một cây súng ru-lô để phòng thân. Ảnh của Năm Dừa được phóng to dán ở ngã tư chợ Cồn, chợ Hàn. Chị Bốn Huệ vững vàng vậy mà cũng lo cho sự an toàn của một cán bộ đang ở trong nhà, phần lo ông xã có chút ba xi đế vào là giở chứng.
Ba giờ chiều hôm ấy, giao quầy bán vải cho người nhà, chị Nghĩa lên nhà anh Ba Nuôi. (Huỳnh Văn Nuôi) ở số 40 đường Hoàng Hoa Thám, đối diện bốt cảnh sát. Chị Nghĩa bàn với anh Ba Nuôi, bằng mọi cách đưa Năm Dừa thoát ra khỏi thành phố càng sớm càng tốt. Anh Ba Nuôi nói: - Bây giờ địch nhét nút hết các ngõ ra vào thành phố, chỗ nào không có cảnh sát áo trắng thì có công an mật vụ chìm, chúng đang phát lệnh truy nã. - Bây giờ anh Năm đang ở đâu? Anh Ba Nuôi lo lắng hỏi. Chị Nghĩa nói thật để anh Ba cùng tính: - Năm Dừa đang nằm dưới hầm bí mật.
Hồi một giờ ông chủ nhà giở nắp hầm lên cho anh Năm thở, ông ta cắc cớ hỏi anh Năm: Anh có phản bội không? Từ trước đến nay gia đình tôi đối xử với anh em rất tử tế, anh là người mới quá, tôi mong anh đừng hại gia đình tôi. Anh tìm cách đi khỏi đây cho sớm không để vạ lây cả nhà tôi… Chị Nghĩa cho biết, anh Năm Dừa nói làm sao đi ngay. Hai người bàn đi đến nhất trí phải đưa Năm Dừa thoát ra khỏi nhà Sáu Nhùm trước 4 giờ chiều hôm ấy. Như hẹn, 4 giờ kém 5 phút, anh Ba Nuôi diện áo quần như người đi ăn cưới, đánh chiếc Vespa rời nhà chạy đến dừng xe gần chùa Thánh Mẫu trên đường Triệu Nữ Vương.
Một thoáng sau, Năm Dừa rời đường Cô Bắc, vọt lên sau lưng Ba Nuôi, chiếc Vespa rồ ga chạy qua đường Võ Tánh, lên đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng), chạy qua khu Công giáo An Hòa, chạy vô chợ Bừng Quân, theo con đường đất hẹp xuống Cẩm Lệ, vòng vèo lên cầu Đỏ, theo quốc lộ một chạy vào. Đến Gò Phật, hai người thấy đã khá an toàn, anh Ba Nuôi dừng xe cho Năm Dừa nhảy xuống.
Vội vàng chia tay, Năm Dừa băng qua cánh đồng trống đi thật nhanh vào xóm. Thấy phía trước mấy đám khói đang ùn lên, tưởng bà con đốt rạ làm đồng, không ngờ lính ngụy đang càn ở đó. Năm Dừa tháo lui, thấy anh Ba Nuôi còn đứng trên đường cái nhìn theo, chưa quay xe ra, Năm Dừa vẫy tay gọi. Anh Ba Nuôi chở Năm Dừa vào đến gần chợ Thanh Quýt, xuống xe trước nhà thờ Tin Lành thì hai người chia tay. Năm Dừa băng đồng xuống Điện Nam quê anh, còn Ba Nuôi quay xe chạy ra Đà Nẵng.
Ghi chép của HỒ DUY LỆ
.
.
Chuyện về Năm Dừa (Bài 3)
Thứ Sáu, 09/01/2009, 07:44 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.