Nhiều thanh niên thời đại mới, muốn tạo lập cho mình một con đường sự nghiệp riêng. Họ sẵn sàng đương đầu thử thách để nhận biết bản thân mình. Sẵn sàng đón nhận những rủi ro, và cả thất bại nữa, để có thêm những bài học mà không có bất cứ trường học nào dạy. Nhiều bạn trẻ đã thành công và cũng không ít người sớm nếm trải đắng đót vị đời, nơi không một chút nương nhẹ cho những sai lầm, kém cỏi.
Nhưng số người muốn bám vào cơ quan Nhà nước, với suy nghĩ: “Cho chắc chắn”, thì vẫn là xu hướng chủ lưu. Cha mẹ không mảy may tiếc sức, tìm kiếm quà nhỏ, quà to để được lọt vào cổng nhà sếp mà thưa chuyện… Khi con mình được lọt vào mắt xanh của sếp, con cái cứ việc nằm trên một dây chuyền nhung. Thiên hạ tăng lương, thì con mình cũng đến lượt tăng lương. Ông trưởng phó phòng về hưu thì đến lượt con mình, rồi giấc mơ lên giám đốc, lên cao nữa chẳng còn là xa vời. Nếu được sếp thương, sớm cất nhắc vào nơi thơm tho, có màu, có lộc thì danh là đó mà lợi cũng là đó.
Nhưng khi đã được vào cơ quan Nhà nước rồi, liệu lớp trẻ có yên phận ngồi nhìn ngắm bèo dạt mây trôi, của cơ chế? Đây cũng đang là vấn đề nóng được gọi là hiện tượng “chảy máu chất xám” của cơ quan công.
Tôi đã có dịp quen biết không ít những doanh nhân trẻ từng làm việc trong cơ quan Nhà nước. Vị trí và tương lai của họ không đến nỗi nào. Họ tỏ bày:
- Lương như vậy, đến ăn sáng cũng không đủ, làm sao cháu dám nghĩ tới lấy vợ, đẻ con. Chú coi: Một triệu một tháng. Để có hai triệu, cháu phải làm bao nhiêu năm, chờ đợi bao nhiêu lần lên lương. Cứ theo ngạch lương như hiện nay, cầm chắc phải tới 40 tuổi cháu mới có hai ba triệu. Mà hai ba triệu nghĩa là sao? Chẳng là sao. Cứ trùm mền vô tư sống độc thân cho đến trọn đời.
Còn một doanh nhân khác trẻ hơn, nói:
- Làm cho Nhà nước, riết rồi nó hư người. An phận là một bệnh nguy hiểm đối với tuổi trẻ. Nhưng không mấy ai cảnh giác. Khi ru mình trong sự an nhàn quá lâu mới nhận ra một điều: Đầu óc mình đã mất thói quen suy nghĩ, thân xác đã trì trệ, con người thành lười biếng, vô dụng. Lúc đó, nếu tỉnh ngộ thì đã quá muộn màng.
Sự nhàn rỗi của công chức là một minh chứng rõ rệt cho tình trạng dôi dư người trong bộ máy công. Thử đi vào một số công ty thì thấy rõ: Bộ máy quản lý của một xí nghiệp quốc doanh với hàng chục ban bệ, rồi đoàn thể… dăm bảy chục gián tiếp là sự thường. Nhưng công ty tư nhân mà như vậy, chắc không tồn tại quá một tháng. Tôi tự hỏi, tại sao bộ máy công không gọn nhẹ, hiệu quả. Khá nhiều người cười chéo tôi mà thưa:
- Cơ quan phải nhiều người mới ra cơ quan lớn.
- Có nhiều như vậy mới có chỗ cho con cháu, chị em, dâu rể… vào chứ.
Nhiều người nói, tinh giản biên chế tưởng dễ nhưng không dễ chút nào. Con cháu các sếp có mặt ở mọi nơi. Con trai, con gái, con dâu, con rể… tùm lum. Tôi còn tin thêm một điều nữa: Số con cháu các sếp này đang nắm giữ những vị trí vô cùng nhạy cảm, tế nhị.
Trong một lần trao đổi với ông L.Nordstrom, phó đại sứ Thụy Điển, một quốc gia có bộ máy công hoạt động hiệu quả bậc nhất thế giới, ông nói:
- Một trong những thành công của Thụy Điển là tinh giản bộ máy, nhân sự. Quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Từ đó mới có điều kiện tăng lương xứng đáng cho công chức, tạo môi trường làm việc và môi trường xã hội tốt cho người lao động. Khi ai đó đời sống được bảo đảm, nhìn thấy tương lai phát triển của mình thì họ làm việc có hiệu quả và gắn bó lâu dài với nơi mình làm việc.
Nói như ông phó đại sứ, thì không ít người Việt Nam cũng nói được. Nhưng làm thì… hãy đợi đấy. Đã đến lúc phải coi đây là một vật cản không nhỏ khi luận bàn đến tính hiệu quả của bộ máy công.
NHẤT NGÔN