Dòng sông Cu Đê trải dài uốn lượn theo núi xanh trùng điệp, thi thoảng bồi đắp những mảng phù sa mang lại sự trù phú cho mảnh đất vốn được gọi là “vùng trắng”, là chiếc nôi của cách mạng. Men theo triền sông, chúng tôi bắt gặp cái đẹp dịu dàng và thanh thoát của những bông hoa lau cuối mùa. Trời im một chốc lại nhẹ những cơn mưa.
Ở làng quê yên bình, người già có những thú vui thật bình dị |
Ngôi nhà vợ chồng ông Trương Hải Tú đang sinh sống khá kiên cố và thoáng mát. Ở tuổi 83, vợ chồng còn sống được với nhau đã là hạnh phúc, cái hạnh phúc bình dị mà nhiều người mong muốn. Râu tóc đã bạc trắng, ông vẫn đọc sách báo hằng ngày mà không cần mang kính. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông chêm vài câu hóm hỉnh, ngồ ngộ.
Tiếp chúng tôi, đôi tay ông không ngừng bóc vỏ đậu phụng. Ông bảo: “Gần đến mùa trồng đậu rồi, hai ông bà đang chuẩn bị để gieo hạt”. Với giọng trầm lắng, ông tiếp, ngày trước người dân vùng này còn nghèo khổ, đói kém lắm, làm gì có điện, làm gì có trường học cho con em, làm gì có xe máy. Suốt ngày đi bộ. Tết đến chưa đi thăm hết bà con hàng xóm chân cẳng đã mỏi rã rời. Dân mình làm dữ lắm mà không đủ ăn, cái đói nghèo nó cứ quanh quẩn trong làng. Giờ thì khác xưa nhiều lắm: Nhà cửa bây giờ cũng kiên cố hơn, lợp ngói, lợp tôn chứ không còn nhà tranh vách đất nữa…
Toàn tổ 37 Thủy Tú hiện nay có 66 hộ dân, trong đó có khoảng 70% gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. 40% gia đình người già neo đơn. Có đến Thủy Tú mới biết, những ngôi nhà ngói khang trang đều được chính quyền xây tặng. Vợ liệt sĩ Lưu Củ, bà Trần Thị Heo sống một mình trong ngôi nhà được Nhà nước xây tặng từ hơn 10 năm nay. Ngoài mảnh vườn rộng không người chăm sóc, bà đang tỉ mẩn vùi mấy củ hành vào khoảnh đất đã được cày xới. Đôi bàn tay run run, trông bà già hơn cái tuổi 75 của mình.
Đôi mắt bà đã mờ và đôi chân đã không còn đủ sức để đi một chặng đường gần 2km ra chợ Hòa Liên mua thức ăn. Cứ ba bốn hôm, bà lại gửi hàng xóm mua thức ăn giúp. Những năm gần đây, sức bà yếu dần. Đã qua rồi cái thời trông Tết đến để đi thăm bà con, bạn bè. Trong ngôi nhà nhỏ, bà ăn Tết với người chồng đã quá cố bằng một nắm cơm, một vài miếng bánh và đôi ba đĩa đồ xào.
Nhà không có bàn để tiếp khách, bà Heo bảo chúng tôi ngồi tạm trên chiếc giường con. Tự nhiên như con cháu về thăm bà, tôi chạy quanh giường tìm những góc độ ưng ý để chụp hình làm kỷ niệm. Từ trong nhà, bà nhìn ra cười thật hiền. Tôi cứ muốn bà được mãi vui như thế, nhất là trong “ba ngày Tết, bảy ngày xuân”. Thấy trời có chút hừng nắng, bà vội bưng những miếng cau ra phơi rồi cười móm mém, hôm rồi, đứa cháu gái mang cho một buồng cau, nhưng hơi già nên bà đã bỏ đi một số quả.
Tiếc lắm, nhưng già rồi, răng cỏ không còn như trước, cau cứng quá nhai không ra. Chúng tôi ngồi nghe mà lòng tràn ngập niềm xúc động. Thoáng nghe đâu đó câu hát “Chồng gần không lấy em lấy chồng xa, lỡ mai cha yếu mẹ già, chén cơm bát nước, miếng trầu ai dâng…”. Người mẹ già suốt một đời tần tảo, nay bốn đứa con mỗi đứa một nơi. Ánh mắt bà lại nhìn vào khoảng xa xăm, như thể mong đợi bước chân cháu con theo Xuân về đầu ngõ.
Từ nhà bà Heo, chúng tôi men theo một con đường đất để sang thăm bà Nguyễn Thị Gia cũng là vợ liệt sĩ. Bà sống một mình từ sau ngày giải phóng. Trời mùa mưa, con đường khá lầy lội, con ngựa sắt đành bỏ lại ven đường để cuốc bộ vào nhà bà. Sau những câu chuyện không đầu không cuối, bà Gia thoăn thoắt đi xuống bếp, lát sau bưng lên một rổ khoai đã nấu chín từ lúc nào. Chúng tôi đón nhận tình cảm của bà mà lòng không khỏi ngùi ngùi xúc động.
Khi chúng tôi xin phép chụp cho bà một tấm ảnh, bà cười rồi dẫn ra vườn. Mảnh vườn khá rộng với một người sống neo đơn. Đến bên gốc trầu, bà nói nhỏ: “Con chụp cho bà bên gốc trầu này nè. Nhờ nó mà Tết năm nào bà cũng không cần mua trầu cau tiếp khách”. Vừa nói, đôi tay bà lại lần vào từng lá trầu xem có bị con sâu nào làm hư hại không. Chúng tôi như chợt hiểu ra, niềm vui của tuổi già là được khỏe mạnh để có thể chăm sóc vườn cây của mình. Hình như, trong cô đơn, vườn rau, cây trái chính là người bạn không thể thiếu của họ.
Ở Thủy Tú, còn nhiều những cụ già sống neo đơn mà chúng tôi chưa có dịp ghé đến như ông Hai Lục, ông Bảy Hưng, bà Sáu Hưởng… Khi chia tay, ông Tú mở lòng “Ở tuổi này, ông chỉ mong Tết đến để đón con cháu về chơi. Già rồi, đâu còn sức để vui chơi hoan hỉ. Con cháu quanh năm bận rộn, chỉ có mấy ngày Tết để về thắp hương cho ông bà, gia tộc. Đó là niềm vui lớn nhất”. Hình như, đó là tất cả nỗi lòng của những người còn sống đến cái tuổi tám mươi. Bởi lẽ, biết đâu mùa xuân năm sau nữa, họ có còn sống trên đời để vui vầy với con cháu.
Rời Thủy Tú khi chiều mùa đông chưa đến 5 giờ đã sẩm tối, chúng tôi lại men theo con đường bê tông, ngược lên cầu Nam Ô Thượng, sau đó men theo bờ sông Cu Đê để trở về khi thành phố đã lên đèn. Sau lưng, mảnh đất gắn liền với những cuộc đời tần tảo, những người ông, người bà gắn bó suốt một đời với mảnh đất đã làm nên lịch sử như theo mãi...
Ghi chép của TIỂU YẾN-ĐOÀN LƯƠNG