55 năm đã trôi qua, bàn tay của cụ Nguyễn Thị Lan vẫn còn dẻo dai khi nhồi đất sét vào chiếc khuôn “ông Táo”- 2 ông và 1 bà - được in tượng trưng lên một miếng đất nhỏ bằng lòng bàn tay, đặt lên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt từ Bắc chí Nam. Nghề làm quanh năm, nhưng chỉ bán trong có 1 ngày - ngày đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp.
Tích cũ còn lưu
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan với sản phẩm “ông Táo” vừa lấy ra từ khuôn đúc. |
Để làm thành 3 “ông Táo”, thường người ta dùng những tảng đất to (đất khấu) để khô rồi gần ngày táo quân lên trời, họ mang ra gọt, đẽo. Quá trình làm những “ông Táo”, người tạo nên chiếc bếp ấy đã gửi gắm tình cảm, ước mong của mình: mong một năm bình an, sung túc cho cả gia đình, năm sau tốt hơn năm trước. Truyền thống làm “ông Táo” giờ không còn, khi mỗi gia đình chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện từ...
Không còn dùng 3 hòn đất để đun nấu, người Việt vẫn không quên “ông Táo” vì đó là vị thần bảo trợ cho cái bếp của mỗi gia đình. Họ thờ 3 vị thần bằng cách lập bàn thờ, có hương hoa vào ngày rằm, mồng 1 âm lịch. Đến ngày tiễn “ông Táo” về trời, thay vì đổi chiếc bếp mới, mỗi gia đình mua “ông Táo” được in tượng trưng lên miếng đất sét về thờ; và thay ông Táo mới hằng năm như thế.
Nhưng tục thờ “ông Táo” này không phải gia đình người Việt nào cũng áp dụng, chủ yếu từ khoảng miền Trung vào đến miền Nam. Ở Bắc một vài nhà mới mua “ông Táo” về thờ và gọi là “ông đầu rau”. Vào đến đất cố đô, hầu như bếp của gia đình người Huế nào cũng có “ông Táo” in trên miếng đất sét đặt trên bàn thờ, và được xem trọng như một nghi lễ thiêng liêng trong ngày thay “ông Táo” mới.
Ông Lê Trọng, 90 tuổi, một nghệ nhân gốm của làng gốm Thanh Hà, Hội An cho rằng, tục thờ “ông Táo” một cách tượng trưng ở hầu hết những gia đình ở miền Trung hay miền Nam là do tín ngưỡng Phật giáo của người dân đậm nét hơn. Ý kiến này có lẽ cần nhờ đến một nghiên cứu đích xác hơn từ phía những nhà nghiên cứu văn hóa.
Nghề cho một ngày
Sau khi phơi, “ông Táo” được xếp vào lò nung. |
Ở miền Trung, làng gốm Thanh Hà là nơi sản xuất, cung cấp “ông Táo” cho rất nhiều địa phương trong cả nước. Nhưng cả làng giờ cũng chỉ còn có 4-5 gia đình làm thứ hàng này, vì có nhiều lý do, nhưng điều cơ bản nhất có lẽ do giá quá thấp, người ta chuyển sang làm gốm mỹ nghệ được giá hơn. Bà Nguyễn Thị Lan, 96 tuổi, nghệ nhân làng gốm Thanh Hà vẫn nhớ như in những ngày đầu bắt tay vào sản xuất thứ hàng “ông Táo” này, rồi gánh gồng ra Huế, Quảng Trị bán cho người dân.
Thời đó đã cách đây 55 năm, khuôn đúc 3 vị Táo quân chỉ nhỏ bằng 2 phần so với khuôn hiện nay, hình cũng không được sắc sảo bằng, do không được chạm trổ tỉ mẫn, ra hình người mà chỉ là hình tượng trưng, nhưng có một điều không thay đổi là bà Táo luôn đứng ở giữa 2 ông.
55 năm trước, gia đình nào cũng có bàn thờ Táo quân, nhưng không ai làm 3 vị thần này trên cùng một mảnh gốm và đặt thờ quanh năm. Chỉ đến khi gia đình bà Lan làm khuôn, nặn tượng và mang đi bán, người dân mới biết để mua về thờ. Có thể ở một ngôi làng nào đó trên đất nước này, các nghệ nhân đã nặn tượng từ rất lâu rồi, hơn con số thời gian 55 năm, nhưng thời đó giao thương cách trở, sự trao đổi hàng hóa rất ít, nên có thể xem đất gốm Thanh Hà là nơi sản sinh ra nghề làm tượng gốm “ông Táo” cho cả miền Trung.
Khuôn để làm ông Táo là khuôn gỗ, do thợ mộc của làng chạm khắc. Trận lụt năm 1964, 2 chiếc khuôn của nhà bà Lan bị trôi mất, sau bà thuê thợ chạm chiếc khuôn khác, nhưng giờ cũng không còn khi 5 năm nay, làng gốm đã dùng đến khuôn nhôm do thợ đúc Phước Kiều làm. Trong làng, cũng chẳng có gia đình nào giữ lại chiếc khuôn gỗ đã theo họ mấy chục năm, dù du lịch làng nghề ở đây rất phát triển. Có lẽ những gia đình chuyên sản xuất “ông Táo” này không được các hướng dẫn viên du lịch để ý để giới thiệu với du khách, dù nó chứa đựng cả một sự tích về 3 ông Táo và tín ngưỡng của người Việt.
Em Ngô Văn Tài, cháu nội bà Lan, sinh viên năm thứ 2 ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết, khi dùng khuôn gỗ, trước khi bỏ đất vào nhào, phải bỏ một lớp cát mỏng mới lật được miếng gốm ra khỏi khuôn. Sau khi nung, lớp sơn quét lên rất dễ bị sần sùi. Từ ngày chuyển sang làm khuôn nhôm, trước khi nhào đất, tráng vào khuôn một lớp dầu phụng trộn với dầu diesel thay vì lớp cát như trước kia, hình có độ bóng đẹp hơn, sắc sảo, cho năng suất cao hơn.
Mỗi người có thể làm được 1.000 ông/ngày; người mới học việc cũng làm được ít nhất 500 ông. Sau khi in xong, người thợ phải sửa gọi là “sửa nguội”, do đất mềm, hình hơi cong. “Ông Táo” làm xong được đem ra phơi nắng 2-3 ngày, rồi đem vô lò nung, mỗi lò nung được 5.000 ông; rồi mới quét sơn.
Giá của một “ông Táo” hiện nay trên thị trường là 2.000 đồng, giá gốc người dân sản xuất ra là 1.000 đồng (cách đây 5 năm là 300 đồng/ông). Nhìn con số có thể thấy lãi rất cao khi làm “ông Táo”. Nghề làm quanh năm, nhưng đến đầu tháng 12 các bạn hàng đã gắn bó với gia đình hơn 20 năm nay mới về làng đem hàng đi. Mỗi năm gia đình bà Lan xuất xưởng 30 - 40.000 ông đầu rau và đến cuối năm mới thu tiền về. 30-40 triệu đồng cho một mặt hàng gốm như thế, không nhiều, nên cả làng cũng không ai mở rộng sản xuất.
Nghề cứ thế tồn tại, không phát triển hơn, cũng không hề lụi tàn vì hàng triệu gia đình người Việt vẫn giữ tục thờ “ông Táo” như một vị thần bảo hộ cho bếp lửa. Mà bếp, trong quan niệm của người phương Đông đại diện cho sự sung túc, thành đạt, là cội nguồn của năng lượng.
HOÀNG NHUNG