Dù đã qua thời hạn chốt báo cáo lương, thưởng cuối năm (31-12) từ lâu, nhưng số doanh nghiệp gửi báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ mới trên 50.
Bia thưởng nhiều, xây dựng thưởng ít
Trong khi mức thưởng cụ thể ở một số doanh nghiệp “tụt” xuống dưới 100.000 đồng/người, mức thưởng bình quân ở các nhóm ngành nhìn chung nhỉnh hơn năm ngoái TRONG ẢNH: Công nhân đang chế biến thủy sản. |
Ngành thưởng nhiều tập trung ở các đơn vị công nghệ phần mềm và ngân hàng. Các công ty tin học thưởng khá, do đạt lợi nhuận từ việc giá thành nhập khẩu linh kiện tin học giảm theo giá USD trong mấy tháng cuối năm. Còn số liệu tổng hợp từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, ngành có mức thưởng cao (từ 10 triệu đồng trở lên) tập trung ở các doanh nghiệp in sách giáo khoa, cao su, xuất khẩu lưới..., đặc biệt Công ty TNHH bia VBL Đà Nẵng công bố mức thưởng cao nhất – trên 70 triệu đồng. Các ngành bia, sản xuất giấy, ngoài thưởng còn có thêm tiền lương tháng 13.
Trong khi năm ngoái, ngành xây dựng nằm trong nhóm có mức thưởng cao thì năm nay, ngành này lại tầm tầm thưởng từ 5 triệu trở xuống. Bên cạnh đó, mức thưởng của các ngành vật liệu xây dựng, xây dựng điện, xây lắp điện... khá thấp, từ khoảng 66.000 đồng đến 1.000.000 đồng, có nơi còn không công bố thưởng. Tuy nhiên, mức thưởng bình quân ở các khối ngành đều nhỉnh hơn năm ngoái. Khối doanh nghiệp FDI vẫn thuộc nhóm có mức thưởng bình quân thấp nhất (2,1 triệu đồng) so với khối Nhà nước (3,36 triệu đồng) và dân doanh (3,32 triệu đồng).
Theo lý giải của một cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhóm doanh nghiệp thực sự bị tác động mạnh từ khủng hoảng tài chính là nhóm FDI vì liên quan đến xuất khẩu, và không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp khác tuy vẫn “ổn”, nhưng nương theo tình hình khó khăn chung để kéo thưởng xuống. Liên đoàn Lao động quận Hải Châu cho biết, các doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu thủy sản trên địa bàn quận gặp khó khăn do việc di dời cơ sở, thị trường bó hẹp và “vướng” chuẩn ATVSTP khi xuất sang nước ngoài.
Ít doanh nghiệp gửi báo cáo lương, thưởng
Theo ông Lê Minh Hùng, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương và BHXH (thuộc Sở lao động – Thương binh và Xã hội), thông báo của Sở đã được gửi đến 500 doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên, nhưng mới có 10% số này gửi phản hồi. “Thời điểm này năm ngoái đã có khoảng 200 doanh nghiệp báo cáo”, ông Hùng so sánh.
Phòng Quản lý lao động (thuộc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng) chưa thể thống kê đầy đủ tình hình lương, thưởng do: “Năm nay các doanh nghiệp báo cáo rất chậm. Hết thời hạn mà chỉ hơn 10/261 đơn vị gửi, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI chuyên ngành điện tử”, bà Mai Thị Hà An, Phó phòng nói. Theo bà An, có thể năm nay thời hạn chốt sớm hơn mọi năm, doanh nghiệp chưa kịp cân đối thu chi nên chưa đưa ra con số cụ thể.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cũng nhắc nhở các doanh nghiệp sớm công bố mức thưởng cho người lao động. Bởi việc thưởng chậm, thông tin không rõ ràng về lương, thưởng cuối năm rất dễ gây nên tình trạng đình công, như trường hợp một công ty sản xuất đồ chơi ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh năm ngoái. Liên đoàn Lao động quận Hải Châu đang huy động đóng góp từ các đơn vị kinh doanh – sản xuất để mua 30 suất quà cuối năm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Bài và ảnh: HẰNG VANG