.

Thưởng Tết và một năm nhiều khó khăn

.

Những ngày này, câu hỏi mà người ta hay dành cho nhau nhất khi gặp nhau đang là “Tết này được thưởng bao nhiêu?”. Với không ít người, có lẽ, đánh giá một năm lao động được đúc kết qua hai từ “thưởng Tết”, nhất là trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu trong năm qua.

Suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DN và cả tiền thưởng Tết của người lao động. (Ảnh minh họa)

Chưa có câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi trên, bởi đến giờ này, không phải doanh nghiệp (DN), đơn vị kinh tế nào trên địa bàn thành phố cũng đều có báo cáo về kế hoạch chi trả tiền lương, tiền thưởng Tết cuối năm cho người lao động. Nhưng, điều có thể thấy và dự báo được về mức thưởng Tết năm nay, như đánh giá của một số người đã biết được mức tiền thưởng, là “hẻo” hơn so với năm trước. Thậm chí, không ít DN đến thời điểm này vẫn chưa biết có thưởng Tết hoặc lương tháng 13 cho người lao động hay không, khi mà không có đơn đặt hàng để sản xuất và công nhân phải nghỉ Tết sớm. Ở một số DN, người lạc quan nhất cũng chỉ nghĩ đến việc được trả lương đầy đủ để có thể yên tâm ăn Tết.

Suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DN và cả tiền thưởng Tết của người lao động. Có người đã liên tưởng đến mối quan hệ giữa thời buổi kinh tế khó khăn - tiền thưởng Tết - nhu cầu trên thị trường hiện nay. Tiền thưởng Tết ít đi, hoặc chưa biết có được thưởng Tết hay không cộng với những đắn đo, suy tính trong chi tiêu của người tiêu dùng đã khiến sức mua của thị trường không nhộn nhịp như mong đợi, dù đây đã là mùa mua sắm cao điểm nhất trong năm.

Một số ngành, nhiều DN đã thực hiện các chiến dịch “kích cầu” hòng “dụ” người tiêu dùng móc ví tiêu tiền. Nhưng có lẽ, ở một góc độ nào đó, người dân, nhất là những người còn khó khăn, mong muốn được hỗ trợ, được “kích cầu” vào những thứ thiết thân, như hàng thực phẩm, gạo, mắm... hơn là những thứ xa xỉ như ti-vi LCD hay Plasma.

Thống kê từ báo cáo của các DN của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho thấy, Tết năm nay, mức thưởng cao nhất và thấp nhất của các DN trên địa bàn Đà Nẵng là 85,5 triệu và 66.000 đồng. Không nói đến số tiền thưởng cao nhất, với số tiền 66.000 đồng, các công nhân đang lao động trong các khu công nghiệp hay nhà máy sản xuất, có đủ mua một chiếc vé xe đò về quê ăn Tết?

Có thể báo cáo về tiền thưởng Tết nêu trên chưa đầy đủ, còn phải cập nhật, nhưng sự chênh lệch rất lớn ấy hầu như địa phương nào cũng có. Tại thành phố Hồ Chí Minh, thưởng Tết cao nhất 330 triệu, thấp nhất 24.000 đồng (VnExpress.net ngày 2-1); Khánh Hòa, thưởng Tết cao nhất 30 triệu, thấp nhất 50.000 đồng (Thanh Niên ngày 4-1).

Số tiền thưởng Tết chênh lệch nhau đến cả nghìn lần đó nói lên thật nhiều điều. Nó phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, một thực trạng mà chúng ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tìm các giải pháp để thu hẹp khoảng cách. Nó phản ánh quy mô đa dạng và không cân đối của các thành phần kinh tế, từ DN Nhà nước, DN tư nhân đến DN FDI, nhất là trong bối cảnh từ năm 2009 Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, bằng việc chính thức mở cửa thị trường bán lẻ. Nó cũng phản ánh được sự khác nhau giữa các DN làm ăn thành công, có lời và không thành công, thậm chí thua lỗ trong một năm đầy biến động.

Trong bối cảnh một năm đầy khó khăn như năm 2008, nhất là khi nhiều DN không có đơn hàng để sản xuất, công nhân phải nghỉ việc, dù tiền thưởng ít hay nhiều, có lẽ, cần dành một lời khen cho các DN chăm lo Tết cho người lao động, để cùng hướng đến năm 2009 với kỳ vọng tốt đẹp hơn.

Nam Đà

;
.
.
.
.
.