Đối với những người đã cai nghiện ma túy, việc hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời không phải chuyện đơn giản. Vượt qua cám dỗ của khói thuốc, của bạn nghiện cũ, vượt qua những mặc cảm, tự ti của bản thân, không ít người đã dứt hẳn với ma túy, bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Mặc dù vậy, cũng không ít người sau cai nghiện vẫn đi vào lối cũ và tiếp tục là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hòa nhập cộng đồng - không phải dễ
Anh Võ Ngọc Phước cùng nói chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người sau cai và gia đình. |
Và quan trọng hơn phải kể đến sự quan tâm của chính quyền phường Thuận Phước. Sau khi anh đến trại cai nghiện, xét thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chính quyền đã vận động, giúp đỡ gia đình anh xây dựng một căn nhà tình thương. Nhắc lại chuyện cũ, anh Thái nói: “Chuyện nghiện ma túy là sai lầm lớn trong đời, không bao giờ tôi dính đến nó nữa, phải lo làm, nuôi con ăn học”.
Thế nhưng, cũng tại phường Thuận Phước, vẫn còn những trường hợp người cai nghiện trở về nhưng không tìm được việc làm ổn định, bị bạn bè lôi kéo và lại rơi vào vòng cuốn của chất gây nghiện. Anh Võ Ngọc Phước, cán bộ phụ trách các vấn đề về tệ nạn xã hội của phường Thuận Phước cho biết: “Năm 2008, có một trường hợp được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng làm ăn, nhưng sau đó đối tượng này lại sử dụng chính địa điểm kinh doanh để tụ tập, hút chích và bây giờ đã trở lại trại cai nghiện”.
Chính “sự cố” này đã khiến cho phía ngân hàng lo ngại và không muốn tiếp tục cho những đối tượng sau cai vay tiền để làm ăn, mặc dù có sự bảo lãnh của chính quyền địa phương. Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết: “UBND phường đứng ra bảo lãnh để đối tượng sau cai vay vốn từ các nguồn của cấp trên như vốn 120, quỹ Xóa đói giảm nghèo, nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, số tiền vay được từ 8 đến 10 triệu đồng, trong đó có trường hợp vay 20 triệu đồng nhưng lại tái nghiện, nên bây giờ ngân hàng không dám cho vay vì không biết khi nào mới thu hồi được vốn”.
Ngoài việc vay vốn, một số đối tượng sau cai, thường là những người đã có gia đình, tự tìm việc làm như lái xe ta-xi, làm việc tại cảng cá, các nghề lao động phổ thông… Theo ông Dũng thì những đối tượng sau cai là thanh niên thì thường dễ tái nghiện, dễ bị bạn bè lôi kéo, một số khác thì lười lao động, không có việc làm nên dễ lặp lại con đường cũ. Chuyện tái hòa nhập cộng động thực sự không phải dễ, nếu không có nghị lực và quyết tâm từ bỏ thì việc tái nghiện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Gia đình và xã hội cùng chung tay
Đối với những người nghiện ma túy, sau khi trở về với cộng đồng, điều họ mong muốn là được mọi người tha thứ, chấp nhận, đối xử với họ một cách bình đẳng. Và quan trọng nhất là vòng tay yêu thương, đùm bọc của gia đình. Chính gia đình là nguồn động viên, là chỗ dựa lớn lao đối với những người đã mắc sai lầm. Sự thờ ơ, lạnh nhạt của những người thân trong gia đình sẽ tạo nên bức tường lớn, ngăn cản những người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.
Thiếu đi sự quan tâm của gia đình, những đối tượng nghiện, nhất là thanh-thiếu niên, phải tự mình đối diện với những khó khăn của bản thân. Những lúc như vậy, họ sẽ tìm đến với nhóm bạn bè cũ mong tìm được sự chia sẻ nào đó và rất dễ bị bạn bè lôi kéo vào con đường xấu. Ngược lại, với tình yêu thương, sự quan tâm, thông cảm của gia đình, những đối tượng này có thể từ bỏ con đường cũ và làm lại cuộc đời. Chị Nguyễn Thị Sơn Hà, một đối tượng nữ đã cai nghiện tâm sự:
“Bây giờ tôi không còn dính tới ma túy nữa mà lo cho con cái, đứa nhỏ sau này gửi tới trường rồi thì tôi đi làm lại”. Mẹ chị Hà nói thêm: “Nó bỏ nghiện thì gia đình vui rồi nhưng cũng lo sao cho có công ăn việc làm để nuôi con”. Hiện tại, trong cuộc sống hằng ngày, gia đình chị Hà được mẹ giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc. Chính tình thương, sự hỗ trợ của gia đình đã giúp chị thoát khỏi sức hút của chất gây nghiện và trở về hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh gia đình, chính quyền phường Thuận Phước cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng sau cai. Ngoài việc phối hợp cùng gia đình để thường xuyên nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người sau cai, UBND phường đã phân công cho các hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên theo dõi, thông tin ngay các hoạt động của đối tượng nhằm quản lý, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tái nghiện.
Để giúp những đối tượng trên có việc làm, chính quyền phường thường xuyên thông báo về Hội chợ việc làm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đồng thời, trực tiếp liên hệ với một số cơ sở kinh doanh để tìm việc làm cho các đối tượng sau cai. Anh Võ Ngọc Phước cho biết: “Nhiều người sau khi cai nghiện trở về không biết những chính sách hỗ trợ của chính quyền nên cán bộ địa phương phải chỉ dẫn cho họ như hỗ trợ vay vốn, giúp con em họ thủ tục miễn giảm học phí… Với những đối tượng trên, khi tiếp xúc phải nói chuyện, quan tâm như những người thân, người bạn thì họ mới chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và tham gia những chương trình của địa phương”.
Hiện tại, phường Thuận Phước còn quản lý hơn 40 đối tượng sau cai. Năm 2009, UBND phường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với gia đình, các đơn vị công an, biên phòng, các hội, đoàn thể để giúp những đối tượng này hòa nhập cộng đồng một cách thuận lợi, góp phần thực hiện tốt mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” của thành phố.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH