.

Trầm lắng, khó tuyển dụng

.

Dù đang “vào mùa” của thị trường lao động, nhưng chưa bao giờ bảng tin tuyển dụng trước các công ty, các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) lại vắng lặng như năm nay. Thực tế là công nhân nhiều công ty (CT) hiện chỉ làm việc cầm chừng và ăn 70% lương; người mất việc làm cũng không hiếm, tuy nhiên một số CT mở rộng sản xuất vẫn rất khó tuyển người...

Giữ công nhân trong điều kiện khó

Các công ty dệt may hiện đang ra sức giữ chân công nhân, tính bài toán nhân lực cho tương lai, dù xuất khẩu của ngành dệt may gặp nhiều khó khăn.

Chưa bao giờ sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu lại ảnh hưởng đến thị trường lao động như hiện nay. Dạo quanh các khu công nghiệp Đà Nẵng, Hòa Khánh, Liên Chiểu; các CT chế biến thủy sản ở khu vực Thọ Quang... chúng tôi thực sự bất ngờ vì không hề bắt gặp một băng-rôn hoặc thông báo tuyển dụng nào trước cổng. Không khí trầm lắng này khác hẳn với mọi năm, khi hầu hết các doanh nghiệp đăng thông báo cần số lượng nhân công hàng trăm người từ trước khi nghỉ Tết, kèm theo các điều kiện ưu đãi để chuẩn bị cho thời điểm sau khi nghỉ Tết là “đỉnh cao” của mùa tuyển dụng.

Thị trường lao động không còn không khí nhộn nhịp người tìm việc, việc tìm người. Một số CT thu hẹp sản xuất đã tiến hành cắt giảm nhân công với những người chỉ còn vài tháng nữa là hết hạn hợp đồng từ trước Tết, nay họ ra sức giữ lại số lượng công nhân hiện có, làm việc cầm chừng để trông chờ đơn hàng mới trong thời gian đến. Ông Nguyễn Duy Hậu, Giám đốc Công ty May mặc xuất khẩu Minh Hải cho biết, khách hàng hiện nay rất đỏng đảnh, cũng một lượng hàng nhỏ nhưng họ mang đi nhiều nơi để gây áp lực cho một số công ty may mặc. Chính vì vậy, công việc cần thiết lúc này là giữ chân công nhân để khi tình hình khủng hoảng đã qua thì công ty vẫn có đủ lao động cần thiết để bảo đảm cho sản xuất.

Nguyễn Thị Liên, công nhân phân xưởng ráp - CT TNHH Knitwear (khu công nghiệp Đà Nẵng) sau thời gian nghỉ Tết đã trở lại làm việc 2 tuần nay, nhưng cô chỉ đến CT để gặp mặt ngày đầu năm, sau đó được thông báo nghỉ chờ việc. Trong thời gian nghỉ, công nhân được hưởng 70% lương. Khi được hỏi sao không về quê hay tìm việc làm ở một nơi khác, Liên cho biết về quê sẽ rất khó tìm được việc làm phù hợp, nếu đi tìm công việc tương tự ở CT khác thì chưa biết điều kiện có khá hơn hay không, và một lý do nữa là hiện nay lương cơ bản đã tăng lên, nếu chi tiêu dè sẻn thì vẫn đủ cho một người. Và Liên cũng như nhiều nữ công nhân khác hy vọng là thời gian nghỉ chờ việc này sẽ kéo dài không lâu, CT sẽ sớm có việc làm cho công nhân.

Các CT đã chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” trả lương để duy trì số công nhân hiện có trong điều kiện có thể, bởi trừ khi đóng cửa nhà máy, còn nếu tiếp tục sản xuất một cách cầm chừng thì những công nhân này sẽ là lực lượng lao động chính để mỗi nhà máy tiếp tục vận hành khi tình hình đã khá hơn. Cách tính toán này rất hợp lý bởi để công nhân tự do đi tìm việc, thì sau này số công nhân có tay nghề không còn, doanh nghiệp sẽ rất tốn kém nếu tuyển dụng và mất công đào tạo lại.

Tìm cơ hội trong khủng hoảng

Thị trường lao động đang rơi vào giai đoạn trầm lắng. Tại Trung tâm DVVL khu công nghiệp nhưng cũng chỉ có vài thông báo tuyển dụng nhỏ lẻ (ảnh chụp ngày 4-2-2009)

Hiện con số người mất việc làm đang tăng lên từng ngày và đây là câu chuyện thời sự nóng bỏng trên thị trường lao động cũng như các trang báo. Nhưng cùng một ngành nghề thì cơ hội việc làm vẫn có cho NLĐ khi mới đây CT CP Dệt may 29-3 đăng thông tin tuyển dụng 300 công nhân; một công ty dệt may cũng rao tuyển 300 công nhân ngành may công nghiệp, 10 công nhân tốt nghiệp Trung cấp Điện, 30 nhân viên kinh doanh thông qua Trung tâm DVVL khu công nghiệp.

Nhưng một điều khá bất ngờ là sau nhiều ngày đăng tin, Công ty CP Dệt may 29-3 cũng chỉ mới nhận được gần 1/3 đơn đăng ký tìm việc, con số khá thấp so với những dự báo trước đó là người tìm việc sẽ không thiếu. Vấn đề này đặt ra 2 khả năng: có thể do thông tin tuyển dụng chưa đến được với người có nhu cầu; và nhiều công nhân bị mất việc từ trong Tết đã không trở lại thành phố tìm việc mới. Tuy nhiên số công nhân được tuyển dụng lại đáp ứng hầu hết yêu cầu của công ty.
 
Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc CT CP Dệt may 29-3 cho biết “100% công nhân chúng tôi mới tuyển dụng lần này đã có tay nghề, có nhiều năm kinh nghiệm. Không như các năm trước chỉ khoảng 70% lao động có tay nghề, doanh nghiệp phải mất công và tốn chi phí đào tạo lại”.

Dù chưa tuyển đủ công nhân để thực hiện đơn hàng mới trong thời gian sớm nhất, nhưng những công nhân đã có tay nghề mà CT CP Dệt may 29-3 tuyển dụng được đã thể hiện cơ hội mà các doanh nghiệp có được trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Đó là lực lượng nhân lực đã có tay nghề, có kinh nghiệm, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Nếu như vượt qua giai đoạn khó khăn này, thì hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm mà doanh nghiệp có được thể hiện qua việc sản phẩm được xuất trực tiếp sang nhiều thị trường có yêu cầu cao, chứ không đơn thuần chỉ làm gia công cho công ty khác, ngành dệt may sẽ giảm phụ thuộc vào lợi thế nhân công giá rẻ.

Tại Trung tâm DVVL thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ đơn vị đến tuyển dụng và số người được tuyển dụng chỉ bằng 30% của cùng kỳ năm 2008. Phần lớn là tuyển dụng lao động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ với số lượng ít, từ 1 đến 2 người. Trước đây Trung tâm DVVL Khu công nghiệp cũng nhận rất nhiều thông báo tuyển dụng từ các doanh nghiệp dệt may, điện tử, cơ khí, luyện thép... nhưng năm nay hầu hết không đơn vị nào có nhu cầu.

Trong khi đó, nhu cầu tuyển người giúp việc nhà (nấu ăn, trông trẻ, giúp đỡ người già...) lại đang trở thành vấn đề bức xúc của các trung tâm DVVL. Cô Dương Tuyết Lệ, nhân viên Trung tâm DVVL Thanh niên cho biết, hầu như ngày nào cũng có người gọi điện đến trung tâm nhờ tuyển người giúp việc nhà với mức lương hấp dẫn, nhưng vẫn không tìm ra nguồn cung. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Trung tâm Giới thiệu việc làm Phụ nữ Đà Nẵng.

Tình hình cũng không khả dĩ hơn tại Trung tâm DVVL thành phố Đà Nẵng, nhu cầu chỉ rơi vào các ngành nghề như bán hàng, nhân viên tiếp thị...

Các trung tâm DVVL cũng nhận được nhiều cơ hội trong giai đoạn thị trường nhân lực có nhiều thay đổi, dù công việc đã giảm rất nhiều so với trước. Ông Huỳnh Viết Tư, Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp Trung tâm DVVL Khu công nghiệp cho rằng, trung tâm đã nghĩ đến việc sẽ thành lập một “ngân hàng việc làm” với cách thức: nắm số lượng công nhân, quê quán mà một doanh nghiệp cho nghỉ việc; và khi doanh nghiệp nào đó có nhu cầu, trung tâm sẽ đặt quan hệ với mỗi tỉnh, huyện để tuyển dụng lao động và có sẵn nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu.

Một vấn đề nữa được đặt ra là chợ việc làm sẽ được mở tại các khu công nghiệp hoặc tại xã, phường, vì hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn có chứ chưa phải đã đóng băng hoàn toàn. Những cách thức trên chắc chắn mang tính khả thi khi dự báo nền kinh tế thế giới sẽ dần hồi phục vào cuối năm nay.

Bà Trần Thị Bích Liên, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp khó khăn đã ảnh hưởng đến thị trường lao động. Trong tình hình đó, thành phố vẫn duy trì tổ chức thường xuyên 2 phiên chợ việc làm/tháng, tiếp tục thực hiện đề án Có việc làm cho người dân thành phố; tiếp tục triển khai đề án thông tin thị trường lao động ở 56 xã, phường. Bà Bích Liên cũng hy vọng thị trường lao động sẽ sớm ổn định và sôi động trở lại, các CT cố gắng giữ công nhân trong thời điểm đơn hàng gián đoạn, chờ đơn hàng mới...

 
Giãn thời gian thực hiện đóng Bảo hiểm thất nghiệp

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được đề cập tới trong Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6-2006 và được cụ thể hóa bằng Nghị định 127 của Chính phủ ra ngày 12-12-2008. Theo đó, Quỹ BHTN được hình thành từ 3% tiền lương, tiền công tháng của NLĐ.

Trong đó, NLĐ đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% và Nhà nước lấy từ ngân sách hỗ trợ 1%. Ngoài ra có tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ sẽ bắt đầu hình thành từ ngày 1-1-2009. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, tại Nghị quyết 32/2008/NQ-CP ban hành ngày 31-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp lùi thời gian đóng BHTN và phải nộp đầy đủ các khoản này trong 6 tháng cuối năm 2009.

Quỹ BHTN sẽ có tác động trực tiếp đến NLĐ, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội, nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị thất nghiệp; tuy sẽ làm tăng chi phí mà doanh nghiệp phải đóng. Và theo ông Lê Văn Lịch, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố thì những chi phí tăng thêm này cũng sẽ khiến việc thu BHTN gặp không ít khó khăn. Nhưng quy định của Luật cũng “gây khó” cho ngành BH khi quy định doanh nghiệp có 10 lao động trở lên mới đóng BHTN, trong khi chỉ có 1 lao động cũng phải đóng BH y tế và BH xã hội.

Năm 2008, BHXH Đà Nẵng thu BH vượt 11% so với kế hoạch đề ra với gần 3.000 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên vẫn còn 317 doanh nghiệp nợ đọng đóng BH với số tiền trên 32 tỷ đồng.

H.N

 

Hoàng Nhung - Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.