Hàng chục năm trời sau chiến tranh, người ta chỉ biết đến Đà Nẵng - như bao đô thị cấp 3 khác trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sự sầm uất, đông đúc chủ yếu có ở những con đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Bạch Đằng… Còn một dải bờ Đông vẫn “nước xanh như tàu lá”, vẫn sự buồn tênh đến nao lòng với những khu nhà chồ tạm bợ; với vài con phà ì ạch, trễ nải chở khách sang sông...
Thế rồi, từ tháng Ba năm 2000...
1- Nhớ tháng Ba xưa
Toàn cảnh cầu Sông Hàn. |
Tôi nhớ tháng Ba của Đà Nẵng, khi bài viết về lịch sử Đà Nẵng đầu tiên của tôi là viết về ông Nguyễn Quang Thái - nguyên Trưởng ban Binh vận Quảng Đà, người đã chỉ đạo làm binh biến tại trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, phá rã hơn 3.000 binh lính địch trước khi Đà Nẵng giải phóng vài ngày. Ông cho tôi hiểu được rằng, Đà Nẵng đã làm thế nào để từ ngày 29-3-1975 đến cuối ngày 4-4-1975 kêu gọi 5.218 người, trong đó có gần 200 sĩ quan cấp trung, đại tá; đó là chưa kể đến gần 8 vạn hạ sĩ quan, binh lính và những người tham gia các đảng phái của chế độ cũ ra trình diện với chính quyền cách mạng.
Thế rồi, cũng tháng Ba của 10 năm sau đó, Đà Nẵng bắt đầu với những “kỳ tích” đầu tiên khi bắt tay xây dựng đường Điện Biên Phủ, Trung tâm thương nghiệp chợ Cồn, Nhà hát Trưng Vương... để chào mừng 10 năm giải phóng quê hương. Ai từng biết ông Phan Văn Nghệ (ông vừa qua đời tại Đà Nẵng) đều biết ông là người lăn lộn, gắn bó với các công trình trên như thế nào. Ông Nghệ ngày đêm bám lấy các công trình; thức khuya, dậy sớm; gặm bánh mì cùng anh em công nhân để động viên họ gắng sức hoàn tất các công trình trên đúng tiến độ.
Rồi, đúng ngày 29-3-1985, các phương tiện truyền thông phương Tây lại đồng loạt loan tin: “Chính quyền cộng sản tại Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm rầm rộ nhân 10 năm chấm dứt chiến tranh với các công trình lớn như đại lộ Điện Biên Phủ, Trung tâm thương mại chợ Cồn...”. Phát biểu tại lễ kỷ niệm vào ngày 29-3-1985, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Mấy năm qua, Quảng Nam - Đà Nẵng đã làm được nhiều việc và thu được những thành tựu rất to lớn, nhờ vận dụng sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương vào điều kiện cụ thể của địa phương...
Những thành tựu đó là kết quả của việc phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, là sự đoàn kết, nhất trí và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực của tổ chức chính quyền, nhiệt tình cách mạng của quần chúng nhân dân, sức chiến đấu và tính năng động của số đông cán bộ, đảng viên!”. Nhận xét đó, lạ thay sau hơn 30 năm vẫn còn nguyên giá trị cho thành phố này!
2- “Rồi một ngày nhịp cầu mới sẽ bắc qua”
Ngân hàng công thương tại Đà Nẵng của chính quyền Sài Gòn cũ trong ngày 29-3-1975 khi ta giải phóng Đà Nẵng. |
Bắt đầu đột phá từ “bàu Thạc Gián”, đến việc xây dựng các con đường Nguyễn Văn Linh và Hàm Nghi vào những năm 1995 - 1996, đến nay, Đà Nẵng đã mở ra hàng trăm con đường, hàng chục khu đô thị mới, hàng trăm công trình lớn nhỏ phục vụ dân sinh, rồi những chương trình đầy tính nhân văn như “5 không”, “3 có”... Ấn tượng nhất đối với tôi là công trình mở rộng đường Lê Duẩn và làm cầu quay bắc qua sông Hàn, nối liền trung tâm thành phố và Bạch Đằng Đông.
Còn nhớ, năm 2000, khi đang còn làm phóng viên của một tờ báo ngành, tôi chạy đến bở hơi tai để bám theo các sự kiện: lễ mít tinh kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, lễ khánh thành cầu quay Sông Hàn... Tôi cảm nhận được sự vui mừng, cảm kích của cả khách và chủ; cũng như những người dân bình thường khi cây cầu thay cho những chuyến phà xưa. Nhiều người nói về vẻ đẹp của cầu quay qua sự cảm nhận cái thơ mộng của sông Hàn đem lại.
Thông xe kỹ thuật cầu Thuận Phước.Ảnh: Văn Phương |
3- Tháng Ba của những kỷ lục
34 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng đã vươn vai đứng dậy, đổi thay một cách ngoạn mục, làm kinh ngạc bạn bè trong nước và khách quốc tế. Đà Nẵng đã lần lượt lập nên những “kỳ tích” khó ngờ: có ở đâu trên đất nước này, trong vòng gần chục năm có đến hơn 80 nghìn hộ dân phải di dời, giải tỏa đến nơi ở mới nhằm tạo cho thành phố “sắp xếp lại giang sơn”. Có tưởng tượng nổi không khi từ một thành phố xập xệ, với đầy rẫy “những rác rưởi chiến tranh”, Đà Nẵng bỗng được mở rộng đến mấy chục lần so với trước năm 1975.
Có kỳ lạ không khi một Việt kiều tại Mỹ sau 10 năm xa Đà Nẵng về thăm nhà, lúc đi trên đường Đống Đa mà luôn miệng hỏi tài xế taxi “Anh có đi nhầm đường không, nhà tôi ở đường Đống Đa kia mà?”. Có ai dám nghĩ một ngày nào đó “đại lộ Điện Biên Phủ” được mở rộng ra và đẹp như hiện nay? Có ai dám mơ “trung tâm thương nghiệp chợ Cồn” - cũng là “công trình điểm” của năm 1985 nay sắp được xây dựng lại với quy mô to đẹp hơn trên diện tích khoảng 1,3 ha? Ai có nghĩ sau cầu quay Sông Hàn lại là cầu Tuyên Sơn, cầu Cẩm Lệ, cầu Thuận Phước...?
Ảnh vợ chồng ông Nguyễn Quang Thái chụp lưu niệm trên cầu Sông Hàn vào những ngày đầu cây cầu này được khánh thành năm 2000. |
Và, cũng trong tháng Ba này, Đà Nẵng lại ôm ấp những “kỷ lục mới”: cầu Rồng qua sông Hàn, Bệnh viện ung thư sẽ được khởi công, Ga hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ được Chính phủ Pháp tài trợ xây dựng thành một nhà ga hiện đại... Đà Nẵng của những tháng Ba, Đà Nẵng của những “kỳ tích”... Đó là sự quy tụ công sức, trí tuệ của “ý Đảng lòng dân” mà những người lãnh đạo thành phố đã biết biến khát vọng của mình và của nhân dân thành những công trình cụ thể, làm cho “thành phố quê mình” thêm đàng hoàng, to đẹp.
Tháng Ba này, tôi lại nhớ bài thơ “Sông Hàn tuổi 18” - một bài thơ hay về Đà Nẵng của nhà thơ Bùi Công Minh. Khi bài thơ ra đời thì cầu Sông Hàn chưa xong, cầu đã xong thì ai đó lại cứ hát “rồi một ngày nhịp cầu mới sẽ bắc qua”... Tháng Ba này sẽ có ai đó làm một bài thơ về cầu Thuận Phước, rồi tháng Ba của vài ba năm nữa lại đón thêm một “cầu mới bắc qua sông”...
Với tôi, Đà Nẵng vẫn là của những tháng Ba, của thi ca và kỳ vọng!
Bút ký của Lưu Hoàng Giang