.

Phát huy sức mạnh tuổi trẻ trong giai đoạn mới

.

 

Được tái lập ngày 19-8-1987, hơn 20 năm qua, Đoàn Thanh niên Dân chính Đảng (DCĐ) thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành quả to lớn trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn DCĐ thành phố đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với anh BÙI PHƯỚC SƠN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Bí thư Đoàn DCĐ thành phố về bước đường phát triển trong thời gian qua.

* P.V: Thưa anh, có thể khái quát những nét cơ bản gì về một chặng đường phát triển của Đoàn DCĐ trong hơn 20 năm qua?

- Anh Bùi Phước Sơn:
Thật ra, Đoàn DCĐ đã có tên từ thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, nhưng chưa có đủ căn cứ để xác định chính xác thời gian thành lập. Sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ DCĐ, Đoàn vẫn hoạt động và giao nhiệm vụ cho đồng chí Châu Minh Suyền làm Bí thư. Năm 1978, Đoàn DCĐ giải thể và thành lập 2 khối:

Đoàn khối Đảng và Đoàn khối Dân chính; số cơ sở còn lại chuyển về sinh hoạt tại Thành Đoàn Đà Nẵng trực thuộc Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN). Tháng 6 năm 1983, Tỉnh Đoàn quyết định thành lập 5 khối trực thuộc (các đơn vị hầu hết đều thuộc Đoàn DCĐ trước đó) gồm có: Khối Dân - Đảng, khối Tuyên giáo, khối Phân phối lưu thông, khối Công nghiệp và khối Nông lâm-Thủy sản. Cuối năm 1985, Thường vụ Tỉnh Đoàn QN-ĐN quyết định giải thể 5 khối và thành lập 6 khối (I, II, III, IV, V, VI). Ngày 19-8-1987, Thường vụ Tỉnh Đoàn QN-ĐN ra Quyết định số 142/QĐ-TV về việc giải thể 6 khối, sáp nhập khối I, II, III và Đoàn Thanh niên Hải quan (thuộc khối VI) thành Đoàn DCĐ do đồng chí Vũ Ngọc Liên làm Bí thư.

Hơn 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và sâu sát của các cấp ủy Đảng, Đoàn cấp trên, cùng sự quan tâm giúp đỡ tận tình của lãnh đạo các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, Đoàn DCĐ Đà Nẵng đã không ngừng đổi mới các hình thức hoạt động, bảo đảm hiệu quả giáo dục, tuyên truyền và sức hấp dẫn nhằm lôi cuốn, tập hợp và tạo cơ hội để mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN) rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, thực hiện tốt vai trò một thành viên của hệ thống chính trị.
 
Ở mỗi thời kỳ, trong từng giai đoạn, Đoàn DCĐ đã cụ thể hóa các chương trình hành động phù hợp nhằm nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, lối sống và bồi dưỡng tình cảm cách mạng cho thế hệ trẻ, đóng góp sức lực và tài năng, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ở mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị, xứng đáng là đội dự bị trung thành, đắc lực của Đảng, là lực lượng kế thừa tin cậy của các cấp chính quyền.

* P.V: Theo anh, những yếu tố quan trọng nào đã làm nên những thành quả ấy của Đoàn DCĐ trong hơn 20 năm qua?

- Anh Bùi Phước Sơn: Đoàn DCĐ Đà Nẵng là một tổ chức tương đương cấp quận, huyện Đoàn, nhưng không có chính quyền cùng cấp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong chặng đường phát triển, nhưng cũng có nhiều yếu tố thuận lợi đã giúp cho Đoàn vươn lên, làm nên những thành quả to lớn.

Trước hết, đó là sự lãnh đạo sâu sát, chặt chẽ, trực tiếp và toàn diện của các cấp lãnh đạo Đảng, Đoàn cấp trên, cùng sự quan tâm giúp đỡ tận tình của lãnh đạo các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà tài trợ đóng trên địa bàn thành phố, các cộng tác viên...

Đây là nhân tố ngoại lực vô cùng quan trọng giúp cho Đoàn DCĐ làm nên những thành quả trong hoạt động của mình. Ngoài ra, yếu tố nội lực được phát huy qua việc vận dụng sức mạnh tổng hợp từ cơ sở, ý chí quyết tâm, lòng nhiệt tình cách mạng và sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh - thiếu niên DCĐ xung phong tình nguyện vì sự phát triển và tiến bộ vươn lên của tổ chức Đoàn.

* P.V: Để tạo nên bước phát triển mới, Đoàn DCĐ cần khắc phục những khó khăn nào? Theo anh, cần có định hướng gì cho sự phát triển của Đoàn trong giai đoạn mới?

Đoàn Thanh niên Dân Chính Đảng tặng quà Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố.

- Anh Bùi Phước Sơn:
Công tác cán bộ của Đoàn là vấn đề nan giải hiện nay. Ở cơ sở, hầu hết cán bộ Đoàn đều rất bận công tác chuyên môn. Cán bộ chuyên trách ở cơ quan thường trực còn quá ít, chỉ có 4 người để quản lý hơn 3 nghìn đoàn viên, thanh-thiếu nhi ở 73 cơ sở Đoàn trực thuộc. Điều kiện, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động... nói chung còn nhiều hạn chế. Do đó, cần tìm cách tham mưu để cán bộ Đoàn ở cơ sở có thêm những chế độ ưu đãi; bố trí, tăng cường cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách ở những đơn vị có số lượng ĐVTN đông, điều kiện đặc thù…

Để tạo nên bước phát triển mới, theo tôi, cần quan tâm, giải quyết những vấn đề sau:

Trước hết, cần tạo bước chuyển mới trong công tác cán bộ, chú trọng việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở; tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ trưởng thành từ phong trào quần chúng về kỹ năng nghiệp vụ công tác, kỹ năng sống... Đồng thời, cần tạo điều kiện ổn định việc làm, tăng thu nhập, hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí cho ĐVTN; quan tâm hơn nữa công tác phát triển đảng viên trong Đoàn; giải quyết đầu ra của cán bộ Đoàn một cách thích đáng.

Các hoạt động thanh niên cần mang hình thức phong phú, vừa chứa đựng nội dung giáo dục, rèn luyện, học tập và phát triển toàn diện, làm cho sân chơi và các phong trào của Đoàn luôn luôn hấp dẫn, sáng tạo, lôi cuốn tập hợp ĐVTN một cách có hiệu quả; nâng cao, đổi mới nội dung, chất lượng sinh hoạt chi đoàn. Tiếp tục đẩy mạnh và cụ thể hóa việc thực hiện hai phong trào “5 xung kích” và “4 đồng hành” tập trung vào 3 nội dung phù hợp với khối CCVC là “Xung kích sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội”, “Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” và “Xung kích thực hiện cải cách hành chính” trong tuổi trẻ DCĐ, đồng thời thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”.

Các cơ sở Đoàn cần đổi mới công tác chỉ đạo trong toàn Đoàn, tập trung hướng về cơ sở, nâng cao tính chiến đấu cho Ban Chấp hành Đoàn các cấp; đổi mới và tiếp tục thực hiện chương trình “Rèn luyện đoàn viên” trong thời kỳ mới. Các hoạt động thi đua, văn phòng… của Đoàn cũng cần duy trì thường xuyên và nghiêm túc; tổ chức phong trào hành động phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm cao trên cơ sở đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của ĐVTN…
 
Các cơ sở Đoàn cũng cần tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa”; ban hành các quy chế về mối quan hệ hoạt động giữa Đảng, chính quyền, Công đoàn và Đoàn Thanh niên… để từ đó tạo nên sức bật mới cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong giai đoạn mới.

P.V (thực hiện) 

;
.
.
.
.
.