.

Cần ngăn chặn tình trạng khai thác cây cổ thụ để kinh doanh

.

Đến xã Hòa Bắc, chúng tôi được ông Đỗ Viết Vĩ, Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn ra khu đất ven sông thuộc thôn Nam Yên. Dừng lại ở vạt bị bồi lấp gần hết, ông cho hay: “Khu vực này trước đây màu mỡ lắm, trồng mía, rau đậu rất tốt. Mấy năm gần đây, trồng cây không lên nổi, chăm bón đến mấy cũng cằn cỗi, năng suất rất thấp.

Cây cảnh cổ thụ vừa chuyển về chuẩn bị trồng gửi trước khi bán cho khách hàng.

Tính ra từ Vũng Mưng xuống Nà Chài khoảng 3ha, mấy năm nay bỏ hoang hóa. Gia đình tôi cũng có vạt đất sát bờ sông, trồng thứ gì cũng chẳng ăn thua, bỏ hoang hơn năm nay. Hiện tại, hộ ông Lê Văn Chiến, điều kiện kinh tế tương đối khá giả, đang thuê máy ủi bóc đi lớp đất cát phía trên may ra còn có thể canh tác được”. Ông cho rằng: Chung quy cũng tại phá rừng đầu nguồn mà ra cả.
 
Trước đây, lâm tặc chỉ chặt cây lấy gỗ mà không có tình trạng đào cả gốc về làm cây cảnh như hiện nay. Cây cổ thụ người ôm không xuể, muốn sống được phải lấy nguyên bộ rễ. Lấy được cây thì rừng bị đào bới cả khu vực. Mưa xuống đất cát sạt lở trôi xuống phía hạ lưu bồi lấp lên đồng ruộng, vườn tược. Ông cho biết thêm: Thỉnh thoảng vẫn thấy ô-tô chở cây rừng còn nguyên cả gốc rễ về xuôi mà chẳng thấy ai ngăn cản. Tình trạng này không ngăn chặn kịp thời, môi trường sinh thái sẽ bị xâm hại khó lường

Hơn một năm trước, khi đến rừng Hòa Phú khu vực thôn Hòa Phước, chúng tôi còn thấy ở đầu nguồn con suối cạn cây lộc vừng cổ thụ một người ôm không xuể, tỏa bóng sum suê. Thế mà nay quay lại, tại đó đã bị đào bới nham nhở, cả vạt rừng bị chặt hạ ngổn ngang, đường vào bị cày xới. Người đàn ông ở gần đó cho hay: Lấy cây lộc vừng mà có xe đào, xe cẩu. Mấy thửa ruộng phía dưới, đợt mưa vừa qua, đất cát từ nơi cây lộc vừng bị đào bới trôi xuống phủ lớp dày.

Ngày nào cũng có người lội rừng săn tìm các loại cây như lộc vừng, bằng lăng, giáng hương, sung, sanh, bồ đề... Cây càng to, càng xù xì, góc cạnh càng tốt. Có được tọa độ cây rừng ưng ý, ít ngày sau xe múc xe cẩu tập kết tận nơi và cứ thế người ta ngang nhiên đào bới, chở về xuôi. Hiện ở Đà Nẵng có không dưới chục khu vườn đã ken dày cây cảnh cổ thụ, mà trong đó đa số lấy từ rừng về. Nhiều nhất phải kể đến khu đất của Công ty TNHH Đại Ngàn, thuê đất dọc đường 2 tháng 9, sát bên Bể bơi thành tích cao.
 
Cây cảnh cổ thụ tại Công ty TNHH Đại Ngàn.
Tại đó, hàng trăm cây đủ loại đang chờ bán. Giá cây cảnh cổ thụ tại đây cũng 5-7 triệu đồng/cây, giá trị như giáng hương 15-20 triệu đồng/cây. Tại khu vườn của ông Lê Lý sát đường 2-9, cũng có hàng trăm cây cảnh cổ thụ. Anh Lê Trường Hải (con trai ông Lý) cho hay: Nhu cầu về cây cảnh cổ thụ rất lớn, cây càng to càng giá trị. Cây phượng tím, gốc 2 người ôm không xuể, giá 30 triệu đồng, đã có người mua. Còn cây lộc vừng gốc cỡ thùng gánh nước giá 19 triệu đồng. Anh cho biết có đội quân chuyên lùng sục đào bới trong rừng đưa về.

Cây cảnh cổ thụ đã góp phần tôn khuôn viên các cao ốc, công sở thêm vẻ sang trọng. Không cần phải mất hàng chục năm trồng từ nhỏ đến lớn, chỉ cần có tiền là có ngay cây cảnh cổ thụ ưng ý trong khuôn viên. Và nhu cầu này đang góp phần tàn phá rừng đầu nguồn, vậy nhưng chưa được lực lượng kiểm lâm quản lý chặt chẽ, chưa ai bị xử lý về tình trạng kinh doanh cây cổ thụ lấy từ rừng về.

Không thể xem nhẹ hoạt động kinh doanh làm giàu bằng cách đào bới cây rừng nhiều năm tuổi chuyển về phố làm cây cảnh. Cơ quan Kiểm lâm cần sớm ngăn chặn tình trạng đào bới cây rừng vô tội vạ và quản lý chặt hoạt động kinh doanh cây cảnh cổ thụ ở phố.
    
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU    

;
.
.
.
.
.