.

Công viên giữa phố

.

Rất nhiều nam thanh nữ tú ra đời sau thời điểm 1975 đến dạo mát, thư giãn trong Công viên 29-3, nhưng liệu đã có mấy ai biết rằng nơi đây đã từng làm cho khách vãng lai nín thở với một hồ nước và một con đường đều cùng được mệnh danh là “Nín Thở”?

Hầm bứa, ao làng và Hội Hoa xuân

Hồ Công viên không còn dáng dấp ao làng như xưa.

Trước năm 1975, toàn bộ khu vực Công viên 29-3 hiện nay còn là một bãi rác khổng lồ, người dân quen gọi là “hầm bứa”. Vì sao lại có cái tên lạ đời này? Một ông cụ, nhà ở gần chợ Tân Lập, sáng nào cũng đến công viên tập thể dục, nửa đùa nửa thật: “Thì ở đây, ở ngay thành phố, mà nó tưa lưa ra, nó nát ngấu ra mọi thứ, không gọi hầm bứa thì gọi hầm chi đây?”. Tra từ điển, thấy có một từ “bứa” là danh từ chỉ một loại cây có vị chua, một “bứa” là tính từ nghĩa là tưa, nát bấy. Chắc là ông cụ nói theo cái nghĩa sau này đây.

Mùa hè năm 1976, thanh niên 28 phường cùng với các đoàn thể, trường học ở thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) bắt tay vào dọn vệ sinh, cải tạo cái nơi “nát ngấu” đó. Ông Nguyễn Xuân Chi ngày đó phụ trách đưa tin cho chương trình phát thanh tại công trường, nhớ lại: “Mỗi người đi làm nghĩa vụ 3 ngày, mỗi ngày được cấp 1 đồng để uống nước. Trưa đem cơm theo, ai gần thì về nhà ăn. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công, trừ việc hút cạn nước hồ do mấy cái máy của một đơn vị thi công cơ giới ở cầu Đỏ điều xuống”.

Không khí lao động sôi nổi cả công trường. Loa phóng thanh phát những bài hát cách mạng đan xen với tin tiến độ thực hiện ở các đội, tin tuyên dương người tốt việc tốt. Rác chất như núi. Dây kẽm gai, bao ni-lông lẫn lộn với súng, lựu đạn. Có lúc gặp mấy bao ni-lông đựng bộ xương người. Thỉnh thoảng một vài người bị kẽm gai, sắt vụn, mẻ chai cứa chân. Ngay như ông Chi cũng bị một cây sắt đâm xuyên bàn chân. Thuốc men ngày đó còn hiếm, chỉ với thuốc đỏ, bông băng nhưng lành ngay, lại đi làm và cười ha hả với bạn bè.

Đầu mùa mưa năm đó, việc thi công trên công trường phải dừng lại cho đến mùa hè năm sau vì hồ ngập nước. Lúc này, Công trường Công viên 29-3 được thành lập, do ông Nguyễn Phúc làm Chỉ huy trưởng. Lại liên hệ nhờ máy hút bùn, rồi giải tỏa các căn nhà gần bờ hồ để mở rộng diện tích công viên. Xin thành phố duyệt kế hoạch làm hàng rào, ông họp anh em bàn việc đắp đường và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng quanh bờ hồ. Phải vô tới Tam Kỳ mua gỗ về làm trụ, rồi kéo dây điện, thắp bóng tròn. Điện sáng, tuy hồ nước hiện ra dưới một dung mạo khác hẳn xưa, nhưng trông vẫn chẳng khác ao làng là mấy.

Ông Nguyễn Tấn Khương, nguyên công nhân Công viên 29-3, nhớ mãi lần đầu tiên tổ chức biểu diễn văn nghệ trong công viên, khoảng năm 1980, khi KTS Nguyễn Tô về phụ trách đơn vị. Ông Tô nghệ sĩ, vừa tiếp tục cải tạo công viên, vừa tổ chức văn nghệ, mời đoàn từ TP. Hồ Chí Minh ra diễn, dân vô xem đông nghịt. “Nhưng ấn tượng nhất với tôi là lần tổ chức Hội Hoa xuân đầu tiên ở công viên năm 1983” - ông Khương tâm đắc.

Khi đó, Công ty Công viên cây xanh vừa thành lập được một năm và ông Phan Minh Thảo là giám đốc đầu tiên. Ông Khương được phân công phụ trách công tác tổ chức, đi liên hệ khắp 28 phường mời người tham gia, ai cũng bảo không biết Hội Hoa xuân là cái gì. Thế rồi cũng quy tụ được 44 nghệ nhân toàn tỉnh và một số các nơi về. Đến khi trao giải thưởng thì không ít người bị “sốc”. Lần đó có 3 Huy chương Vàng, một cho cây quật của một nghệ nhân Hà Nội, một cho nhóm chim của ông Đức Sinh và một cho non bộ hang Pắc Bó của ông Huỳnh Tâm ở Đà Nẵng. Nhận giải, phải đem xích-lô tới chở: 2 xe đạp, mấy cái mền cùng với một số lương thực, thực phẩm. “Thương hiệu” Hội Hoa xuân được khẳng định ngay từ lần đầu thành công mỹ mãn đó.

Hồ - công viên duy nhất của thành phố

Các thế hệ trẻ ít ai biết rằng nơi mình vui chơi từng là một bãi rác khổng lồ.

Ông Lê Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty Công viên Đà Nẵng hiện nay, cho biết: Khu dân cư Tân Lập xưa có cống, nhưng có một hồ sen lớn, nước thải chảy xuống đây rồi tràn qua cống trên đường Hoàng Hoa Thám. Từ khi hình thành khu dân cư Bàu Thạc Gián Vĩnh Trung, các đơn vị thi công xẻ cống đổ thẳng nước thải dân sinh vô hồ Công viên. Hồ bị ô nhiễm nặng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khi làm đường Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Văn Linh.

Cuối năm 1986, lúc ông Thủy về Công viên 29-3, hồ còn đầy cá rầu rầu, tôm cỏ. Cá rầu rầu giống cá mại, xương cứng, ăn không hết, anh em công nhân đem về phơi cho heo. Còn tôm cỏ thì xúc về, đổ bánh xèo ăn mệt nghỉ. Đặc biệt, mỗi sáng, ba ba nổi kín hồ như đậu đen trên cái giần khổng lồ, mặt trời lên thì biến mất. Ông Thủy kể, hồi đó, ba ba chưa thành đặc sản nên không biết bán cho ai, nhờ đó mà anh em công nhân có cái lai rai mỗi chiều.

Hiện nay, môi trường hồ đã được cải thiện đáng kể, sau khi thành phố cho làm cống bao gom nước thải dân sinh chảy ra cống liên phường. Tuy nhiên, có một cống trên đường Nguyễn Văn Linh bị “trục trặc”, không chịu được áp lực lượng nước thải sinh hoạt của cả khu dân cư Tân Lập nên vẫn đổ nước bẩn vào hồ. Có cống bao, hồ đỡ ô nhiễm hơn, nhưng vẫn chưa bằng xưa. Cá giờ đây đã đẻ kín hồ trở lại, mưa giông, cá tập trung tới các cửa nước rỉ để giỡn nước. Không như cái ao làng ngày trước, hồ giờ đã kè gần hết, còn khoảng 400m. Vấn đề hiện nay, theo ông Thủy, là xử lý môi trường cho hồ được sạch đẹp như xưa, chắc là tốn kém, nhưng cũng phải làm.

Sau 2 năm tháo dỡ tường rào bao quanh, Công viên 29-3 hiện ra thơ mộng, tươi xanh một góc trời. Những người từng một thời đóng góp trí tuệ, công sức để chôn chặt “hầm bứa” vào ký ức, mỗi khi có dịp ngang qua công viên, lại nhớ đến bài hát “Đà Nẵng mến yêu” của anh công nhân Lâm Duy Khôi ngày đó, tha thiết về một thành phố trong mơ: Anh có khi nào ghé lại công viên? Nhìn hoa xinh xinh chim hót trên cành. Đường phố đẹp, bao công trình mới mở. Đà Nẵng quê mình, thành phố mến yêu…

VĂN THÀNH LÊ


 

;
.
.
.
.
.