.
Làm việc với Sở NN&PTNT, đồng chí Nguyễn Bá Thanh:

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

.

(ĐNĐT) - Ngày 24-4, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố về kết quả thực hiện công tác năm 2008 và quý 1-2009, nhiệm vụ và biện pháp công tác quý 2. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Chính và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở NN&PTNT, năm 2008, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố có bước chuyển biến tích cực; giá trị sản xuất của ngành đạt 630 tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm 2007.


Tỷ trọng thủy sản tăng lên, từ 56,5% năm 2001 lên 69,7% vào năm 2008. Kinh tế hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, với mức lãi từ 14 triệu đồng đến 180 triệu đồng mỗi năm và không còn hợp tác xã yếu kém. Kinh tế trang trại có bước chuyển biến tích cực; đến nay toàn thành phố có 327 trang trại, trong đó có 154 trang trại chăn nuôi, 85 trang trại sản xuất tổng hợp..., góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Kết cấu hạ tầng nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện đáng kể, thành lập trên 800 tổ tiết kiệm vay vốn, giúp cho gần 17 nghìn hộ vay vốn xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 1700 lao động. Thành phố đã tiến hành kiên cố hóa phần lớn đường giao thông nông thôn với hơn 800 km đường giao thông được xây dựng, đầu tư 60 tuyến giao thông nội đồng với tổng chiều dài 60 km. Tổng số hộ nông nghiệp sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 95,2%. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả, năng suất lúa bình quân từ 47 tạ/ha (năm 2002) lên 57,5 tạ/ha (năm 2008), tỷ lệ khâu làm đất và thu hoạch bằng cơ giới đạt khoảng 60% mỗi năm...

Trong năm 2009, ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt giá trị sản xuất 640 tỷ đồng, trong đó thủy sản đạt 438 tỷ đồng, nông-lâm nghiệp đạt 202 tỷ đồng. Một số giải pháp chủ yếu đã được đề ra nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu này như: Chuyển đổi, nâng cấp năng lực đánh bắt hải sản, kết hợp khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản; phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng dự án phòng chống thiên tai; tăng cường tra, kiểm soát lâm sản và quản lý, bảo vệ rừng... Trong quý 1-2009, giá trị sản xuất của ngành ước đạt 159 tỷ đồng, bằng 24,8% kế hoạch năm, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2008.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp thành phố hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và yếu kém như: Tính chất còn nhỏ lẻ, phân tán, tự cung tự cấp là chính; điều kiện tự nhiên không thuận lợi; quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; nông dân phần lớn thuộc đối tượng nghèo hoặc mức sống trung bình nên khả năng đầu tư cho sản xuất còn hạn chế... Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có quy hoạch tổng thể cho phát triển nông nghiệp từ cấp thành phố đến huyện, xã một cách ổn định, lâu dài theo yêu cầu của thời kỳ đô thị hóa; nhận thức còn sai lệch về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ chế chưa phù hợp thực tiễn...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành ủy đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành nông nghiệp thành phố trong năm qua, đồng thời chỉ ra những vấn đề cần tập trung để đẩy nhanh việc phát triển nông nghiệp, nông thôn trong quá trình đô thị hóa.

Trước tiên, cần quy hoạch phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng một cách hợp lý và khoa học, thể hiện được vai trò của khuyến nông để hướng đến thực sự là nông nghiệp sản xuất hàng hóa với chi phí thấp nhưng lợi nhuận cao.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh lưu ý ngành nông nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ và lâu dài cho công tác cán bộ, phải xây dựng được các mô hình, thực hiện thí điểm việc đào tạo và sử dụng cán bộ của ngành; triển khai những cách làm mới, năng động, sáng tạo và hiệu quả trong mô hình hợp tác xã; tiến tới xóa bỏ bao cấp nhằm khoán chi hoạt động, đầu tư cho những đơn vị hoạt động có hiệu quả...

Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đồng ý về mặt chủ trương đối với những đề nghị của lãnh đạo ngành nông nghiệp trong việc triển khai bảo tồn hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà, quy hoạch khu vực giết mổ gia súc gia cầm, trang bị máy bộ đàm cho các đội khai thác hải sản xa bờ... Để đảm bảo cho hoạt động hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng và Cảng cá Thọ Quang, đồng chí yêu cầu ngành phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan sớm tổ chức lập trạm kiểm soát lâm sản tại khu vực ga đường sắt nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng Nam Hải Vân, lập lại an ninh trật tự tại Cảng cá Thọ Quang.

Tin và ảnh: N.T

;
.
.
.
.
.