.
PHỤ NỮ CẨM LỆ

Giúp nhau thoát nghèo

.

Năm 2008, toàn quận Cẩm Lệ có 300 hộ thoát nghèo, trong đó có gần 50% hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Đó là kết quả từ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và bản thân chị em tự nỗ lực vượt qua nghèo khó, vươn lên trong cuộc sống.

Nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Chị Nguyệt thoát nghèo từ tiệm may và niềm tin của bà con.
Không có nghề nghiệp, cuộc sống của hai mẹ con chị Ngô Thị Hồng, tổ 2 phường Hòa Thọ Tây nhiều năm trước đây chỉ nương nhờ vào 13 thước ruộng do cha để lại. Bản thân chị bị bệnh não, khi trái gió trở trời bệnh tái phát, cuộc sống đã khó càng khó khăn thêm. Năm 2006, chị được UBND phường Hòa Thọ Tây cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hằng tuần chị đi khám bệnh, cắt thuốc. Đến nay, căn bệnh đã giảm được 40%. Tháng 3 năm 2007, được cán bộ xóa đói giảm nghèo và Hội LHPN phường động viên, chị mạnh dạn vay 5 triệu đồng làm vốn chăn nuôi heo.

Tưởng rằng cuộc sống sẽ được thay đổi nhờ công việc mới này, chẳng may sau 3 tháng chăn nuôi, đàn heo của chị bị bệnh tai xanh. Trong khó khăn, chị lại được Nhà nước hỗ trợ 800 nghìn đồng và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách chữa trị, phòng tránh bệnh cho gia súc, nhờ vậy 2 con heo nái không mắc bệnh. Nhờ nuôi heo, chị Hồng vươn lên thoát được cảnh nghèo túng.

Chị Châu Thị Nguyệt ở tổ 7, phường Khuê Trung vươn lên thoát khỏi cuộc sống khốn khó chính là nhờ niềm tin yêu của bà con hàng xóm láng giềng. Chị không khỏi xúc động khi nhớ lại thời gian cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chị làm nghề may vá tại nhà, chồng làm thợ nề. Chẳng may, cậu con trai giữa của anh chị mắc bệnh tim bẩm sinh. Bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc anh chị đều dành vào chữa bệnh cho con. Năm 2000, quá khó khăn, chị liều vay nóng 2,6 triệu đồng. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền lên đến 4,1 triệu đồng mà chị không có cách gì trả nợ.
 
Bị chủ nợ xiết nhà, vụ việc vỡ lở. Gia đình, họ hàng góp tiền cho chị trả nợ. Cuộc sống gia đình chị dần bớt khó khăn hơn khi mẹ chồng chị quyết định bán ngôi nhà ở quê chữa bệnh cho cháu. Năm 2003, được Hội Bảo trợ trẻ em thành phố hỗ trợ thêm 5 triệu đồng, chị đưa con ra Huế chữa khỏi bệnh. Sau đó, chồng chị tìm được việc làm ở Nhà máy Thuốc lá Đà Nẵng. Năm 2007, chị được Hội LHPN phường tín chấp cho vay 5 triệu đồng về sửa sang tiệm may, mua thêm máy may, máy vắt sổ. Cuộc sống từ đó đã bắt đầu chuyển đổi. Chị Nguyệt tâm sự: “Tôi đã tưởng không ai tin mình nữa, đến năm 2007 bà con trong tổ bầu làm tổ trưởng phụ nữ, rồi làm tổ phó dân phố, cuộc sống của gia đình tôi giờ đã dần đổi thay”.

Những biện pháp hỗ trợ thoát nghèo

Chị Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ cho biết: Hiện nay, toàn quận có hơn 14 nghìn hội viên. Qua khảo sát của Hội LHPN quận, tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chiếm hơn 50% tổng số hộ nghèo của quận. Điều này đòi hỏi các cấp Hội phải có nhiều biện pháp giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, các cấp Hội Phụ nữ quận Cẩm Lệ đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khác tại địa phương khảo sát, nắm thực tế nguyên nhân dẫn đến nghèo, đặc biệt là các hộ phụ nữ để có biện pháp giúp đỡ sát thực. Trên cơ sở đó, các chi, tổ hội phụ nữ có kế hoạch đăng ký giúp đỡ các hộ nghèo với từng địa chỉ cụ thể.

Một biện pháp hỗ trợ thoát nghèo hiệu quả là thực hiện phong trào tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, thành lập tổ góp vốn quay vòng, tổ tiết kiệm tín dụng. Tiết kiệm đối với phụ nữ nghèo thường chỉ vài nghìn đồng nhưng quan trọng là giúp chị em ý thức và tạo thói quen tiết kiệm đều đặn, thường xuyên. Nhờ khoản tiết kiệm này, chị em tự tích lũy được cho mình một nguồn vốn, đề phòng khi rủi ro, khó khăn.

Trong năm 2008, phụ nữ quận Cẩm Lệ đã xây dựng được 191 tổ góp vốn quay vòng với tổng số tiền góp hơn 3,8 tỷ đồng. Tính đến nay, 100% chi hội phụ nữ trên toàn quận đã có tổ góp vốn với tổng số 577 tổ, thu hút 7.957 chị tham gia, tiết kiệm được số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Mô hình này giúp cho 865 chị có điều kiện buôn bán, mua sắm đồ dùng cho gia đình, cho con ăn học, xây dựng công trình vệ sinh..., hạn chế được tình trạng vay nặng lãi, biêu hụi...

Hội LHPN quận và các phường đã tranh thủ nhiều nguồn vốn vay khác, tín chấp cho 8.049 hộ phụ nữ vay gần 19 tỷ đồng làm vốn kinh doanh, sản xuất. Ngoài ra, Hội LHPN quận đã phối hợp với các ban, ngành và các trung tâm mở lớp đào tạo nghề, tổ chức tư vấn, giới thiệu cho 744 lao động nữ vào làm việc tại khu công nghiệp Hòa Cầm và một số công ty trên địa bàn.
 
Qua học tập, nhiều chị đã có kế hoạch mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương như mô hình làm bún khô của chị Trương Thị Ánh Tuyết ở phường Hòa Thọ Tây, mô hình làm cải mầm của chị Nguyễn Thị Hường ở phường Hòa Phát, chị Phan Thị Hạnh ở phường Hòa Thọ Tây đan lưới xuất khẩu.

Từ những nỗ lực đó, năm 2008 các cấp Hội Phụ nữ từ quận đến cơ sở đã góp phần giúp cho 131 hộ phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình và có điều kiện tham gia sinh hoạt, xây dựng Hội vững mạnh.

NGUYÊN THU

;
.
.
.
.
.