.

Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2009

.

Nhận định tại Hội nghị triển khai công tác quản lý đê điều (QLĐĐ) và phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2009 do Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN & PTNT) tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày từ 15 đến 17-4 cho biết: Xu thế mùa bão, lũ năm 2009 sẽ có số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta ở mức nhiều hơn so với năm 2008; lũ trên các sông ở Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên ở mức cao hơn...

Sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão Xangsane khi đổ bộ vào  Đà Nẵng tháng 9-2006.(Ảnh tư liệu)
Với phương châm chung “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” và phương châm phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai cho vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ là “phòng, chống lũ triệt để”; vùng đồng bằng ven biển miền Trung và miền Đông Nam bộ là “né tránh và thích nghi”; khu vực miền núi và Tây Nguyên là “chủ động phòng tránh”, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu như: Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác PCLB và khắc phục hậu quả lụt bão năm 2008 để trên cơ sở đó rà soát, xây dựng kế hoạch và phương án PCLB năm 2009 có hiệu quả hơn, bảo đảm thống nhất, đồng bộ và có hệ thống, nhất là đối với các vùng trọng điểm, xung yếu.

Để chủ động đối phó với thiên tai trong năm 2009, công tác chuẩn bị, phòng ngừa cần được thực hiện khẩn trương, đồng bộ trên tất cả mọi mặt; tiếp tục tổ chức và đôn đốc triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” đã được Chính phủ ban hành, đặc biệt là lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, bảo đảm phát triển bền vững.
 
Tăng cường đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phi công trình như tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai trong cán bộ và nhân dân, phát hành rộng rãi Sổ tay hướng dẫn phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó với bão, lũ đến các cộng đồng dân cư, tổ chức thực hiện Đề án Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, tiến hành đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và xây dựng trung tâm giảm nhẹ thiên tai tại các địa phương; chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền pháp luật về đê điều và PCLB.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Cục trưởng Cục QLĐĐ và PCLB cho biết:  Bên cạnh những yêu cầu trên, để công tác phòng, chống bão lũ đạt kết quả tốt, chúng ta cần phải làm tốt công tác dự báo, tự động hóa thiết bị quan trắc, đào tạo chuyên gia và tiếp thu công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài, phấn đấu nâng cao độ chính xác dự báo bão, ATNĐ và mưa, lũ. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình: bảo đảm an toàn ngư dân, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, bảo đảm an toàn dân cư trong vùng ngập lũ và tiến hành nghiên cứu quy hoạch, khoanh vùng phòng tránh lũ quét, sạt lở đất...

Ngoài ra, cần phải xây dựng mới và triển khai thực hiện chương trình đầu tư các công trình hạ tầng khác nhằm tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn trong phòng chống thiên tai gồm tôn nền, xây dựng các đường giao thông dẫn đến tận các thôn xóm, xây dựng các công trình kiên cố vượt lũ để dân có nơi trú tránh khi có bão, lũ, kể cả việc tạo ra các khu đất cao làm chỗ tránh lũ cho gia súc, gia cầm khi có lũ kéo dài...

Đẩy nhanh việc xây dựng và thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa nước bảo đảm an toàn công trình và tham gia cắt lũ cho hạ lưu... Nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và nhất là triển khai Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện các chính sách xã hội, làm tốt công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão lụt nhằm sớm ổn định đời sống cho nhân dân và khôi phục sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tăng cường bộ máy quản lý, chỉ đạo phòng, chống thiên tai, nhất là ở cấp cơ sở để đủ năng lực đối phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai xảy ra. Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác có hiệu quả với các tổ chức quản lý và giảm nhẹ thiên tai trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là các tổ chức đang hoạt động về giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình quản lý tàu thuyền trên biển và đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển cũng như quy hoạch xây dựng các khu neo đậu trú tránh bão cho tàu thuyền; chương trình trồng rừng, trong đó, ưu tiên trồng và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển. Bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ PCLB, nhất là đáp ứng nhu cầu thông tin cho các vùng sâu vùng xa, hải đảo và vùng ảnh hưởng lũ quét và sạt lở đất, các phương tiện nghề cá trên biển.
     
Bài và ảnh: UYÊN PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.