.

Đêm 12-7, bão số 4 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định.

.

(ĐNĐT) - Hồi 4 giờ ngày 12-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 430 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10.

Dự báo đường đi của bão số 4. Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ. Như vậy, khoảng chiều và đêm ngày 12-7 vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định. Đến 4 giờ ngày 13-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng từ 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 4 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15– 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 14-7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 103,4 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây tỉnh Quảng Đông và vùng biển vịnh Bắc Bộ) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định từ trưa và chiều ngày 12-7, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 4 – 5 mét. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

Không để tàu thuyền đi lạc vào vùng nguy hiểm của bão

Chiều 11-7, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia đã họp khẩn để đề ra các biện pháp đối phó với cơn bão 4.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, đường đi và diễn biến cơn bão số 4 tương tự cơn bão số 6 năm ngoái, tác động vào vùng miền núi phía bắc nhiều, mưa lũ sau hoàn lưu cơn bão bao giờ cũng rất nặng nề. Vì vậy, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão cũng như các địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng phải tính đến nhiều khả năng, cảnh giác cao trên diện rộng, ứng phó với tác động của bão.

“Tàu thuyền và các điểm dễ xảy ra lũ quét, sạt lở là những điểm đặc biệt quan tâm. Các địa phương từ thời điểm này phải phát lệnh cấm ra biển tránh bão, rà soát các địa điểm có thể gây ra lũ quét để sơ tán dân, hoàn thành phương án giằng, cột, đưa hết người lên khỏi các lồng, bè nuôi cá. Tại các công trình xây dựng, xem xét, gia cố khả năng an toàn của các cần cẩu, các thiết bị neo đậu”, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, ngay sau cuộc họp, các đơn vị tiếp tục phối hợp với Đà Nẵng liên hệ 35 tàu đang hoạt động ở bắc Trường Sa, để không để xảy ra tình trạng đi lạc vào vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, khẩn cấp chỉ đạo các tỉnh miền Bắc có tàu thuyền hoạt động ở vịnh Bắc Bộ di chuyển vào bờ. Các đài duyên hải, Đài tiếng nói Việt Nam tăng tần suất phát tin. Bộ Ngoại giao có thông báo với Trung Quốc để bà con lên tránh nạn ở những đảo của nước bạn.

Bộ trưởng cũng xác định vùng nguy hiểm của bão là từ bắc Vĩ tuyến 19. Từ tối nay (11-7) thông báo cấm biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.

Trong công điện gửi Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Bộ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương nhận định, đây là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh. Bão gây gió mạnh và nước biển dâng cao ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, gây mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ.

Ban Chỉ đạo PCLB yêu cầu các tỉnh ven biển kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho chủ phương tiện, tầu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi trú tránh; sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn; thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho dân cư ven biển; sẵn sàng phương án sơ tán cho người và tài sản khi mưa lũ lớn xẩy ra. Lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

ĐNĐT (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.