.

Làm giàu cho trái tim

.

Mọi lý do làm vì người nghèo đều đáng trân trọng, mọi tấm lòng vì người nghèo dù ít dù nhiều đều có thể góp tay làm thay đổi bao số phận con người. Với tâm niệm đó, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã tham gia và đồng hành với Quỹ “Vì người nghèo” của quận Thanh Khê.

* Bà Lê Thị Bảy, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông, Chi nhánh Trung Việt: Giúp người nghèo là nét văn hóa doanh nghiệp

 

Chúng tôi xem công tác xã hội - từ thiện là một trong những hoạt động nhằm giáo dục cho cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức vì cộng đồng. Vẫn còn nhiều người nghèo thiếu ăn, thiếu mặc, điều kiện sinh hoạt trong cuộc sống còn rất khó khăn. Trong những lần đi làm công tác xã hội-từ thiện, chúng tôi tạo điều kiện lần lượt cho toàn thể cán bộ, nhân viên được tham gia, chứng kiến hoàn cảnh và thể hiện hành động cùng cộng đồng chia sẻ với người nghèo.

Cán bộ, nhân viên của chi nhánh đều rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có người nghèo. Đó cũng là một cách động viên cán bộ, nhân viên ra sức nỗ lực vì sự phát triển của doanh nghiệp và dành một phần lợi nhuận chia sẻ với người nghèo, những hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”.
 
Bằng cách đặt thùng từ thiện tại các văn phòng giao dịch, chúng tôi đã nhân rộng tấm lòng “Vì người nghèo” đến cả khách hàng của mình. Chúng tôi luôn tâm niệm giúp người nghèo là làm giàu cho trái tim của mình, là nét văn hóa vì cộng đồng của doanh nghiệp.

* Hòa thượng Thích Trí Mãn, Chánh đại diện Phật giáo quận Thanh Khê: Giúp người nghèo phải thiết thực

 

 

“Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”, làm việc thiện giúp người là lẽ sống của phật tử chúng tôi. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” rất phù hợp với đường hướng hành đạo của Phật giáo. Từ nhiều năm qua, Ban đại diện Phật giáo quận Thanh Khê đã vận động và quy tụ nhiều tấm lòng hảo tâm trong đạo hữu góp chút của cải, tiền bạc giúp người nghèo, người có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn, đặc biệt là những nạn nhân của thiên tai, bão lụt.

Tuy nhiên, mức sống trong xã hội ngày càng được nâng cao, giúp nạn nhân bão lụt, thiên tai lương thực, thực phẩm trong lúc túng quẫn là cần thiết. Còn giúp người nghèo không chỉ có phần quà trợ giúp tức thời là họ thoát được nghèo, giúp họ phải thiết thực hơn. Làm sao để người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, dần tiến tới có mức sống khá hơn.

Những năm gần đây, Ban đại diện Phật giáo quận kêu gọi các chùa, các đạo hữu làm từ thiện một cách thiết thực hơn là hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Một chùa góp không đủ 15 triệu đồng/nhà thì ba, bốn chùa cùng chung tay góp sức. Có nhà ở ổn định là cơ sở để người nghèo tiếp tục vươn lên. Chúng tôi xem giúp người nghèo xóa nhà tạm cũng là cách thiết thực tham gia chương trình “3 có” của thành phố.

* Bà Vương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Hồng Nhung: Ai cũng có thể giúp người nghèo

 

Tôi nghĩ rằng ai cũng có thể tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tùy theo điều kiện của mình. Cán bộ, giáo viên toàn trường đều chung một suy nghĩ, dù không nhiều nhưng “đông tay vỗ nên kêu”, mỗi người cùng góp chút ít với cộng đồng có thể sẽ giúp người nghèo thay đổi được số phận. Từ nhiều năm qua, nhà trường luôn coi trọng công tác tuyên truyền ý nghĩa của Ngày vì người nghèo (11-7) đến toàn thể cán bộ, giáo viên.
 
Hằng năm ngoài hoạt động tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương, nhà trường còn giúp đỡ những hoàn cảnh trẻ em đặc biệt khó khăn, hỗ trợ học sinh nghèo. Năm nay, trường tiếp tục đăng ký ủng hộ 15 triệu đồng hỗ trợ một hộ nghèo xóa nhà tạm. Giúp người nghèo xuất phát từ sự tự nguyện, tình cảm của mỗi cán bộ, giáo viên toàn trường, không câu nệ ít nhiều, mà là nghĩa cử, là cái tâm vì người nghèo.                     

ĐOÀN SƠN
(ghi)

 

;
.
.
.
.
.