(ĐNĐT) - Bộ Công thương đã ra quyết định lập tổ chuyên gia thẩm định việc trả nước cho sông Đăk Mi để không gây nguy cơ “chết khát” ở hạ lưu sông Vu Gia, nhưng lại không quy định thời hạn báo cáo kết quả, khiến việc giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra có thể lại tiếp tục bị kéo dài…
Đập ngăn dòng Thủy điện Đăk Mi 4. |
Ngày 12-7, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho hay, sau khi công luận lên tiếng về sự “rề rà” của Bộ Công thương trong việc giải quyết nguy cơ Thủy điện Đăk Mi 4 gây ra thảm kịch “chết khát” cho vùng hạ lưu sông Vu Gia, Bộ này vừa có quyết định chính thức thành lập Tổ chuyên gia thẩm định vấn đề xả nước sau đập Thủy điện Đăk Mi 4.
Theo đó, tổ chuyên gia này sẽ do ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) làm tổ trưởng với sự tham gia của đại diện các Bộ Công Thương, Tài nguyên – Môi trường, đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, Viện Quy hoạch thủy lợi - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng đại diện 2 địa phương có liên quan là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. UBND TP Đà Nẵng cử ông Huỳnh Vạn Thắng tham gia vào tổ chuyên gia này.
Quyết định của Bộ Công thương nêu rõ, tổ chuyên gia có nhiệm vụ tiến hành khảo sát, thẩm định các kết quả tính toán cụ thể lưu lượng nước cần xả qua đập chính về hạ lưu sông Đăk Mi do chủ đầu tư đề xuất để trình cấp thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, trong quyết định này lại không quy định thời hạn hoàn thành, báo cáo kết quả khảo sát, thẩm định.
“Đây sẽ là “kẽ hở” để nếu có ai đó cố tình dây dưa, kéo dài việc giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra có thể lợi dụng. Họ cứ rề rà, đợi khi thân đập xây dựng xong mới bảo sự việc đã rồi, không thể thay đổi được thì cũng không biết làm sao. Do vậy, chúng tôi sẽ phải quyết liệt đốc thúc để có thể đẩy nhanh tiến độ thẩm định”, ông Huỳnh Vạn Thắng cho hay.
Ông cũng cho biết, chủ đầu tư Thủy điện Đăk Mi 4 là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt nam (IDICO) tiếp tục đề xuất làm cống xả qua đập Đăk Mi 4 chỉ với lưu lượng 8m3/s vào mùa kiệt. Tuy nhiên, với tư cách là người được UBND TP Đà Nẵng cử tham gia tổ chuyên gia với trách nhiệm bảo vệ lợi ích chính đáng cho hàng chục ngàn hộ dân ở vùng hạ lưu sông Vu Gia, ông sẽ không đồng ý với đề xuất này.
Ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục kiên trì với đề xuất mà UBND TP Đà Nẵng đã nêu rõ trong cuộc họp hôm 11-6 với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan là phải xây dựng cống xả đáp ứng lưu lượng nước trả lớn nhất là 87m3/s và trong thời gian mùa kiệt từ tháng 1 đến tháng 9, Thủy điện Đăk Mi 4 chỉ được phát điện với tổng công suất không vượt quá 211,9 triệu m3”.
Bên cạnh đó, do chế độ điều tiết hệ thống các hồ chứa Thủy điện trên sông Vu Gia có tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và Quảng Nam nên ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, UBND TP Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ TN-MT đưa tất cả các hồ chứa thủy điện trên vào danh mục các hồ chứa phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa.
Mặt khác, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ TN-MT sớm tổ chức xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa kể trên để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị định 112/2008/CP. Đồng thời, cần sớm đề nghị Chính phủ thành lập Uỷ ban lưu vực sông Vu Gia cũng như sớm lập quy hoạch lưu vực sông Vu Gia.
Cẩm An
TIN BÀI LIÊN QUAN:
>> Việc xử lý nguy cơ từ Thủy điện Đăk Mi 4 vẫn giẫm chân tại chỗ
>> Bộ Công thương chỉ đạo trả nước sông Đăk Mi về sông Vu Gia
>> Thêm nhiều chuyện "phớt lờ" tại thủy điện Đăk Mi 4
>> Trước 20-6, phải báo cáo Thủ tướng về nguy cơ từ thủy điện Đăk Mi 4
>> Nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng ở vùng hạ lưu sông Vu Gia