“Mong ước sao có thu nhập ổn định, làm nghề gì cũng được, dẫu có cực nhọc đến mấy cũng không ngại, miễn sao con em có đủ cái ăn, cái mặc là mừng rồi”. Đó là tâm sự của rất nhiều chị em đi bán báo, bán vé số dạo. Trong khi nhiều người còn chìm sâu trong giấc ngủ, thì các chị, các em học sinh tranh thủ nghỉ hè đi bán báo, bán vé số dạo đã có mặt tại đại lý để nhận báo, nhận vé số, rồi rong ruổi trong các quán cà phê, quán ăn để chào mời khách.
Bán chuối dạo kiếm tiền nuôi con ăn học. |
Hằng ngày rảo quanh khắp phố phường, trưa về, họ tụ tập ngồi nghỉ dưới những bóng cây ven đường. Số ít trong đó là dân thành phố, còn lại là ở các địa phương khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi... về đây mưu sinh với nghề bán dạo. Tuy không nặng nhọc, nhưng đây cũng là cái nghề vất vả không kém khi phải đi bộ hàng chục cây số dưới cái nắng của mùa hè để bán. Với số tiền lãi không nhiều, nên mỗi bữa cơm bụi của các chị, các em chỉ 5-6 nghìn đồng.
Ngày nào các chị cũng phải để dành ít đồng cho con vào năm học đóng học phí. Nhiều chị cho biết: ‘’Muốn có một nghề có thu nhập ổn định, chứ đi bán thế này được bao nhiêu đâu em ơi. Có hôm không bán được nhiều, không có tiền để mua cơm”.
Chị Liễu (Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) làm phụ hồ tại công trường xây dựng, tâm sự: “Làm nghề này cực lắm nhưng lương lại đỡ hơn, ngày cũng được 65-70 ngàn đồng, bao cơm ăn trưa“. Chị kể, lúc trước làm nông, đến vụ thu hoạch mới có đồng vô đồng ra, mọi chi tiêu đều trông chờ vào đó, những lúc túng quẫn muốn có cái nghề để làm, nhưng lúc đó không biết làm gì.
Rồi chị quyết định theo chồng làm phụ hồ. Với sức lực của một phụ nữ, lại làm công việc nặng như khuân vác, trộn hồ, chị làm mấy ngày lại ngã đau. Nhưng giờ đã quen, chị làm cả tháng cũng thấy bình thường, không còn thấy mệt hay nhức mỏi cả người như khi mới đi làm nữa. Với chị, có cái nghề làm lo cho bọn trẻ học đến nơi đến chốn là mừng rồi. Dù có vất vả, có nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh nhưng đối với các chị, miễn sao đem về cái ăn, cái mặc cho con là niềm vui lớn lao.
Bài và ảnh: KIM OANH