.

Vỉa hè, bao giờ thông thoáng?

.

Vấn đề chỉnh trang đô thị ở Đà Nẵng được xem như một thành tựu để nhiều địa phương khác học tập. Ấy vậy mà từ nhiều năm qua, hệ thống vỉa hè trên những con phố ở Đà Nẵng vẫn chưa được quy hoạch một cách nghiêm túc. Dẫu rằng, chính quyền thành phố đã ban hành rất nhiều quy định về việc cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh và những quy định bắt buộc khác trong việc sử dụng vỉa hè. Thế nhưng, phần lớn hệ thống vỉa hè ở Đà Nẵng đã bị người dân chiếm dụng để phục vụ cho nhu cầu của cá nhân và gia đình họ...

Vỉa hè đường Lê Lợi bị chiếm dụng làm nơi để xe cho khách uống cà-phê.

Bất cứ ai đang sinh sống trong lòng đô thị cũng đều biết rõ, vỉa hè trên các đường phố là của công, những hạng mục công trình công cộng, cây cối trồng trên đó được Công ty Cây xanh đánh dấu theo dõi, chăm sóc; công nhân của Công ty Môi trường đô thị thường ngày vẫn mệt mài quét dọn để mang lại sự tươm tất cho từng đoạn vỉa hè trên phố. Những gia đình có nhà ở mặt tiền đường phố sẽ trực tiếp được hưởng lợi sự trong sạch, thoáng rộng đó.

Thế nhưng, nhiều chủ hộ có nhà mặt phố vẫn khăng khăng cho rằng: “Vỉa hè trước nhà tôi là của tôi”; thậm chí có những gia đình, khi người hàng xóm dựng xe bên phần vỉa hè của mình còn mang nước bẩn ra đổ vào xe, vì cho rằng... “xâm phạm ranh giới”. Có gia đình còn ngang nhiên cạy dỡ lớp gạch “con sâu” lát trên vỉa hè do Nhà nước xây dựng để trang trí lại bởi gạch men đắt tiền hơn. Rõ là, chuyện cái vỉa hè tưởng chừng đơn giản, nhưng trên thực tế không hề đơn giản...

Hầu hết vỉa hè những con đường ở Đà Nẵng đều được kẻ vạch giới hạn, có nghĩa là người lưu thông và sử dụng vỉa hè phải tuân thủ theo những quy định, ai dựng xe ngoài vạch thì ngay lập tức bị lực lượng Thanh niên xung kích đến can thiệp, nhẹ lắm là nhắc nhở, nhưng thường là bị lập biên bản vi phạm hành chính ngay.
 
Nhiều lần dạo phố, chứng kiến cảnh các bà, các chị ở quê ra bán dạo trái cây, rau xanh chạy tán loạn mỗi khi thấy bóng dáng của lực lượng Thanh niên xung kích trờ tới. Rõ là có lực lượng Thanh niên xung kích, nhiều vỉa hè có trật tự hơn. Nhưng cũng nhiều năm qua, phần vỉa hè của những đường phố lớn như Lê Lợi, Nguyễn Văn Linh... bị chủ của các quán cà-phê Long, cà-phê Tuổi Hồng, Wonder, New Life, Red... chiếm dụng một cách công khai để trông xe cho khách vào quán họ uống cà-phê mà... vẫn không thấy bị xử lý? Tìm hiểu về vấn đề này, ở nhiều nơi, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời từ phía những người trông xe cho khách, đại loại là: “Ông ngon thì mở quán mà chiếm vỉa hè để trông xe, cái gì cũng có giá của nó cả đấy...”!

Nhiều khu dân cư mới đã được hình thành, hệ thống hạ tầng như đường sá, vỉa hè, cống rãnh được đầu tư xây dựng để phục vụ dân sinh. Thế nhưng, vỉa hè của những con đường mới này phần lớn đã bị người dân đang cư ngụ ở đây dùng làm nơi giữ xe, buôn bán và thậm chí là chứa mắm, phơi bánh tráng... Đơn cử như vỉa hè đường 3 tháng 2 thường xuyên bị người dân ở đây chiếm dụng để làm nơi phơi tép và cá, có đoạn còn được dùng để sản xuất mắm ruốc.
 
Vỉa hè đường Cao Thắng (đoạn trước Trường Cao đẳng Công nghệ) thì bị trưng dụng làm nơi sản xuất ống bi... Vỉa hè đường Phan Châu Trinh (đoạn trước Sở GD-ĐT) bị chiếm dụng để làm một bãi giữ xe rất lớn... Điều đáng nói là nhiều vỉa hè ở Đà Nẵng hiện nay, buổi chiều và ban đêm đều bị chiếm dụng để làm mặt bằng cho quán nhậu.

Có người viện giải rằng, cuộc sống khó khăn nên đành phải chiếm dụng vỉa hè để làm nơi kiếm sống, biết là sai nhưng vẫn phải làm. Khi nào có lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý thì mạnh ai nấy chạy. Hết kiểm tra lại bày biện ghế bàn ra để buôn bán kinh doanh... Cứ thế, hết năm này qua năm khác...

Hy vọng rằng, các lực lượng chức năng sẽ có phương án hữu hiệu hơn để quản lý vỉa hè, quản lý các công trình công cộng phục vụ dân sinh trong thành phố. Chắc rằng, khi công tác quản lý được chú trọng hơn, bộ mặt của đô thị sẽ được thay đổi, mỹ quan đô thị được cải thiện, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.