.
TƯỞNG NIỆM 2 NĂM NGÀY MẤT NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN XUÂN (4-7-2007 – 4-7-2009)

Một người hạnh phúc

.

Mới đó, nhà văn Nguyễn Văn Xuân về bên kia thế giới đã 2 năm. Ông đã ra đi nhưng "vẫn còn nặng nợ với đời" vì bao dự định chưa làm được. Riêng tôi còn nhớ mấy lần được gặp ông, khi đưa ông đi chơi ở Sài Gòn, khi với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, và lần cuối là xin cho ông chiếc xe lăn mới trong đêm ông ngồi hóng gió trên đường Lê Hồng Phong.

Tôi gặp thầy lần đầu khi vào Đà Nẵng tổ chức một hội thảo kỷ niệm 130 năm ngày thực dân Pháp khởi hấn xâm lược nước ta (1858 - 1988). Và tôi xin được ghi tên chung với thầy Xuân trong một bài viết đầu tiên về Đà Nẵng đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, mà trong sự chung tên ấy tôi coi ông là ông thầy đầu tiên giúp tôi hiểu và gắn bó với thành phố cửa biển miền Trung này suốt cho đến nay như một duyên nợ lâu bền. Cũng vì thế, tôi rất thường được gặp thầy nhiều lần ở Đà Nẵng, nhiều lần ở Huế cũng như ở TP. Hồ Chí Minh và có một lần được đón thầy ở Hà Nội.

Thầy Xuân ưa chơi với người trẻ hơn người già. Khác với nét mặt khắc khổ đượm vẻ kiêu hãnh cộng với vốn sống và vốn kiến thức, thầy lại là người rất cởi mở và thích sống hết mình những khi có dịp. Chỉ "chọc" khẽ, thầy có thể cho tuôn trào biết bao điều chứa chất bên trong thành những bài thuyết giảng hấp dẫn, thành những câu thơ tình đọc rất say sưa hay những lời bình sâu sắc thường pha chất trào lộng...
 

Tất cả, bằng một giọng xứ Quảng rất nặng. Tôi không bao giờ quên cuộc Hội thảo kỷ niệm hai nhân vật xứ Quảng: các cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng (1992), tại Đà Nẵng, Nguyễn Văn Xuân ngồi ở dưới phát biểu ý kiến mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Đoàn Chủ tịch vác ghế xuống ngồi sát cạnh ông để nghe cho rõ những điều ông nói. Giọng thầy rất khó nghe nhưng khi đã lọt vào tai rồi là đi tới óc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

1. Trước 75, đọc văn và những tác phẩm khảo cứu của ông về Chinh phụ diễn âm tân khúc, về Phong trào Duy Tân... tôi rất mê. Không chỉ mê tri thức của ông mà còn mê tính phản biện trong ông luôn đầy ắp. Có lần, từ Sài Gòn, nhà văn Sơn Nam ra Quảng Bình tìm hậu duệ ông Nguyễn Hữu Cảnh để trao quỹ học bổng của Đồng Nai, nhưng trục trặc. Cuối cùng khi gặp Nguyễn Văn Xuân, ông Sơn Nam mới biết hậu duệ ông Lễ Thành hầu là ở làng Thanh Quýt - Quảng Nam chứ không còn ở Quảng Bình. Chỉ chi tiết này thôi, đã thấy sự uyên bác của ông.

Sự khoái hoạt, hài hước của ông cũng thật thú vị. Hồi ở Sài Gòn, có lần nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh giao tôi "nhiệm vụ" đưa ông đi chơi. Câu thơ Xuân Diệu Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!/ Em ơi em, tình non sắp già rồi thỉnh thoảng được ông... biên tập: “Em ơi em! Xuân đã sắp già rồi!”. Thoắt, ông nghiêm túc giảng giải: “Những câu thơ này không chỉ có ý nghĩa suông nói về tình yêu, mà nó phản ảnh lên một sự nôn nóng cách tân đất nước từ trào lưu thơ mới, nên nó vẫn luôn có giá trị bất cứ lúc nào”. Sau này, gặp ông ở Đà Nẵng, dù đã bị tai biến, ông vẫn mẫn tiệp giảng giải cho tôi về “tài làm kinh tế thị trường” từ rất sớm của người Chăm khi họ biết lấy nước ngọt từ những chiếc giếng vuông bán cho tàu buôn của người Tây.

Đêm ông mất, nhà văn Thái Bá Lợi điện thoại ngay cho tôi, tôi chưa dám tin, sáng ra mới biết rõ là ông đã "không còn thở nữa" - chữ của nhà văn. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã chọn nơi “định cư” vĩnh viễn cho ông với phác thảo ngôi mộ toát lên tinh thần tĩnh tại, phóng đạt của “một nhà văn hóa lớn” - chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc.
 
Ông Phạm Văn Hạng cho hay, ban đầu gia tộc chỉ dành cho 12m2 đất trong nghĩa trang nhưng sau khi ông trưng ra các bài báo viết về Nhà văn - Học giả Nguyễn Văn Xuân và gọi đó là “Vĩ nhân đất Quảng”, bà con ở quê đã vui vẻ nhường đến 100m2. Nhiều nhà báo, nhiều văn nghệ sĩ và đông đảo thân hữu của nhà văn ở miền Nam, miền Trung đã đóng góp kinh phí xây mộ, trong đó có nhà báo Nguyễn Trung Dân, nhà thơ Lê Nguyên Đại là cháu nội ông Lê Cơ, một nhân vật của phong trào Duy Tân. Chỉ có một chi tiết không vui, theo nhà văn Thái Bá Lợi, lúc đó Hội Nhà văn Việt Nam không thể có vòng hoa viếng ông do Nguyễn Văn Xuân không có tên trong danh sách... hội viên!

2.Sinh thời, Nguyễn Văn Xuân có rất nhiều danh hiệu: nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu, nhà viết kịch, nhà diễn thuyết, nhà giáo... nhưng có lẽ, cao hơn hết đối với ông là danh hiệu Con Người. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng kể chuyện mừng sinh nhật nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu do ông tổ chức: “Ông Xuân giành quyền đọc bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. Đến câu Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ, thay vì chỉ tay xuống cử tọa, ông xoay lưng lại, chỉ thẳng vào... tường”. Sau đó, nhà điêu khắc được nhà văn giải thích: “Qua mà chỉ xuống khách, mi mất hết công ăn việc làm”.

Ông Hạng cũng tiết lộ, nhà văn từng mong muốn khi qua đời, được an táng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm trên đồi Phong Lệ Bắc, do ông mê câu nói nổi tiếng của danh tướng này: "Trên chó, dưới cũng chó. Bọn bay chỉ chấu đầu ăn, chẳng lo chi việc nước". Nhưng rồi ước muốn ấy của ông không thành. Ngày đưa tang ông, theo quốc lộ 1, đoàn về làng cũ, nơi năm đầu tiên của thập niên 20 thế kỷ trước, ông cất tiếng chào đời. Tại đây, các cụ cao niên đã làm lễ tưởng niệm “Nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Người con ưu tú đất Thanh Chiêm” với bao lời nói chứa chan tình cảm. Và rồi, sau đó, ông mãi mãi yên nằm tại nghĩa trang xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Sau 86 năm sống giáp hai đầu thế kỷ 20-21, như cây cổ thụ cuối cùng dưới bầu trời văn chương Quảng Nam - Đà Nẵng, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã nằm xuống để lộ ra một khoảng trống kinh hồn và choáng ngợp suốt 2 năm qua. Thỉnh thoảng nhớ ông, tôi lại tìm ông trên mạng. Tại một bài viết của nhà văn Trần Trung Sáng, một trong những tác phẩm ra đời để lại cho nhà văn Nguyễn Văn Xuân nhiều kỷ niệm nhất là trường hợp của cuốn biên khảo Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc, có tựa của một nhà xuất bản vào năm Gia Long thứ 14 (1815) và nguyên tựa của dịch giả.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007)

Quê quán: Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam.

Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Bão rừng
- Dịch cát
- Hương máu
- Phong trào Duy Tân
- Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân
- Kỳ nữ họ Tống

Giải thưởng văn học:

- Giải A Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm Kỳ nữ họ Tống, năm 2003.

- Giải nhất truyện ngắn Bóng tối và ánh sáng trên Tạp chí Thế Giới, năm 1938.

- Giải A cho tác phẩm Kỳ nữ họ Tống của Hội LHVHNT Đà Nẵng năm 2003.

Ông cho rằng cuốn sách này là một thực tế độc lập mà cũng là một bổ sung - cho cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo của học giả Hoàng Xuân Hãn (Minh Tân, Paris, 1953) là một kỳ thư về ngành nghiên cứu văn học theo văn bản học. Và ông đã xác quyết dịch giả đích thực là Phan Huy Ích và tên tác phẩm là Chinh phụ diễn âm tân khúc chứ không phải là Chinh phụ ngâm. Điều này đã gây ra sự tranh cãi không ít trên văn đàn miền Nam, thời trước 1975, và đến nay gần như còn bỏ ngỏ.

Một kỷ niệm khác diễn ra vài năm gần đây khi tên tuổi nhà văn Nguyễn Văn Xuân lại được bàn luận, nhắc đến với tác phẩm cuối đời của ông: Kỳ nữ họ Tống. Đây là một đề tài được ông ấp ủ, xây dựng khá lâu, dựa theo câu chuyện về một người đàn bà có thật trong lịch sử xứ Đàng Trong, đã một thời làm đảo điên cả triều đại Chúa Nguyễn, suýt xóa bỏ cả tên triều đại này trong lịch sử Việt Nam ngay những thập niên đầu của thế kỷ 17. Tôi còn nhớ, chị Mai Nhung, lúc đó là TBT Báo Nông thôn ngày nay, đã "dụ" được ông để đăng dài kỳ tiểu thuyết lịch sử này trên báo. Sau đó, tác phẩm này đã được Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải A năm 2003.

3.Hầu hết tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Xuân ra đời khi chưa có Internet. Vì vậy tác phẩm của ông trên mạng hầu như vắng bóng, ngoại trừ vài trước tác trên website của Hội Cựu giáo sư và cựu học sinh Phan Thanh Giản (Đà Nẵng), nơi ông từng là thầy giáo.

Kết thúc bài này, tôi muốn ghi lại lời của nhà văn Thái Bá Lợi nói về ông: Người ta nói ông là người có ít hạnh phúc trên đường đời, nhưng tôi lại nghĩ khác. Người hạnh phúc là người nói được điều mình muốn nói, làm được điều mình muốn làm. Một ví dụ: năm 1985, Nhà xuất bản Đà Nẵng có đặt ông viết một cuốn biên khảo tạm lấy tên là Quảng Nam từ khi hình thành đến khởi nghĩa Tây Sơn.

Ông nhận lời. Trong hai năm anh em biên tập thường đến nhà ông, vừa thăm hỏi ông vừa xem công việc tiến triển đến đâu. Ông không hề đả động gì đến cuốn biên khảo mà chỉ tâm sự về một cuốn tiểu thuyết. Cuốn sách ấy ông đặt tên là Quái nữ viết về một người đàn bà quái kiệt trong thời các chúa Nguyễn. Hết thời gian theo như thỏa thuận với nhà xuất bản, thay vì một cuốn biên khảo, chúng ta lại có ở ông một cuốn tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống. Ông đã làm được điều ông muốn làm, không hề để tâm đến những ràng buộc trước đó. Đó là một người hạnh phúc.

ĐẶNG NGỌC KHOA



;
.
.
.
.
.