.
ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP VỚI DÂN

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân

.

Việc tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa UBND cấp phường và người dân đang được thực hiện ở một số nơi. Cách làm này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của chính quyền địa phương và nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, nhất là sau khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường.
   

Người dân phường Hòa Thọ Đông trực tiếp đối thoại với lãnh đạo phường.

Tháng 7 năm 2009, UBND phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ đã tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với người dân, trong đó có mặt đông đủ các thành phần như: lãnh đạo UBND, trưởng các ngành thuộc UBND phường, đại diện Mặt trận, Công an, tổ dân phố, các chi bộ trực thuộc và người dân đến từ 17 khu dân cư trên địa bàn phường…

Tại đây, ông Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường đã trực tiếp báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2009 của UBND phường và nêu lên những hạn chế trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như những vấn đề còn tồn đọng, chưa giải quyết cho dân.

Theo ông Nguyễn Văn Hoa, đây là một trong những cách làm hiệu quả nhằm nâng cao năng lực điều hành của chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, đề cao vai trò của Mặt trận và người dân trong việc giám sát hoạt động của chính quyền. Thông qua buổi đối thoại trực tiếp này, UBND phường đã tiếp nhận nhiều ý kiến của đại diện nhân dân về cải cách hành chính, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, việc điều hành của UBND và các trưởng ngành thuộc UBND phường đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân trong những tháng đầu năm 2009…

Từ sau khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, vai trò giám sát của HĐND ở phường không còn, thay vào đó là việc tăng cường sự giám sát của Mặt trận theo Quy chế phối hợp giữa UBND và Ủy ban MTTQ. Việc tổ chức buổi đối thoại trực tiếp là một phần trong quy chế phối hợp để tăng cường chức năng giám sát, phản biện từ phía Mặt trận, các đoàn thể và người dân địa phương. Dù không nắm rõ về quy chế này nhưng nhiều người dân khi tham gia buổi đối thoại nói trên đều bày tỏ sự đồng tình của mình.
 
Chị Ngô Thị Ngọc, trú tại tổ 12 phường Hòa Thọ Đông tâm sự: “Đối thoại trực tiếp như thế này là rất hay vì ở đây, cán bộ phổ biến cho dân nghe về hoạt động của UBND và người dân thì có thể hỏi những điều còn vướng mắc. Nếu không gặp trực tiếp thì khó có điều kiện để trình bày những bức xúc của dân trước nhiều cán bộ của chính quyền cùng một lúc”. Tuy vậy, cũng có những ý kiến còn băn khoăn, e dè trước hiệu quả của việc đối thoại trực tiếp này.
 
Ông Ngô Hý, tổ 1 phường Hòa Thọ Đông nhận xét: “Tổ chức đối thoại như vậy là việc làm đúng nhưng những vấn đề dân nêu ra nếu liên quan đến quận hoặc thành phố thì chắc khó giải quyết sớm”. Đây là một thực tế, vì qua buổi đối thoại, chỉ có 30% ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường Hòa Thọ Đông.

Ông Nguyễn Văn Hoa khẳng định: “Ngay sau buổi đối thoại trực tiếp này, Thường trực UBND phường đã họp các trưởng ngành yêu cầu kiểm tra, xác minh những kiến nghị của nhân dân và tham mưu cho UBND cách xử lý phù hợp. Những vấn đề nêu ra thuộc thẩm quyền của phường thì UBND phường sẽ cố gắng giải quyết xong trong tháng 8 năm 2009, số còn lại sẽ tập hợp, chuyển lên quận và sau khi có sự chỉ đạo của UBND quận, UBND phường sẽ phối hợp giải quyết, không để chậm trễ, gây mất lòng tin trong nhân dân”.

Qua những buổi đối thoại với dân, hiệu quả thấy rõ nhất là chính quyền địa phương có thể nắm rõ những vấn đề còn vướng mắc trên địa bàn quản lý và tham mưu cho cấp quận để xử lý kịp thời. Đây là cách để nâng cao trách nhiệm của cả UBND cấp phường và cấp quận. Thực tế trong thời gian vừa qua, tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố hoặc đại biểu Quốc hội thành phố, người dân vẫn còn phản ánh những vấn đề mà chỉ cần cấp quận, phường có thể giải quyết được.
 
Nếu việc đối thoại trực tiếp được tổ chức một cách hiệu quả ở cấp phường sẽ giúp cho chính quyền quận nắm rõ và giải quyết triệt để những vướng mắc của người dân, hạn chế tình trạng vượt cấp. Và như vậy, mới thể hiện hết được vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đối với Mặt trận, các hội, đoàn thể và người dân, việc công khai tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của UBND phường sẽ giúp họ giám sát chặt chẽ hơn quá trình hoạt động của chính quyền và có những ý kiến đóng góp xác đáng, kịp thời nhằm hỗ trợ Đảng, chính quyền địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
 
Những ý kiến của nhân dân một khi được xem xét và giải quyết thấu đáo sẽ tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân đối với chính quyền và nhờ đó, việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.