.

Hỗ trợ lãi suất: giải pháp tối ưu; nhập khẩu vàng: quyết định kịp thời

.

(ĐNĐT) - Việc điều hành chính sách tài chính và tiền tệ, hiệu quả sử dụng đồng tiền kim loại, hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất là những nội dung “nóng” nhất tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tại Quốc hội sáng nay, 17-11

“Quyết định nhập khẩu vàng là kịp thời chứ không muộn màng”

“Giá vàng biến động rất bất thường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho nhập khẩu để ổn định thị trường, nhưng phản ứng của NHNN đã kịp thời hay chưa? Nếu không kịp thời thì trách nhiệm của Thống đốc đến đâu?”, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) chất vấn. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời, từ năm 1999, Chính phủ ban hành nghị định giao NHNN có chức năng quản lý vàng xuất khẩu và chế biến vàng miếng, vàng hàng hóa lưu hành trên thị trường đã được điều chỉnh của các luật khác.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu trả lời chất vấn các ĐB Quốc hội

“Thời gian qua, chúng tôi theo dõi liên tục diễn biến giá vàng, rồi họp đánh giá tình hình, nghe thông tin, xem người dân có rút tiền mặt mua vàng hay không. Cái khó của chúng tôi là lần đầu tiên không mất cân đối cung cầu nhưng giá vàng tăng. Chúng tôi đã nghe ý kiến nhiều chuyên gia, tiến sĩ…, nghe tất cả”, ông Giàu giãi bày. NHNN chọn giải pháp trấn an là tốt nhất, xã hội thấy vàng thừa là dịu xuống, đến nay đã có quota nhưng chỉ nhập vài tấn. “Chúng tôi cân nhắc rất kỹ. Theo chúng tôi, đây là quyết định kịp thời chứ không phải muộn màng”, ông Giàu khẳng định.

Về các sàn giao dịch vàng, ông Giàu khẳng định, các sàn giao dịch này đang nằm ngoài tầm kiểm soát và đây là kẽ hở pháp luật. "Không có cơ quan nào quản lý sàn vàng. Thống đốc không cấp giấy phép cho sàn vàng. Chính phủ đang lập tổ nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động sàn vàng", ông Giàu nói.

Đồng Việt Nam đang mất giá

Là người chất vấn đầu tiên, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt vấn đề, chức năng quan trọng của NHNN là giữ ổn định tiền đồng Việt Nam, nhưng thời gian qua VNĐ trượt giá (5,18% so với đồng USD), trách nhiệm của NHNN và Thống đốc NHNN đến đâu?

Thừa nhận thời gian qua VNĐ mất giá là đánh giá hoàn toàn chính xác, song Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mặc dù NHNN luôn theo đuổi mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, nhưng vấn đề này còn liên quan đến cơ cấu và hiệu quả của nền kinh tế.  “Thời gian tới, sẽ thị trường hóa giá xăng dầu, than, tăng lương cơ bản. Những điều này chắc chắn sẽ tác động đến điều hành tỷ giá. Chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành tiếp thu, xây dựng các phương án điều hành tốt nhất”, ông Giàu nói.

Liên quan đến quản lý thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) phản ánh thực trạng DN mua USD rất khó khăn, DN cần mua phải trả chênh lệch bằng cách lách luật. “Vậy NHNN đã phân tích vì sao có tình trạng găm giữ ngoại tệ, phải chăng tỷ giá công bố không phản ánh được thực tế thị trường, cơ chế tỷ giá đã hợp lý hay chưa, mục tiêu chính sách cụ thể hay chưa. NHNN đã có chính sách ngắn hạn, dài hạn để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường hay chưa”, bà Loan chất vấn.

Ông Giàu cho hay, giải pháp nhanh nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, kiềm chế nhập siêu nhưng như vậy sẽ mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng.

Không đồng ý, bà Loan truy tiếp: “Thống đốc gần như chưa trả lời được ý câu hỏi. Tôi hỏi về tình trạng găm giữ ngoại tệ, nâng giá ngoại tệ, trong khi thị trường không phải là thiếu ngoại tệ? Ví như nhà chúng ta hết ăn, bố mẹ phải vay mượn như thế nào để giải quyết trước mắt, tôi muốn hỏi biện pháp như thế nào để giải quyết và cân đối?”. Tuy nhiên, câu hỏi này chưa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời thỏa đáng.

Đồng tiền xu sử dụng không hiệu quả

ĐB Lê Thị Nga với đồng xu xỉn màu trên tay (Ảnh: VNN)
Nói về hiệu quả sử dụng đồng tiền kim loại (tiền xu) qua 6 năm phát hành, ĐB Lê Thị Nga chất vấn Thống đốc NHNN về hướng giải quyết vấn đề này. Thống đốc Trần Văn Giàu cho biết, khi sản xuất tiền xu, các Thống đốc trước đây có phương án trình Chính phủ quyết định. “Thực tế hiện nay, các nội dung của đề án nói chung, tôi nói thẳng thắn là không có kết quả. Chúng tôi nghiêm túc xem xét không phát hành thêm đồng tiền này. Đối với đồng tiền không đảm bảo thì thu hồi”, ông Giàu cho biết.

Không hài lòng với câu trả lời của Thống đốc, bà Nga nói: “Tôi không muốn làm khó nhưng đây là nguyên vọng của hàng triệu cử tri, nhưng trả lời của Thống đốc còn đơn giản. Đề nghị Thống đốc phải có mục tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể và thực hiện kiểm điểm lại việc có thực hiện đúng hay không”. Nói đến đây, bà Nga đưa ra một đồng xu xỉn màu và đặt vấn đề: “Tại sao thế giới sử dụng tiền xu hiệu quả, Việt Nam lại không. Đây là trách nhiệm của ai? Tiền đồng chất lượng nhưng người dân không dùng, vì sao? Lần trước Thống đốc đã hứa phát hiện hệ thống máy bán hàng tự động, đến nay như thế nào?”.

“Đồng tiền xu, như tôi báo cáo, số tiền còn lại, đẹp thì lưu hành bình thường, ai có thì dùng, nhưng không nhiều….”, ông Giàu trả lời.

Gói hỗ trợ lãi suất là giải pháp kích thích kinh tế tối ưu

Về hiệu quả triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu thứ nhất, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là giải pháp kích thích kinh tế tối ưu, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có hiệu quả tác động rất tích cực, đạt được mục tiêu là giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Hồng Sơn, chỉ có 20% DN nhỏ và vừa tiếp cận được gói kích cầu thì không thể nói là hiệu quả. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc hỗ trợ lãi suất không thực hiện đại trà mà chỉ chọn lựa một số đối tượng, đặc biệt là DN sản xuất, xuất khẩu, các DN thu hút nhiều lao động.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng thừa nhận, quá trình triển khai, cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng bộc lộ một số mặt chưa tích cực. Một số quy định liên quan đến việc thực hiện cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 497/ QĐ-TTg chậm được hướng dẫn, xử lý nên kết quả đạt thấp. Mức lãi suất sau khi được hỗ trợ tương đương lãi suất cho vay bằng USD và thấp hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hiện nay đã tác động làm tăng trưởng tín dụng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất và tỷ giá, có thể phát sinh các hiện tượng lợi dụng cơ chế để trục lợi. Không phải tất cả các đối tượng vay vốn đều được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, nên quá trình triển khai thực hiện phát sinh những vướng mắc, kiến nghị, khiếu nại của nhiều doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất.

Về những bất cập của Quyết định 497, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho biết, quyết định có hiệu lực từ 1-5-2009, khi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, lúc đó nhiều ĐB đề nghị cần phải có điều chỉnh, rồi các ban của Quốc hội cũng đã có ý kiến, nhưng đến nay chưa sửa đổi, như vậy là quá chậm.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận có nhiều vướng mắc thật và cho hay, đến nay các bộ, ngành, đặc biệt là bộ chủ trì, đã có phương án điều chỉnh, bổ sung và sẽ báo cáo Chính phủ sớm phê duyệt để bà con nông dân tiếp cận nhanh hơn đối với nguồn vốn.

ĐB Danh Út: “Tôi rất mừng khi nghe nói sớm sửa đổi, tôi chờ lời hứa...”.

Đà Nam
;
.
.
.
.
.