.

Thanh niên với văn hóa giao thông

.

Để góp phần làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, từ đầu năm 2009, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành 26 tiêu chí Thanh niên với văn hóa giao thông, trong đó có rất nhiều tiêu chí thiết thực, thậm chí khá dễ dàng để thanh niên có thể thực hiện như: thực hiện các quy tắc giao thông trong mọi hoàn cảnh, tạo cảm giác an toàn cho mình và mọi người, sẵn sàng giúp đỡ những người bị tai nạn giao thông, tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng; không gây ồn, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, hút thuốc lá khi tham gia giao thông; nhường đường cho những người đi bộ, nhường chỗ ngồi cho người tàn tật, người già, phụ nữ có thai và trẻ em; hạn chế sử dụng còi tại những nơi đông người, không gây cản trở giao thông, luôn phát tín hiệu khi chuyển hướng đi, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, xe máy, xe đạp điện ở mọi lúc mọi nơi, không mặc hở hang, thiếu lịch sự...

Vô tư vượt qua rào chắn dù đã được cảnh báo trước nguy hiểm.

Tiêu chí đã được ban hành rất cụ thể như vậy, nhưng liệu có bao nhiêu bạn trẻ có ý thức tìm hiểu, thực hiện nó? Bao nhiêu bạn trẻ được tiếp cận những thông tin trên? Trong khi hằng ngày tham gia lưu thông trên đường, chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt từ những hành xử thiếu văn hóa của một bộ phận thanh niên. Từ việc không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi đang lái xe, khạc nhổ bừa bãi, thậm chí chen lấn dẫn đến va quệt, nhưng vẫn quay sang chửi thề người khác...

Bạn Đinh Thị Thu Phượng ở quận Cẩm Lệ chia sẻ: “Theo mình nghĩ, văn hóa giao thông không phải là điều gì quá cao xa, nó đơn giản chỉ là chúng ta áp dụng thói quen lịch sự khi ra đường mà thôi. Ví dụ, tại sao ở nhà, ở cơ quan, chúng ta không khạc nhổ bừa bãi nhưng ra đường lại làm vậy? Đừng nghĩ rằng không ai thấy thì mình không có lỗi. Cái lỗi của mình trong những trường hợp như vậy còn nặng hơn gấp nhiều lần, vì đã vô tình dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm từ những người xung quanh đối với thế hệ mình”.

Một bộ phận không nhỏ thanh niên đang bị đánh giá thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhưng một phần lỗi không nhỏ nằm ở công tác tuyên truyền còn hạn chế. Một cán bộ Đoàn cấp cơ sở (xin được giấu tên) ở quận Hải Châu cho biết, công tác tuyên truyền về ATGT năm nào cũng làm, nhưng vẫn theo lối “bình mới, rượu cũ”.

Hầu như chỉ tập trung tổ chức tuyên truyền vào dịp hè. Cách thức tuyên truyền cũng chỉ xoay quanh việc tổ chức các hội thi tìm hiểu về Luật Giao thông, một hai buổi nói chuyện chuyên đề với thanh niên... Hiệu quả từ các hoạt động này là chỉ có một bộ phận rất nhỏ những thanh niên được cập nhật thông tin. Trong một Hội thi về ATGT ở quận Đoàn nọ, có bạn đã thẳng thắn cho biết: “Em đi cổ vũ vì được điều động đi. Mà đi xem văn nghệ cho vui rồi về, chứ em có bằng lái xe rồi học gì nữa”.

Như vậy, vấn đề cơ bản hiện nay là, chúng ta đang thiếu mô hình hoạt động về ATGT hay và hiệu quả, thu hút được thanh niên. Vừa qua, Trung ương Đoàn đã tổ chức lớp tập huấn về ATGT cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên với chương trình vừa học vừa thực hành tại chỗ. Lớp học vừa có máy chiếu lớn, có mô hình lái xe trên máy vi tính, một người thực hành có đến 5, 6 chuyên gia của hãng Honda hướng dẫn. Nhưng xét cho cùng, đó cũng chỉ là lớp tập huấn ở cấp tỉnh, thành; liệu ở cấp cơ sở có được chương trình lý tưởng đó không?

Văn hóa giao thông trong thanh niên vẫn đang là bài toán khó. Chỉ mong rằng mỗi bạn trẻ khi tham gia giao thông luôn để tâm, để ý giữ an toàn cho tính mạng của mình. Đó cũng là cách để tạo được cảm giác an toàn và sự tin cậy từ người khác.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.