Chưa đầy một năm làm cộng tác viên dân số, nhưng Lê Thị Ngọc (SN 1980), trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang đã làm thay đổi hẳn những suy nghĩ của phụ nữ dân tộc Cơtu trong việc kế hoạch hóa gia đình, góp phần ổn định dân số và cuộc sống cho người dân địa phương.
. |
Gần cuối buổi sáng, chúng tôi mới gặp được Ngọc. Qua trao đổi, mới biết Ngọc hiểu được những nỗi khổ của người phụ nữ Cơtu, hiểu rõ căn nguyên của cái nghèo, cái thiếu hiểu biết là do sinh đẻ nhiều. Vì vậy, để thay đổi, Ngọc tự nguyện xin làm cộng tác viên dân số cho xã. Ngọc tâm sự: “Làm cộng tác viên dân số không có lương, phụ cấp mỗi tháng chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng vì sự thay đổi cuộc sống và nếp nghĩ của bà con thôn bản nên em tự nguyện làm. Không lẽ, cứ là phụ nữ dân tộc thì phải sinh nhiều. Cực lắm, nghèo lắm! Vì vậy, mình phải thường xuyên vận động họ”.
Công việc hằng ngày của Ngọc là theo dõi sự biến động dân số của xã, số sinh, số tử và vận động phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch. Ngọc cho biết, năm 2006, trong chương trình đào tạo 500 hộ sinh cho vùng miền núi và dân tộc thiểu số, Ngọc được tổ chức Bà mẹ và trẻ em thành phố Đà Nẵng đưa đi đào tạo lớp hộ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh. Có được nghiệp vụ, Ngọc trở về địa phương giúp đỡ bà con thôn xóm, những người nghèo không có điều kiện sinh đẻ tại bệnh viện. Dù vất vả, nhưng Ngọc không bao giờ nhận chi phí của người sinh, bởi cô nghĩ rằng, đây là nhiệm vụ của mình.
Nói đến Ngọc, bà con dân tộc Cơtu ở Hòa Phú, ai cũng dành những tình cảm trìu mến cho cô. Theo họ, Ngọc rất nhiệt tình, không ngại khó khăn để đến giúp đỡ mọi người. Dù trời nắng hay trời mưa, khi mọi người cần là Ngọc có mặt kịp thời. Dù gia đình còn nghèo, chưa có công việc ổn định, ngày ngày may vá và phụ sửa xe máy với chồng để kiếm sống, nhưng công việc xã hội thì Ngọc không bao giờ bỏ.
Ngày ngày, Ngọc đi tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai. Với người dân tộc Cơtu, để các cộng tác viên dân số vận động họ hiểu được công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình là rất khó. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình và tấm lòng vì cộng đồng của Lê Thị Ngọc, phụ nữ Cơtu ở Hòa Phú thấu hiểu và làm theo những hướng dẫn của cô.
Những chị em nào sinh đẻ nhiều, Ngọc đến tận nhà vận động, hướng dẫn họ cách phòng tránh; đồng thời tuyên truyền vận động những người chồng hiểu được cách thức và biện pháp quan hệ tình dục an toàn… Có những trường hợp, Ngọc phải đi xe máy đến tận nhà chở chị em xuống Trạm Y tế xã đặt vòng hay thăm khám. Không một đồng lương, không có tiền xăng xe nhưng cô thường xuyên phải băng rừng, vượt núi để làm những việc như vậy. Ngọc cho hay, không chỉ vận động bằng lời mà mình phải có những việc làm, hành động thiết thực thì chị em mới nghe, hiểu và thực sự tin mình.
Chưa tròn 1 năm làm cộng tác viên dân số, nhưng Lê Thị Ngọc đã đem đến cho thôn Phú Túc, xã Hòa Phú một làn gió mới. Nếu như những năm trước, việc sinh nở của chị em cứ sòn sòn hằng năm thì năm nay tại Phú Túc chỉ có 3 ca sinh và đều là những trường hợp mới lập gia đình. Kết quả này được các cấp, các ngành liên quan đánh giá cao về vai trò của Lê Thị Ngọc trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình ở Hòa Phú.
Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN