.
Vụ khiếu kiện tranh chấp ngôi nhà số 42 Triệu Nữ Vương - Đà Nẵng:

Xin giữ gìn cốt nhục gia phong

.

Vừa qua, Báo Đà Nẵng nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hồng Vân (sinh năm 1958), trú tại số 14 Núi Thành-Đà Nẵng khiếu nại về việc bà và người chị ruột của mình là bà Nguyễn Thị Ngưu Lang (1953), trú tại 42 Triệu Nữ Vương-Đà Nẵng đang có mâu thuẫn sâu sắc trong việc giành quyền sở hữu ngôi nhà số 42 Triệu Nữ Vương Đà Nẵng nhưng chưa được phân xử một cách thỏa đáng.

Ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương đang bị tranh chấp.

Trong đơn khiếu nại, bà Vân trình bày: Ngôi nhà số 42 Triệu Nữ Vương – Đà Nẵng là của cha mẹ bà xây dựng nên. Mẹ bà đã qua đời vào năm 1958. Năm 1992, trước khi cha bà là ông Nguyễn Văn Ong cùng với anh ruột của bà và 4 người chị gái làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ đã cho vợ chồng bà đến ở ngôi nhà số 42 Triệu Nữ Vương.

Năm 1996, bà Nguyễn Thị Ngưu Lang là chị ruột của bà Vân từ Hồng Kông trở về Việt Nam theo diện hồi hương, do không có nơi nương tựa nên bà Lang đã tìm về căn nhà cũ của cha mẹ mình ở 42 Triệu Nữ Vương – Đà Nẵng để sinh sống chung với vợ chồng người em ruột là bà Vân. Năm 1997, bà Lang sinh con và cũng từ đây tình cảm chị em giữa bà Lang và vợ chồng bà Vân bắt đầu có những rạn nứt.

Những cuộc xung đột bắt đầu thường xuyên xảy ra và chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần phải có mặt để vãn hồi xung đột. Vợ chồng bà Vân thống nhất sẽ đưa cho bà Lang 18 triệu đồng và 10 lượng vàng để bà Lang ra đi tạo lập nơi ở mới nhưng bà Lang không chịu, vì bà cho rằng ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương là nhà hương hỏa do cha mẹ để lại nên phải là tài sản chung của tất cả các anh chị em trong nhà.

Do thường xuyên xảy ra xung đột với nhau, vì vậy gia đình bà Vân đã chuyển về sinh sống ở căn nhà cũ trước đây của mình ở số 14 Núi Thành-Đà Nẵng; đồng thời phát đơn kiện đòi lại ngôi nhà số 42 Triệu Nữ Vương với lý do “chỉ cho bà Lang ở nhờ”. Vụ kiện đòi nhà này đã được Tòa án Nhân dân quận Hải Châu thụ lý và đưa ra xét xử. Kết quả xét xử có nhiều điểm bất lợi cho phía gia đình bà Vân, vì vậy bà Vân tiếp tục gửi đơn khiếu nại.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà Vân, chúng tôi đã tiến hành xác minh vụ việc và thấy rằng: Ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương là do cha mẹ bà Lang và bà Vân là ông Nguyễn Văn Ong và bà Nguyễn Thị Long xây dựng nên. Năm 1958, bà Long qua đời. Năm 1992, ông Nguyễn Văn Ong được phép xuất cảnh để định cư ở Mỹ nên ông Ong cùng những người con của mình đã đồng ý ủy quyền cho vợ chồng bà Vân đến ở để trông coi và hương khói (lúc này vợ chồng bà Vân đã có nhà riêng ở 14 Núi Thành-Đà Nẵng), với ý định ông Ong chỉ sang Mỹ vài năm để chữa bệnh rồi hồi hương về sinh sống ở căn nhà này.

Vụ kiện “đòi nhà cho ở nhờ” theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hồng Vân và ông Nguyễn Hữu Thanh, địa chỉ ở 42 Triệu Nữ Vương-TP. Đà Nẵng đã được xét xử công khai và ngày 30-9-2009, TAND quận Hải Châu đã ban hành Bản án số 86/2009/DSST về việc “Đòi nhà cho ở nhờ”.

Căn cứ các điều 256 và khoản 2 điều 305 BLDS. Căn cứ điều 202 và khoản 1 điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện “Đòi nhà cho ở nhờ” của bà Nguyễn Thị Hồng Vân và ông Nguyễn Hữu Thanh đối với bà Nguyễn Thị Ngưu Lang.

2. Xử bác yêu cầu khởi kiện “Đòi nhà cho ở nhờ” của bà Nguyễn Thị Hồng Vân và ông Nguyễn Hữu Thanh đối với bà Nguyễn Thị Ngưu Lang. Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 3401020652 do UBND thành phố Đà Nẵng cấp ngày 29-12-2000 đứng tên bà Nguyễn Thị Hồng Vân và ông Nguyễn Hữu Thanh.

Giao ngôi nhà và đất tại 42-Triệu Nữ Vương-TP. Đà Nẵng là di sản của ông Nguyễn Văn Ong và bà Nguyễn Thị Long cho bà Nguyễn Thị Hồng Vân và bà Nguyễn Thị Ngưu Lang quản lý, sử dụng...”.

Tuy nhiên, do bệnh nặng, trước khi lên máy bay sang Mỹ 3 ngày, ông Ong đã qua đời tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi ông Ong mất, những người con của ông Ong gồm: Nguyễn Thị Tuyết Nga (1942); Nguyễn Thị Kim Dung (1945); Nguyễn Thị Đào (1948); Nguyễn Thị Hương (1951) và Nguyễn Văn Lưu (1955) đã lần lượt xuất cảnh ra nước ngoài sinh sống. Bà Ngưu Lang ở trại tỵ nạn Hồng Kông cho đến năm 1996 mới trở về Đà Nẵng theo diện hồi hương. Khi bà Lang về Đà Nẵng, do không có nơi ở nên bà đã về lại căn nhà của cha mẹ mình ở 42-Triệu Nữ Vương để sống chung với gia đình người em ruột là bà Vân cho đến ngày nay.

Trình bày với chúng tôi về những vấn đề xung quanh ngôi nhà này, bà Ngưu Lang cho biết: Sau khi hồi hương, bà Lang sống chung với gia đình người em gái ở ngôi nhà 42-Triệu Nữ Vương rất đầm ấm, nhưng từ sau khi bà Lang sinh con thì rạn nứt mới bắt đầu. Năm 2002, khi bà Lang mang hộ khẩu đến Điện lực Đà Nẵng (bà Lang có hộ khẩu riêng ở 42 Triệu Nữ Vương; gia đình bà Vân cũng có hộ khẩu riêng ở 42 Triệu Nữ Vương) để kê khai đổi hợp đồng điện, khi đến hẹn lấy kết quả, bà Lang được nhân viên ngành Điện giải thích rằng bà không thể đứng tên chính hợp đồng được vì ngôi nhà này ông Nguyễn Văn Lưu (em ruột bà Lang) đã bán cho vợ chồng người em ruột của mình là bà Nguyễn Thị Hồng Vân và ông Nguyễn Hữu Thanh.

Cũng nhân chuyện này, bà Lang biết được vợ chồng bà Vân đã làm được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) của nhà số 42 Triệu Nữ Vương mang tên ông Nguyễn Hữu Thanh và bà Nguyễn Thị Hồng Vân, quyển sổ đỏ này được cấp ngày 29-12-2000.

Bà Lang đã “khẩn cấp” thông báo vấn đề trên đến các chị và em của bà ở nước ngoài và mọi người đều khẳng định gia đình chỉ ủy quyền cho vợ chồng bà Vân đến ở ngôi nhà này chứ hoàn toàn không có việc bán mua. Tiếp đó, bà Lang đã làm đơn xin các cơ quan hữu trách cho bà được sao lục những hồ sơ liên quan đến ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương. Bà Lang bức xúc kể: Tôi sao lục được bản hợp đồng mua bán nhà ở với nội dung “cho bán” không rõ ràng.
 
Theo bà, nếu cha bà là ông Ong cho em ruột bà là bà Vân ngôi nhà này thì phải có sự xác nhận của những người con còn lại trong gia đình; nếu cha bà bán cho em gái bà thì cũng phải thể hiện rõ giá cả mua bán là bao nhiêu? Bà Lang cho chúng tôi xem 2 bản hợp đồng mua bán nhà ở mà bà đã sao lục được tại Sở Tài nguyên- Môi trường và Sở Tư pháp Đà Nẵng.
 
Tại hai văn bản này, chúng tôi thấy rất nhiều sự sửa đổi, ví như chữ “cho” được đánh máy trùng lên chữ “mua”, rồi chữ “cho” được đánh máy lấp lên chữ “bán”. Trong phần chứng thực của cán bộ Tư pháp thì cả hai văn bản đều được công chứng bởi một công chứng viên là Trịnh Thị Liễu, nhưng hai nét chữ viết hoàn toàn khác nhau đến khó tin?

Rõ ràng, việc vợ chồng bà Vân đã làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương mang tên vợ chồng bà, và việc bà Lang cũng như nhiều người bức xúc vì cho rằng trong các văn bản hợp đồng mua bán nhà ở có những mục đã bị chỉnh sửa sẽ không thể giải quyết một cách bình thường mà rất cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trên lĩnh vực điều tra và giám định để tìm ra ngọn nguồn của sự thật.

Trở lại vấn đề vụ kiện của bà Vân mà bị đơn là chị ruột của mình là bà Lang. Tòa án Nhân dân quận Hải Châu đã thụ lý và có quá trình điều tra trước khi vụ án dân sự này được đưa ra xét xử. Quan điểm của Tòa án là: Mặc dù ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đứng tên bà Nguyễn Thị Hồng Vân và ông Nguyễn Hữu Thanh; năm 1996, bà Vân và ông Thanh đã cho bà Lang vào ở nhờ.

Tuy nhiên, xét về nguồn gốc ngôi nhà này là tài sản mà các bên đang tranh chấp thì ngôi nhà này là thuộc tài sản chung của vợ chồng ông Ong và bà Long có 7 người con, trong đó có bà Vân và bà Lang. Như vậy, tại thời điểm ngày 30-4-1992, ông Nguyễn Văn Ong đứng ra làm hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà này cho vợ chồng bà Vân đã được Phòng Công chứng số 1 tỉnh QN-ĐN (cũ) chứng thực là không đúng với quy định của pháp luật.

Bởi vì ông Ong chỉ được sở hữu 1/2 ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương, 1/2 ngôi nhà còn lại là phần di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị Long. Do đó, một mình ông Ong không được quyền định đoạt toàn bộ ngôi nhà này. Bên cạnh đó, theo Công văn số 55/CV-CCI ngày 15-9-2009 mà Phòng Công chứng số 1 TP. Đà Nẵng cung cấp thì hồ sơ để làm thủ tục chuyển nhượng nhà của ông Ong cho vợ chồng bà Vân không có văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế khác đồng ý cho ông Ong được quyền chuyển nhượng ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương.
 
Từ những cơ sở trên, có thể khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngôi nhà và đất tại 42 Triệu Nữ Vương cho vợ chồng bà Vân là không đúng với quy định của pháp luật. Vì vậy, vợ chồng bà Vân không phải là người chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp ngôi nhà và đất tại 42 Triệu Nữ Vương.
 
Với những chứng lý trên, Hội đồng xét xử vụ án này đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Vân về việc đòi nhà cho ở nhờ đối với bà Lang. Đồng thời, Hội đồng xét xử vụ án cũng đã có kiến nghị đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 3401020652 do UBND TP. Đà Nẵng cấp ngày 29-12-2000 đứng tên vợ chồng bà Vân. Giao ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương là di sản của ông Ong và bà Long cho bà Lang và bà Vân quản lý sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Lưu là em ruột của bà Lang và là anh ruột của bà Vân khi biết được sự mâu thuẫn của chị và em gái mình về căn nhà này cũng đã có đơn “xin ngăn chặn việc mua bán nhà” gửi đến UBND phường Hải Châu 2, Phòng Tư pháp quận Hải Châu; Phòng Quản lý và xây dựng quận Hải Châu, Phòng Công chứng thành phố Đà Nẵng.

Ông Lưu đã thay mặt cho anh chị em ruột, dâu, rể, cháu... (khoảng 30 người) khẳng định ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương là nhà từ đường để thờ cúng tổ tiên. Cha ông chỉ giao ngôi nhà này cho vợ chồng bà Vân ở để chăm sóc, bảo dưỡng. Bà Nguyễn Thị Kim Dung là chị ruột của bà Lang và bà Vân cũng đã có thư (thư này có công chứng từ Hoa Kỳ) bày tỏ sự đau lòng khi biết bà Vân và bà Lang đã kiện nhau ra tòa để giành quyền sở hữu ngôi nhà mà cha mẹ bà đã để lại. Bà Dung cũng thống nhất quan điểm không thể mua bán ngôi nhà này và bà mong muốn hai em gái của bà hòa thuận để cùng chăm sóc ngôi nhà từ đường, làm nơi giỗ chạp hằng năm.

Vụ án vợ chồng em gái kiện đòi nhà của cha mẹ, nơi mà chị ruột và cháu ruột của mình đang sinh sống xem như đã khép lại, với phán quyết của Tòa án Nhân dân quận Hải Châu. Gia đình bà Vân đang sinh sống tại nhà riêng của mình ở số 14 Núi Thành; bà Lang cùng con gái của mình đang sống tại căn nhà tranh chấp đang ngày càng đổ nát vì không thể sửa chữa được. Những người thân khác của bà Vân và bà Lang dù đang sống ở trong nước hay ở nước ngoài đều rất đau lòng khi biết rằng chỉ vì những quyền lợi riêng tư mà tình cảm chị em giữa bà Lang với bà Vân đã trở thành những mối hiềm thù, oán hận...

Chúng tôi thấy rằng, với những chứng lý đã được phân tích trên đây, chỉ có tòa án lương tâm giữa những người con đã được sinh ra và lớn lên dưới mái nhà đang bị tranh chấp này mới có thể hóa giải một cách rốt ráo được... Hy vọng rằng, nguyên đơn và bị đơn trong vụ án này đừng vì những cám dỗ vật chất mà đánh mất đi sự thiêng liêng, cao cả của tình người, tình chị em ruột thịt.         

 Ngày 22-6-2009, từ New York, bà Nguyễn Thị Kim Dung đã có thư gửi cho 2 người em gái ruột của mình là Ngưu Lang và Hồng Vân, bà Dung viết: “Chị có nhận bản copy Tòa án Nhân dân của TP. Đà Nẵng, Việt Nam về việc kiện tụng tranh giành căn nhà hương hỏa của cha mẹ Nguyễn Văn Ong và Nguyễn Thị Long.

Chị rất đau lòng. Dù ai có hay không có quyền sở hữu của căn nhà đi nữa, ai cũng không có thể giành lấy căn nhà này cho riêng tư của mình được. Theo ý kiến của chị, hai em Ngưu Lang và Hồng Vân nên hòa thuận, sống chung với nhau để thờ phụng cha mẹ, tổ tiên cho trọn lòng hiếu thảo của phận con cái. Nhân dịp này, tôi xin quý tòa án xử vụ này với khoan hồng, rộng lượng và công bằng. Tôi hy vọng mẹ con Ngưu Lang được quyền sống trong căn nhà này”.

  
                  

Đơn xin ngăn chặn việc mua bán nhà của ông Nguyễn Văn Lưu (1955) hiện định cư tại Mỹ gửi Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng; Phòng Tư pháp quận Hải Châu; Phòng Quản lý và xây dựng nhà đất quận Hải Châu; Phòng Công chứng thành phố Đà Nẵng ghi rằng: Ngôi nhà 42 Triệu Nữ Vương-TP. Đà Nẵng nguyên là nhà của cha mẹ tôi: Ông Nguyễn Văn Ong và bà Nguyễn Thị Long và 7 người con: Nguyễn Thị Tuyết Nga; Nguyễn Thị Kim Dung; Nguyễn Thị Đào; Nguyễn Thị Hương; Nguyễn Văn Lưu (định cư tại Mỹ); Nguyễn Thị Ngưu Lang và Nguyễn Thị Hồng Vân (Việt Nam). Khi thân phụ tôi mất, ông cụ có ý muốn giao ngôi nhà trên lại cho em gái tôi là Nguyễn Thị Hồng Vân và chồng là Nguyễn Hữu Thanh để chăm sóc, bảo dưỡng làm nhà từ đường thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Vài năm trước đây, một người con trong gia đình là Nguyễn Thị Ngưu Lang hồi hương từ Hồng Kông đã về ở trong ngôi nhà này với một đứa con gái. Nhân chuyến về thăm nhà sau 14 năm xa cách, theo dư luận của bà con nội ngoại và hàng xóm láng giềng phản ánh, tôi biết được những người đang quản lý và ở trong ngôi nhà từ đường của gia tộc tôi có ý định bán đi nhưng giấu giếm không cho tôi biết. Thay mặt cho những người con gồm trai, gái, dâu, rể, cháu nội ngoại độ chừng 30 người đang định cư tại Hoa Kỳ, tôi phản đối quyết liệt ý định bán nhà từ đường để lấy tiền bỏ túi...

                                             
Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.