.
234 hộ dân hiến đất để cải tạo, nâng cấp đường Phạm Như Xương

Bài 1: Khi lòng dân mong ngóng...

.

Tổng cộng có 234/236 hộ dân (trong đó có 48 hộ thuộc diện khó khăn, chính sách và 138 hộ kinh doanh) và 3 cơ quan (Trường ĐH Sư phạm, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Công an phường Hòa Khánh Nam) đã tự nguyện hiến gần 40% quỹ đất (còn lại là mặt đường cũ có diện tích 11.987,2m2) để cải tạo, nâng cấp đường Phạm Như Xương. Để có được kết quả này, ngoài yếu tố lòng dân đồng thuận, phải kể đến những nỗ lực và cách làm của 6 chi bộ Đảng khu dân cư cùng chính quyền phường Hòa Khánh Nam – hai đầu tàu của một “Năm dân vận khéo”.

Con đường vào lòng dân đã mở, sắp tới sẽ khang trang, sạch đẹp, điểm nhấn tiêu biểu của lòng dân và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Đường Phạm Như Xương dài 1,79km, nối từ đường Tôn Đức Thắng (ngay bên cạnh Trường ĐH Sư phạm) đến Công ty 532 với bề rộng 8,5 mét, trong đó mặt đường rộng 5,5 mét, còn lại là vỉa hè đất, từ lâu vừa là con đường huyết mạch đi giữa một khu đông dân cư và sinh viên, công nhân thuê trọ, vừa là mặt tiền kinh doanh của 138 hộ. Thế nhưng, trải qua thời gian sử dụng hơn 10 năm và không có hệ thống thoát nước, đường thường xuyên bị ngập sau một trận mưa; mặt đường bị xuống cấp trầm trọng, nhiều ổ voi, ổ gà, người đi đường thường xuyên chịu cảnh nắng bụi, mưa lầy...

Lòng dân bức xúc, phản ánh, đề đạt nhiều lần và mong ngóng một con đường mới. Các cán bộ chính quyền phường, quận cũng trăn trở, ray rứt không yên vì ngân sách của Nhà nước thì có hạn, vốn đầu tư cải tạo và nâng cấp đường rất lớn, trong khi trên địa bàn quận Liên Chiểu có đến 12 tuyến đường đô thị có thời gian sử dụng hơn 10 năm, đã xuống cấp trầm trọng, lầy lội, đầy ổ gà, ổ voi. Nhận thấy, trong tổng kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, có một khoản rất lớn dành cho đền bù đất đai thu hồi, nhà cửa hai bên đường, một sáng kiến được đưa ra:

Hay là ta thử đề nghị đầu tư cải tạo, nâng cấp đường đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”? UBND quận Liên Chiểu liền chỉ đạo UBND phường Hòa Khánh Nam tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân ở 6 tổ dân phố dọc theo tuyến đường Phạm Như Xương về việc đầu tư cải tạo, nâng cấp con đường theo phương án đền bù “50-50” – nghĩa là Nhà nước đền bù 50% giá trị đất đai thu hồi và 50% giá trị vật kiến trúc bị ảnh hưởng.
 
Chi bộ Đảng, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể và ban điều hành các tổ dân phố 20, 28, 29, 32, 34 và 35 liền phối hợp tổ chức họp dân ngay. Sau khi nghe giải thích, vận động, bà con liền đồng loạt ký tên đồng ý phương án đền bù “50-50”. Phường tổng hợp ý kiến đưa về quận, quận đính kèm gửi đề xuất về thành phố...

Nhưng thành phố tính đi tính lại thấy tổng kinh phí đầu tư xây dựng vẫn cao quá, ngân sách không đủ để thực hiện. UBND quận Liên Chiểu liền tiếp tục chỉ đạo các tổ dân phố tiến hành họp lại dân, lấy ý kiến về việc hiến 100% diện tích đất thu hồi và được hỗ trợ 100% giá trị vật kiến trúc bị ảnh hưởng.

Rõ ràng phương án này khó hơn phương án trước rất nhiều, vật kiến trúc bị ảnh hưởng phần lớn chỉ là tường rào, cổng ngõ, sân nền, mái hiên, một nửa căn nhà, hồ cá, ki-ốt bán tạp hóa…, tính ra giá trị hỗ trợ 100% vật kiến trúc bị ảnh hưởng thì không là mấy so với giá trị đất, bởi đất mặt tiền đường Phạm Như Xương được bán theo giá thị trường đã là 4,5 triệu đồng/m2, mà mỗi nhà đều bị thu hồi sâu từ 3 - 5,5 mét đất.

Rồi chuyện tiền đền bù, hỗ trợ có đủ để tu bổ, xây dựng lại nhà cửa vì đã bị tháo dỡ, đập phá phần phía trước? Định giá vật kiến trúc không đúng gây thiệt thòi, không công bằng?... Rất nhiều cái khó, rất nhiều điều khiến cho người dân phải băn khoăn, lo lắng, tính toán. Mà khó với mỗi hộ dân một thì cũng khó cho chi bộ Đảng khu dân cư gấp nhiều lần, vì làm sao để giải thích cho dân thông, làm sao vận động được đại đa số hộ dân đồng ý hiến 100% diện tích đất thu hồi?

Giữa tháng 5-2009, đúng dịp kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 6 Bí thư chi bộ bước lên bàn chủ trì cuộc họp dân vận động, lấy ý kiến làm đường Phạm Như Xương theo phương án hiến 100% diện tích đất thu hồi, Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị vật kiến trúc bị ảnh hưởng với lòng trĩu nặng. Sau khi công bố chủ trương, liền xuất hiện nhiều tiếng xôn xao, bàn tán, không ít người phản đối.
 
Vậy nhưng kết quả cuộc họp lại thêm một bất ngờ về lòng dân và uy tín cũng như khả năng vận động quần chúng của các chi bộ Đảng, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể và ban điều hành các tổ dân phố khi đã làm cho người dân hiểu được chính họ chứ không ai khác sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất, trong đó có quyền lợi về kinh tế là rất lớn sau khi tuyến đường hoàn thành. Kết quả là 90% hộ dân đã đồng ý hiến đất, có tổ dân phố đạt tỷ lệ hiến đất 100% - một kết quả phản ánh nhiều điều. 
    
(Còn nữa)

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.