.

Mệnh lệnh trái tim người lính Hải quân

.

Năm nay, khí hậu thời thiết thay đổi thất thường. Trên màn huỳnh quang của những “Con mắt thần” xuất hiện những đốm sáng khác lạ. Tin báo về, ngoài kia biển có những đợt “sóng dữ”, điều mà các chiến sĩ Hải quân đã dự tính. Từ Sở Chỉ huy Quân chủng đến Vùng C, các đài trạm ra-đa đều bận rộn hơn và đã sẵn sàng các phương án mới.

Giữ biển bình yên.

“Sự phức tạp trên các vùng biển, đảo mà Vùng C đang quản lý là một thực tế, nhưng khó khăn lớn nhất là yêu cầu không để bị bất ngờ” - Đại tá Ngô Sỹ Quyết, Chỉ huy trưởng Vùng C, người lúc nào cũng gấp gáp, bận bịu, khẳng định với chúng tôi như vậy. Nhưng để có thể phán đoán trước các tình huống, những người lính ở đây đã có cách làm riêng của mình.

Còn nhớ, trong sự kiện bão Chanchu - cơn bão đã cướp đi tính mạng hàng trăm ngư dân miền Trung, có lẽ đến nay ít ai biết rằng, khi nhận được tin cơn bão này ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển có đông ngư dân miền Trung đang đánh bắt hải sản, những người lính biển Vùng C đã nhanh chóng đưa ra các phương án xử lý, đối phó hợp lý và lập tức được cấp trên đồng ý.

Giữa đêm khuya sóng giật, gió gào, hai chiếc tàu của Vùng rẽ sóng tìm tọa độ C sớm hơn 2 ngày trước khi có Công điện của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu cứu giúp. Vì đã neo sẵn ngoài khơi nên khi nhận được lệnh, chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau, tàu HQ-628 đã có mặt tại khu vực xảy ra thảm nạn, khẩn trương cứu giúp ngư dân.

Nhắc lại chuyện này, một ngư dân giờ đây đã là “người nhà” của cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-628 tâm sự: “Nếu tàu ni đến chậm chút nữa thì chúng tôi không về được đất liền để giờ đây ngồi nói chuyện với mấy anh”. Sau cơn bão Chanchu kinh hoàng đó, có lần tiếp chuyện với Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải quân, nhân dịp Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Hải quân vào cứu trợ đồng bào miền Trung, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã khẳng định: “Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã may mắn và tự hào có được một Vùng C Hải quân không những anh hùng trong chiến đấu mà còn rất anh dũng, nghĩa tình trong cứu dân”.

Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Hải quân về tuyên truyền biển đảo, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Hải quân và Vùng C trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, phát triển kinh tế biển, công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
 
Nghị quyết Trung ương 4 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã mở ra cánh cửa cho những con tàu vươn ra biển lớn, và cũng từ đây, trách nhiệm đặt lên vai những người lính biển nặng nề hơn, với mục tiêu nhiệm vụ “Phải giữ biển thật yên để làm giàu từ biển”. Có gì vui hơn khi những người canh biển được ghi công, được thừa nhận, được đặt nhiều niềm tin vào nhiệm vụ nặng nề đó.

Hiện nay, số chiến sĩ trẻ trên tàu ở Vùng C Hải quân chiếm tới 70% lính trẻ toàn Vùng. Đây là một thế mạnh, nhưng đồng thời cũng đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy Vùng những trăn trở trong việc xây dựng cho các đơn vị một lực lượng vững mạnh toàn diện, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Người chiến sĩ Hải quân không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc mà còn có mệnh lệnh trái tim phục vụ nhân dân nói chung và cứu giúp các ngư dân trên biển nói riêng. Dù ở nhiệm vụ nào, người chiến sĩ Hải quân cũng sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Với chúng tôi, đã nhiều lần chứng kiến hình ảnh những người lính biển tất tả lên tàu, lênh đênh giữa biển cả và trong hoàn cảnh đó, đôi mắt của các anh ánh lên niềm khát khao ngày về đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, đồng đội ở đất liền. Chính từ những phút giây đó, chúng tôi càng thấy tự hào, hãnh diện về các anh, vì các anh là những người đang thầm lặng làm nên những chiến công giữa thời bình mà không hề đòi hỏi thiệt hơn.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nhắn tới các chiến sĩ Hải quân Vùng C, đến cuối năm 2010, Vùng C sẽ khánh thành nhà công vụ gồm 220 căn hộ ngay dưới chân núi Sơn Trà để phục vụ nhu cầu nhà ở cho bộ đội. Đó cũng là trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng, của Vùng và cán bộ, nhân dân miền Trung đang dành cho các anh, để bù đắp lại phần nào những hy sinh thầm lặng của các anh trong cuộc sống hòa bình hôm nay.

Bài và ảnh: C.T.V

;
.
.
.
.
.