.

Năm 2010, Quốc hội giám sát chuyên đề việc thành lập trường đại học

.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2010, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học

Quốc hội sẽ giám sát tối cao vấn đề thành lập trường và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học
Tại kỳ họp thứ bảy (dự kiến giữa năm 2010), trong chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Có thể thấy đây là một trong những nội dung đáng chú ý đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ khi cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Trong đó, vấn đề về thẩm quyền quyết định, thành lập, cho phép thành lập trường đại học giao cho Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quá trình thảo luận.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 1998 đến nay có 87 trường đại học được thành lập mới và nâng cấp từ trường cao đẳng. Bên cạnh việc các trường được thành lập, nâng cấp góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội thì cũng còn một số trường mới thành lập có điều kiện dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng đào tạo cũng chưa thực sự cao, gây bức xúc dư luận.

Với hơn 62% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự Luật này ngày 25-11, theo hướng vẫn giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đình chỉ trường đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề được thành lập, chia tách, giải thể… ở các cấp học và trình độ khác nhau.

Và xác định là văn bản luật đặc biệt quan trọng với tính chất quốc sách giáo dục, Quốc hội đã nhất trí thực hiện giám sát chuyên đề như đã nêu trên.

Cũng trong kế hoạch giám sát của Quốc hội vào năm tới, tại kỳ họp thứ tám (dự kiến cuối năm 2010), Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan được giao tổ chức thực hiện Nghị quyết này; đồng thời chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát.

Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.