Trong những ngày này, người dân cả nước nô nức chuẩn bị đón xuân. Riêng ngư dân Định Tân thì ào ào phóng thuyền ra ăn tết tại Hoàng Sa.
Cả làng đi Hoàng Sa
Thuyền trưởng Bùi Tường vừa từ Hoàng Sa trở về
Những ngư dân vừa được nhắc đến trú ở khu vực phía Bắc cửa biển Sa Kỳ thuộc thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. “So với ngư dân đảo Lý Sơn, ngư dân Định Tân ra làm ăn ở Hoàng Sa muộn hơn. Nhưng trong đất liền thì ngư dân thôn Định Tân đi Hoàng Sa đầu tiên” - ông Thanh, một ngư dân địa phương không dấu vẻ tự hào.
Ai là người đầu tiên ở xã Bình Châu ra bám biển Hoàng Sa? Đó là các ngư dân Phạm Văn Quang, Dương Văn Diên, Trương Văn Tày, Dương Văn Nam. Ông Quang kể: “Năm 1984, thời bao cấp, mua xăng dầu, gỗ lạt để đóng thuyền không dễ. Cả làng toàn thuyền nhỏ xíu và thúng chèo. Nhưng tôi day dứt nghĩ, ông bà mình hồi xưa đi chiếc thuyền câu nhỏ xíu mà ra tới Hoàng Sa, còn cả làng mình sao chỉ quẩn trong bờ. Nghĩ là chơi thử liền. Thuyền được đôn be cao thêm 2 gang tay, mua thêm một cái la bàn cũ mèm và nhằm thẳng hướng Hoàng Sa. Chỉ sau 10 ngày, thuyền chở đầy ắp cá về bến. Dân làng Định Tân ùa ra đón. Ai cũng hỏi: Đi Hoàng Sa dễ không, đi theo đường nào? Từ đó, cả làng học theo”.
Theo ông Quang, khát vọng đi Hoàng Sa, những chiếc thuyền công suất nhỏ cũng lên đường. Không có máy định vị, máy thông tin, hải đồ, các ngư dân đã lập trình theo con đường của hải đội Hoàng Sa cách đây hơn 300 năm: Ra đảo Lý Sơn neo trước khu vực âm linh tự Hoàng Sa để làm điểm chuẩn. Đúng 1 giờ sáng thì cho mũi thuyền chạy song song 55 đến 65 độ so với la bàn. Sau 2 ngày 2 đêm thì dải cát vàng của đảo Hoàng Sa hiện rõ phía trước.
“Từ Sa Kỳ chạy 137 hải lý là ra đến đảo Tri Tôn. Từ đảo Ông Già đến đảo Hai Trụ, ngược xuống là đảo Cẩu. Từ đảo Xà Cừ đi bắt kim la bàn 60 độ chạy 28 hải lý là đến đảo Phú Lâm. Nếu bão cấp 7, cấp 8 thì vào tránh bão tại đảo Cây, đảo Tây. Nếu bão lớn thì vào núp gió tại đảo Phú Lâm và đảo Cẩu...”. Hơn 25 năm mưu sinh tại vùng biển Hoàng Sa, nếu nhắm mắt lại, những ngư dân Định Tân cũng có thể liệt kê vanh vách những quãng đường, các kinh độ, vĩ độ như trong lòng bàn tay. Đặc biệt, có nhiều người còn nhớ những hang hốc nằm dưới đáy biển mà họ thường lặn xuống. Riêng những hòn đảo, bãi đá ngầm nhỏ chưa rõ địa danh, ngư dân Định Tân đã đặt cho cái tên của các thuyền trưởng để phân biệt như: Đảo Nam A, đảo Ông Leo, đảo Ba Thọ...
Lộc biển đầu xuân
Năm nay, thời tiết thuận lợi, ngư dân Định Tân đã đi lưới chuồn cồ sớm hơn một phiên so với năm 2009. Mỗi phiên biển kéo dài hơn 20 ngày, tết rơi vào đúng phiên thứ 3.
Sau mỗi chuyến tàu từ Hoàng Sa về bến |
Khác với ngày thường, những ngày này, mỗi chiếc thuyền khi nhổ neo luôn bịn rịn sự chia tay, dặn dò của vợ con các ngư phủ. Trên mỗi chiếc thuyền, ngoài lương thực, dầu mỡ còn chở theo bánh chưng, gà luộc, giò, chả, hoa quả và chục thùng bia Dung Quất để ăn tết ngay tại Hoàng Sa.
Anh Trần Luận, Thuyền trưởng tàu QNG 90306 TS cho biết: “Tôi đã đón giao thừa ngoài đó mấy lần rồi. Tết Kỷ Sửu, đúng 14 tết, thuyền mới từ Hoàng Sa chạy vào chở theo 7 tấn cá chuồn. Khi vừa tới cửa Sa Kỳ, anh em ngư dân reo hò, nhảy nhót như vắng nhà lâu năm mới về. Nhưng 2 bữa sau thuyền lại tiếp tục nhổ neo...”. Theo anh Luận, vào dịp tết, cá được giá, sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền còn lãi được gần 40 triệu đồng. Cộng tiền cá câu làm ngoài giờ, mỗi ngư dân cầm về cho vợ con được 7 - 8 triệu đồng.
Làng An Hải - Sa Kỳ là nơi các thuyền chở lính từ đất liền ra đảo Lý Sơn để nhận lệnh đi lính Hoàng Sa. Các ông tổ ra khai phá đảo Lý Sơn (sau này có con cháu đi lính Hoàng Sa) đều có gốc gác ở cửa biển Sa Kỳ. | |
Bấm đốt ngón tay, ngư dân làng Định Tân đã đón 25 cái tết ngoài Hoàng Sa. Họ đã phải “gồng mình” để bám trụ vùng biển mà cha ông đã một thời dấn thân đi mở cõi. Ông Dương Văn Diên, người đi Hoàng Sa đầu tiên tại Định Tân, giờ tuổi đã cao, sức yếu nên chuyển lái cho cậu con trai đầu, thuyền trưởng Dương Văn Thạch tâm sự: “Đến đời con, rồi qua đời cháu thì dân mình vẫn tiếp tục bám Hoàng Sa”.
Theo Báo Biên phòng