.
Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Núi Thành (26-5-1965 – 26-5-2010)

Chiến thắng Núi Thành - trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ

.

Từ ngàn đời nay, trong lịch sử quân sự, đánh thắng đòn phủ đầu luôn luôn là yếu tố quan trọng cho việc thắng bại của cuộc chiến. Trận Núi Thành năm 1965 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước.

Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, Quảng nam.    (Ảnh tư liệu) 

Những sự kiện nền tảng

Vào năm 1964, Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị kiểm điểm tình hình và đề ra nhiệm vụ mà trọng tâm
có 3 mục tiêu phải thực hiện bằng được: Một là, phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch, giành lại và làm chủ nông thôn đồng bằng, chống càn quét, đánh bại âm mưu bình định trọng điểm của địch, xây dựng vùng giải phóng vững mạnh. Hai là, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, làm tan rã từng bộ phận quân địch, nhất là quân địa phương. Ba là, củng cố, xây dựng phát triển mạnh mẽ lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tăng cường thực lực kinh tế.

Sau một thời gian thực hiện 3 nhiệm vụ này, chính quyền Cách mạng được thành lập ở 115 xã trên tổng số 138 xã trong tỉnh. 380.000 dân vùng giải phóng và vùng tranh chấp thuộc về Cách mạng. Từng đoạn giao thông trên đường số 1, đường 105, đường 16, đường Tam Kỳ-Tiên Phước đều bị ta cắt đứt. Các quận lỵ bị cô lập. Quận lỵ Thăng Bình chỉ còn thôn Hà Lam và một phần thôn Thanh Ly. Lúc này, việc giải phóng những xã ngay sát đường số 1, từ cầu Ông Bộ trở vào An Tân, là nhiệm vụ trước mắt của Tỉnh ủy và Ban Cán sự Tỉnh đội. Trong tình thế lúc đó, với lực lượng quần chúng và vũ trang hiện có, chúng ta hoàn toàn có thể giải phóng từng vùng rộng lớn nông thôn ngay sát các thành phố, thị xã, quận lỵ, kể cả vùng nông thôn sát ngay hai bên đường số 1, làm chủ ban ngày từng đoạn đường quốc lộ.

Mỹ đổ bộ

Đầu năm 1965, chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị phá sản không gì cứu vãn nổi. Trước nguy cơ đó, Mỹ bắt buộc phải tính đến nước cờ liều lĩnh, đẩy cuộc Chiến tranh đặc biệt sang cuộc Chiến tranh cục bộ trên toàn miền Nam. Sĩ quan, binh lính Mỹ trực tiếp tham chiến cùng với những phương tiện chiến tranh hiện đại.

Ngày 8-3-1965, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn 3 thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 1 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng. Tiếp đó, ngày 7-5-1965, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ đổ bộ lên địa phận xã Kỳ Liên nằm sát cảng Kỳ Hà. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã đưa vào đây 5 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, 2 đại đội xe bọc thép M113 và M118, một đại đội pháo tự hành, 5 phi đoàn máy bay trực thăng, 1 phi đoàn máy bay phản lực tiêm kích. Chúng tiến hành khủng bố, đuổi dân 2 xã Kỳ Liên, Kỳ Hà (nay là 2 xã Tam Quang và Tam Nghĩa – Núi Thành) đi nơi khác, lấy đất xây dựng căn cứ Chu Lai, đồng thời triển khai lực lượng chiến đấu, mở nhiều cuộc càn quét nhằm tạo vành đai bảo vệ căn cứ này.

Một tình thế mới của cuộc chiến đấu đã đến. Tỉnh ủy và Ban Cán sự Tỉnh đội đặt ra câu hỏi: Sẽ hành động sao đây? Giữa lúc đó, chúng tôi nhận được chỉ thị của Khu ủy và Quân khu là chuyển hướng từ đánh ngụy sang đối tượng mới là đánh Mỹ. Lúc này, chung quanh các căn cứ của Mỹ ở Đà Nẵng và Chu Lai đang dần dần hình thành các vành đai diệt Mỹ. Các lực lượng du kích của ta, trong quá trình đụng độ với quân Mỹ, đã đánh những trận nhỏ, tiêu diệt quân Mỹ nống ra khỏi căn cứ.

Khi nhận được chỉ thị của Khu ủy và Quân khu, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà và Quảng Nam đưa ra quyết tâm: Chưa giải phóng miền Nam ta còn phải chiến đấu, chiến tranh kiểu gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu, lâu dài bao nhiêu cũng đánh... Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ xâm lược đến cùng, bằng “2 chân, 3 mũi giáp công”, để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Tháng 5-1965, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy khu 5 mở cuộc vận động toàn dân học thư Đảng, phát động phong trào “Toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Bộ Tư lệnh Quân khu họp hội nghị quân chính tổng kết phong trào du kích chiến tranh “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Tỉnh ủy Quảng Đà, Tỉnh ủy Quảng Nam tích cực triển khai chủ trương này thành một phong trào rầm rộ trong vùng giải phóng và vùng tranh chấp.

Đánh Mỹ

Bắt đầu từ đó, các lực lượng du kích tại chỗ của ta đánh thắng nhiều trận nhỏ, tiêu diệt một số lính Mỹ nống ra khỏi căn cứ. Riêng ở vành đai Chu Lai, ngay trong trận đầu tiên, anh em đã loại khỏi vòng chiến 1 tiểu đội Mỹ, thu được 2 khẩu AR15 và một số quân trang quân dụng. Trận đánh này có ý nghĩa lớn đối với chúng tôi hồi đó. Trong lúc bọn xâm lược trang bị tận răng những súng đạn, xe tăng, máy bay hiện đại thì những chiến sĩ du kích nhỏ bé của ta, với súng trường và lựu đạn, đã hạ được những tên Mỹ to lớn. Nhiều dũng sĩ diệt Mỹ đã xuất hiện.

Ngoài huyện Nam Tam Kỳ, du kích các huyện Bắc Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước đều cử đội du kích của mình đến Chu Lai, đưa lực lượng ở vành đai diệt Mỹ này lên đến 400 tay súng. Hồi đó, từ hậu phương - miền Bắc đã chi viện kịp thời loại súng trường nòng dài, có kính ngắm của nước bạn Hungary. Từ công sự ngoài hàng rào, các tay súng thiện xạ của ta bắn tỉa bất cứ tên lính Mỹ nào di động trong căn cứ của chúng, bảo đảm độ chính xác rất cao.

Sự hoảng loạn tinh thần trong lính Mỹ đã bắt đầu xuất hiện. Ngày 11-4-1965, du kích Hòa Phát đã làm nổ tung kho đạn của Mỹ ở sân bay Đà Nẵng, làm cho bọn lính thủy đánh bộ thất điên bát đảo, xe cộ của chúng chạy tán loạn. Ngày 14-4, du kích xã Hòa Quý (Hòa Vang) loại khỏi vòng chiến 10 tên Mỹ. Ngày 18-4, du kích xã Hòa Minh loại thêm 12 tên, du kích Điện Hòa đánh Mỹ tại Hòa Châu, lấy được súng Mỹ. Ngày 17-5, bọn Mỹ ở Chu Lai nống ra phía tây, dùng lực lượng pháo binh cơ giới để yểm trợ cho một đại đội Mỹ lên chốt Núi Thành, du kích xã Kỳ Sanh đã kịp thời nổ súng diệt 4 tên. Những thắng lợi đầu tiên đó tuy còn rất khiêm tốn, nhưng đã góp phần rất lớn vào việc động viên khí thế của bộ đội và nhân dân ta dám đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ.
(Còn nữa)
               
Hoàng Minh Thắng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.