.

Lắng nghe, xúc động... và đồng cảm!

Hành hương về quê Bác, đọng lại trong lòng mỗi người niềm xúc động trước cảnh vật bình dị của quê hương, gia đình, nơi gắn bó với tuổi ấu thơ của Người. Dường như phong cảnh và mỗi hiện vật đều cất lên tiếng nói của nó qua sự cảm nhận của du khách nhưng để sự cảm nhận ấy trở nên toàn vẹn, đầy đủ thì không thể thiếu vai trò của những cán bộ thuyết minh, hướng dẫn. Những ai đã gắn bó với công việc này đều có ý định theo đuổi suốt đời, bởi đó là niềm vinh dự, tự hào và gắn với họ là những kỷ niệm không thể nào quên.

Nói vinh dự, tự hào bởi cán bộ thuyết minh, hướng dẫn là những người đại diện cho người dân quê Bác giới thiệu với du khách gần xa về những hiện vật bình dị mà thiêng liêng, về gia cảnh và những năm tháng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Du khách tham quan đến từ nhiều vùng quê, ở nhiều lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau, vì thế, người cán bộ thuyết minh phải luôn có ý thức sáng tạo để tránh sự trùng lặp, không ngừng nâng cao kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc.

Ngoài nội dung các tài liệu được cung cấp, các chị còn dày công tìm hiểu quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương trong và ngoài nước thông qua các đề tài nghiên cứu như “Bác Hồ với Hải Phòng“, “Bác Hồ với Thái Bình“, “Bác Hồ với miền Nam“... để mỗi khi khách của các địa phương ấy tới tham quan sẽ có điều kiện liên hệ, tăng thêm niềm tự hào và cảm phục của du khách. Ban Quản lý (BQL) Khu Di tích Kim Liên hoạt động phục vụ tất cả các ngày trong năm, kể cả các ngày lễ, Tết nên các chị gần như không có ngày nghỉ. Công việc bận rộn, vất vả, nhất là vào dịp hè, mỗi ngày có tới hàng trăm đoàn khách tham quan nhưng ai nấy đều xác định được phục vụ là được đón nhận niềm vui. Vì thế, vượt qua những khó khăn về khoảng cách đi lại và cả thực hiện thiên chức của người vợ, người mẹ, các chị luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại ấn tượng tốt đẹp, niềm tin yêu, quý mến đối với du khách.

Hầu hết các cán bộ thuyết minh ở Khu Di tích Kim Liên (quê nội, quê ngoại và khu mộ bà Hoàng Thị Loan) đều lưu giữ những kỷ niệm đẹp, sâu sắc và đầy xúc động. Đó có thể là cái nắm tay thật chặt kèm những lời động viên khích lệ, những lời nói, cử chỉ thân thiết hay là những tiếng nấc nghẹn ngào. Có những đoàn khách sau khi về quê, gửi về những tấm ảnh lưu niệm, những bức thư và câu thơ chan chứa nghĩa tình. Nhân đây, chúng tôi xin được kể về những kỷ niệm xúc động của hai cán bộ thuyết minh ở hai thế hệ khác nhau.

Người có thâm niên nhất trong việc thuyết minh là chị Trần Thị Thao (21 năm). Chị có được may mắn, tự hào là một người con của đất Kim Liên, nhà bố mẹ cách nhà nội Bác Hồ chưa đầy 500m. Thuở còn chăn trâu, cắt cỏ quanh khuôn viên di tích quê nội, thấy các đoàn khách tới thăm khi ra về đều xúc động, rơi nước mắt, tò mò, chị lại gần để lắng nghe câu chuyện của người thuyết minh và rất cảm phục, rồi từ đó nuôi dưỡng ước mơ trở thành cán bộ thuyết minh nơi quê Bác. Sau này, khi ước mơ thành hiện thực, vào năm 1994, một lần làm việc ở quê ngoại Hoàng Trù, chị Thao giới thiệu cho đoàn khách từ thành phố Hồ Chí Minh ra.

Có một người dáng cao to, đẹp lão khóc nức nở. Rồi ông lại gần nói: “Cháu ơi! Cho chú được ôm cánh võng để vơi đi nỗi nhớ Bác của đồng bào miền Nam“. Một tay ôm cánh võng, tay kia đặt lên vai chị, người khách nói tiếp: “Cháu ráng giữ gìn sức khỏe để làm tốt công việc của mình nhé! Cháu đã làm cho mọi người rơi nước mắt, mà cháu biết không, những ai biết rơi nước mắt là người có thể biết sửa mình đó cháu ạ! Chú về sẽ truyền đạt lại những lời của cháu cho đồng bào miền Nam“. Rồi cả hai người cùng khóc nức nở. Mãi đến năm 2006, cũng tại quê ngoại Hoàng Trù, có một đoàn khách từ thành phố Hồ Chí Minh chừng 40 người, chị Thao nhận thấy có sự hiện diện của người khách 12 năm trước. Người khách kia có lẽ cũng nhận ra chị nhưng ngại ngần, sợ chị không nhớ, một phần nữa cả hai người sợ không kìm nén được xúc động nên chưa tiện hỏi nhau.
 
Chị Thao chỉ nói với người bác sĩ của đoàn: “Chú ấy đã đến đây 12 năm trước“. Về đến thành phố Hồ Chí Minh, người bác sĩ điện lại và kể cho chị về người khách ấy đã khóc nức nở trên chặng đường về mỗi khi gợi lại ấn tượng quê Bác. Và anh cho biết thêm người ấy tên là Vũ Ba, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7. Hơn một tuần sau, chị nhận được lá thư của chú Vũ Ba với những lời lẽ thân tình, xúc động: “Cháu Thao quý mến! 12 năm trước cháu làm việc thuyết minh, hướng dẫn ở quê Bác, giờ đây trở lại vẫn thấy cháu làm việc này. Cháu làm một việc mà ai lắng nghe thì không thể không xúc động trước sự bình dị của cảnh vật quê hương, gia đình và tuổi thơ của Bác Hồ...”. Từ đó, hai gia đình thường xuyên liên lạc và trở nên thân thiết.

5 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, Phạm Ngọc Lan, cô gái thành Vinh trong một lần về thăm quê Bác đã xiết bao xúc động khi lắng nghe lời các chị thuyết minh. Và Lan cũng ước ao được làm việc như các chị. Vừa đúng lúc có dịp thi tuyển, Lan đăng ký dự thi và trúng tuyển. 5 năm đối với một công việc là quãng thời gian chưa nhiều nhưng Lan đã có những kỷ niệm đẹp để lưu giữ và nó trở thành động lực thôi thúc bản thân không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một lần, Lan thuyết minh cho đoàn khách xã Xuân Tường (Thanh Chương), quê của chồng, trong đó có những người họ hàng bên chồng. Để không ảnh hưởng đến công việc, Lan chưa vội nhận. Xong việc, Lan giới thiệu mình là con dâu của Xuân Tường.

Lập tức mọi người lại vây quanh, bắt tay thăm hỏi và bộc lộ niềm tự hào khi quê mình, họ mình có người con dâu giỏi giang đến vậy. Rồi một lần về quê chồng, khi biết tin, mọi người trong làng, trong họ tìm đến để một lần nữa “xem mặt“ cô dâu thuyết minh ở quê Bác. Lần này, gặp chúng tôi, Lan cầm trên tay tập thư của khách từ trong Nam, ngoài Bắc gửi về.
 
Lan đưa chúng tôi bức thư mới nhất là của ông Phạm Minh Hoan (số 148, khu 17, phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương) in bài thơ “Đến quê Bác“ và “Hãy lắng nghe“. Trang bên ghi dòng chữ bằng nét bút bi: “Sáng 9-5-2010 đoàn Hải Dương về thăm quê Bác, được các cô hướng dẫn viên giới thiệu rất chu đáo, tận tình. Mọi người trong đoàn rất xúc động. Trong đó, có em Phạm Ngọc Lan, người có giọng nói truyền cảm, đi sâu vào lòng người, đem đến bao niềm đồng cảm. Xin gửi Lan và BQL khu di tích Kim Liên hai bài thơ viết về Bác! Ngày 10-5-2010”.

Tháng 5 lại về, hàng vạn lượt người từ mọi miền quê đang hành hương về quê Bác. Về đây, được lắng nghe, xúc động và cảm phục sự nhiệt tình và tài năng của những cán bộ thuyết minh, hướng dẫn.

CÔNG KIÊN

;
.
.
.
.
.