.

Dân kêu trời vì sống chung với mùi hôi thối

.

(ĐNĐT) - Trong nhiều năm qua, gần 100 hộ dân các tổ 18, 19 và 20,  khu vực Hòa Phú (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bức xúc vì phải chịu cảnh “sống chung” với nguồn nước thải đen ngòm, đặc quánh và suốt ngày đêm bốc mùi hôi thối

Khổ vì sống chung với nhà máy tái chế rác thải

Trong tổ 20, có một nhà máy chế biến đồ nhựa phế liệu của hộ bà Nguyễn Thị Tố Lan, chuyên hoạt động về đêm làm cho môi trường sống của người dân bị ô nhiễm khá trầm trọng. Đặc biệt là nguồn nước thải trực tiếp của nhà máy, trong đó có nguồn nước rửa bình thuốc sâu, không qua xử lý mà chảy thẳng ra cống thoát nước chung của khu dân cưn.

Núi rác khổng lồ nằm lộ thiên ngay trước cổng nhà máy tái chế nhựa của gia đình bà Nguyễn Thị Tố Loan khiến người dân bức xúc

Chỉ tay vào “núi rác” nằm ngoài cửa nhà máy, bà Lan, ông Lê Văn Phát, một hộ dân ở gần nhà máy bức xúc: “Từ khi nhà máy này hoạt động, người dân phải sống chung với môi trường ô nhiễm. Nếu mưa lớn, các phế liệu này trôi bồng bềnh rồi tỏa khắp các nhà dân xung quanh, trông phát khiếp”.

Nói về tình trạng mùi hôi phát sinh từ nhà máy xử lý rác, ông Lê Văn Thảnh, Trưởng ban công tác mặt trận khu vực Hòa Phú 2, phường Hòa Minh cho biết, khu vực xung quanh nhà máy tái chế nhựa đã bị ô nhiễm nghiêm trọng một thời gian dài do nguồn nước thải của nhà máy thải ra. Nhiều hộ dân sinh sống xung quanh rất bức xúc, lo lắng về tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý của xưởng nhựa tái chế này. Tổ dân cư 20 đã làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng tình hình chưa được cải thiện.

Ông Thảnh cho rằng, không chỉ khu vực Hòa Phú 2 mà cả khu vực Hòa Phú đều bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ nguồn nước thải của nhà máy tái chế nhựa của hộ bà Lan. Xung quanh nhà máy xử lý rác được bao bọc bởi hàng rào dừng lên bằng những tấm tôn hoen gỉ, bên ngoài hàng rào là một “núi rác” thải không hề được che phủ nên việc mùi hôi phát tán theo gió bay nhanh và bay xa vào khu dân cư là không thể tránh khỏi. Qua tìm hiểu, được biết mỗi ngày nhà máy bà Lan tiếp nhận hàng chục chuyến xe tải chở đầy rác thải nhựa trên địa bàn TP, phần lớn sẽ được tập trung tại ngay bên ngoài nhà máy.

Theo bà Huỳnh Thị Nga, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường quận Liên Chiểu, khi nhận được phản ánh của các hộ dân, Phòng đã tiến hành khảo sát quy trình sản xuất của nhà máy tái chế nhựa, qua đó phát hiện nhà máy chưa xây dựng một bể chứa nước thải theo như cam kết. Chính vì vậy, Phòng cũng đã yêu cầu phía nhà máy phải xây dựng ngay một bể chứa nước thải, nếu tới lần kiểm tra lại vẫn chưa thấy, sẽ lập biên bản cưỡng chế và tiến hành giải tỏa.

Mùi hôi cả xóm

Chỉ tay xuống cống đưa nước thải từ chuồng bò hơn 30 con của hộ ông Bùi Chạy (tổ 19), anh Trần Văn Lịch, tổ 19, phường Hòa Phú 2, nói: “Tất cả rác rưởi, phân từ chuồng bò cứ đổ xả thẳng ra làm cho khu vực này hôi thối quanh năm. Trời nắng thì không dám mở cửa vì mùi hôi thối nồng nặc và ruồi nhặng rất nhiều. Còn khổ nhất vẫn là trời mưa, nước mưa hòa cùng nước phân chảy lênh láng, tràn cả vào các nhà dân bên cạnh”.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân khu vực Hòa Phú cho biết, từ một vài năm trở lại đây, cả khu vực này bị tấn công bởi một mùi hôi kinh hoàng cả ngày lẫn đêm: Mùi hôi chua, nồng và gần đây, thối như mùi phân hầm cầu. Đặc biệt, từ tối đến sáng sớm ,mùi rất đậm làm không khí ngột ngạt, rất khó thở. Một người dân ở tổ 19 than phiền rằng, thời gian đầu xuất hiện mùi hôi, gia đình ông phải đóng cửa cả ngày đêm, xịt dầu thơm, nước hoa nhưng vẫn không thoát khỏi. Chịu hết nổi, nhiều gia đình cũng đã cho thay cửa gỗ bằng cửa kính để chặn mùi hôi song cũng... không ăn thua!

Nhà ông Phạm Binh, tổ trưởng tổ dân phố 19, nơi cách chuồng nuôi bò của hộ ông Bùi Chạy khoảng 400m, nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi. Theo ông Binh, tổ 19 trước kia có tên là xóm Bắc Ninh, trước đó mỗi hộ dân mới chỉ nuôi từ 1-2 con bò làm phương tiện sản xuất. Nhưng từ khi không còn đất ruộng nữa, người dân đã bán bò và làm nghề khác. Tuy nhiên, còn lại 5 hộ thì mua thêm bò lên 20 –30 con. Ông Binh nói: “Giờ anh tới hỏi người dân xung quanh về xóm Bắc Ninh thì có khi ít người biết, chứ anh hỏi vào xóm Bò thì ai cũng biết”.

Đề cập bức xúc này của người dân với Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Nguyễn Văn Cường, ông cho biết: “Chính quyền cũng đã mời các hộ dân nuôi bò làm ảnh hưởng đến người dân lên vận động họ giải tỏa. Đã có hộ ông Nguyễn Tơ chấp hành tốt, còn 5 hộ kia, có lẽ do quá khó khăn trong việc bán 1 lúc vài chục con bò, nên đến thời điểm này họ vẫn chưa làm xong.

Yên Giang

;
.
.
.
.
.