.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ được nghiên cứu toàn diện hơn

.

Chính phủ đồng ý cho tiếp nhận một khoản hỗ trợ kỹ thuật (ODA không hoàn lại) của Nhật Bản là để triển khai nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM.

Kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở cần thiết để xem xét, triển khai các thủ tục đầu tư trong tương lai, đúng như tinh thần Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh Chinhphu.vn

Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần chỉ đạo này của Chính phủ trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay, 31-8, làm rõ thông tin mà một số tờ báo trong những ngày qua đề cập chưa chính xác, làm dư luận khó hiểu về thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, khoản hỗ trợ không hoàn lại này dùng để lập dự án nghiên cứu khả thi nhằm làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, thắc mắc mà báo cáo tiền khả thi với khuôn khổ hạn hẹp chưa đề cập tới hoặc làm rõ được. Cùng với đó, cung cấp thêm nhiều thông tin, phương án triển khai khả thi đối với kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam trong tương lai.

Bộ Giao thông vận tải đang đàm phán với tư vấn về nghiên cứu khả thi, trong đó làm rõ các nội dung như quy hoạch toàn tuyến, vì làm gì cũng phải có quy hoạch trước, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết. Đồng thời, đề cập sâu hơn tới giải pháp công nghệ, xác định tương đối chính xác về hiệu quả kinh tế, về đánh giá tác động môi trường, tác động kinh tế-xã hội, những vấn đề mà Quốc hội đã nêu,

“Việc nghiên cứu này nếu đưa ra kết quả khả thi và hiệu quả sẽ là những cơ sở cần thiết để xem xét tiến hành thủ tục xin chủ trương đầu tư sau này. Không có thỏa thuận ràng buộc kết quả nghiên cứu này với chủ trương đầu tư dự án”, Bộ trưởng Giao thông vận tải khẳng định.

Theo Bộ Giao thông vận tải, báo cáo này sẽ cần khoảng 3-4 năm để xây dựng. Trên cơ sở dự án được lập, Chính phủ sẽ tính toán và cân nhắc thời điểm trình Quốc hội xem xét.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng cho biết, con số chi phí triển khai dự án là 70 tỷ USD như một số tờ báo nêu là không chính xác.

“Quốc hội không phủ nhận hoàn toàn phương án vận tải này mà yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hơn. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng đã nói rõ tinh thần này trong văn bản”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nói rõ thêm về dự án.

Theo Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.