.

Kết nối Đà Nẵng với thế giới

.

Ngày 29-3-1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử xây dựng và phát triển Đà Nẵng với việc thành phố được hoàn toàn giải phóng. Cùng với các bộ phận khác, tháng 4-1975, Phòng Ngoại vụ trực thuộc Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) được thành lập, đánh dấu sự ra đời chính thức của cơ quan phụ trách công tác đối ngoại địa phương.

Diễn đàn Đầu tư - Thương mại - Du lịch EWEC tổ chức tại Đà Nẵng.


Trải qua 35 năm hình thành và phát triển, cơ quan đối ngoại của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và của thành phố Đà Nẵng bây giờ được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, và chính thức mang tên Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng từ tháng 11-1997. Với tên gọi nào, trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các cơ quan đối ngoại đều làm tròn nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh và trưởng thành của thành phố, đồng thời đóng góp vào sự đi lên của nền ngoại giao nước nhà.

Trong những năm đầu sau ngày giải phóng, hoạt động đối ngoại của thành phố tập trung vào việc tuyên truyền về một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết và xây dựng thành phố. Chuyển sang giai đoạn đất nước bước vào công cuộc đổi mới, bắt đầu hội nhập với khu vực và thế giới, đặc biệt từ năm 1997 khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, công tác đối ngoại của thành phố thực sự được chú trọng phát triển trên cả ba trụ cột: Ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.

Hằng năm, thành phố đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách nước ngoài, trong đó có các chuyến thăm của nhiều nguyên thủ quốc gia và các đoàn chính quyền địa phương của nước ngoài. Đà Nẵng cũng cử nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố công tác các nước để mở rộng hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại lớn trong khuôn khổ năm APEC, ASEAN, các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã đưa thành phố lên một vị thế mới như là một địa điểm hấp dẫn cho các sự kiện mang tầm khu vực và quốc tế.

Phát huy đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, đến nay, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 23 địa phương của 11 quốc gia trên thế giới trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, du lịch, v.v… Duy trì mối quan hệ hữu nghị giữa Đà Nẵng và các địa phương nước ngoài đã góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh thành phố tại các quốc gia. Đây cũng là một trong những khởi điểm để các nhà đầu tư nước ngoài xem xét, quyết định các định hướng kinh doanh tại thành phố, giúp Đà Nẵng thực hiện tốt công tác “Ngoại giao phục vụ kinh tế”. Tham gia vào công tác kinh tế đối ngoại chung ấy, Sở Ngoại vụ là đầu mối giới thiệu và hướng dẫn cho nhiều công ty và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Đà Nẵng, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Không chỉ chú trọng công tác đối ngoại Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân cũng không ngừng được củng cố và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong những năm qua, thành phố vận động và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài với giá trị vận động hằng năm đạt từ 130 - 150 tỷ đồng, trong đó riêng Sở Ngoại vụ vận động được trung bình 20 - 30 tỷ đồng/năm. Các dự án phi chính phủ nước ngoài đã góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội như phục vụ các chương trình xóa đói giảm nghèo, “Chương trình 5 không”, “Chương trình 3 có”, đặc biệt là các dự án lớn như Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Ung thư của thành phố.
 
Thấm nhuần chủ trương “Người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là con một nhà của dân tộc Việt Nam”, thành phố luôn mở rộng vòng tay đón bà con kiều bào về đóng góp xây dựng quê hương. Hội thân nhân kiều bào, đến Tổ tư vấn người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập đã giúp bà con kiều bào có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với chính quyền thành phố để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, tính đến nay, đã có 57 doanh nghiệp kiều bào đầu tư tại Đà Nẵng với tổng số vốn 943 tỷ đồng, lượng kiều hối trung bình hằng năm đạt gần 100 triệu USD.

Năm 2004, hoạt động đối ngoại thành phố có một bước phát triển đầy sáng tạo khi văn phòng đại diện thành phố đầu tiên ở nước ngoài được thành lập tại Tokyo (Nhật Bản). Kể từ đó đến nay, Văn phòng đã phát huy tốt vai trò của mình, vận động được 28 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại thành phố Đà Nẵng với tổng số vốn 120 triệu USD, xúc tiến một số dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) quan trọng trong lĩnh vực xử lý nước thải, môi trường. Sự thành lập Văn phòng còn chứng tỏ thành phố đã ngày càng chủ động hơn trong việc quảng bá hình ảnh của mình đến với bạn bè quốc tế.

Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ngày càng coi trọng công tác ngoại giao văn hóa để bổ sung cho hai trụ cột ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, hoạt động đối ngoại của Đà Nẵng cũng đã có những sự điều chỉnh và thích nghi phù hợp. Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế được tổ chức định kỳ hằng năm là một minh chứng sinh động nhất. Đà Nẵng cũng ngày càng được nhiều quốc gia lựa chọn làm địa điểm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, như Liên hoan phim các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức hay biểu diễn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc, Ấn Độ, v.v... Thành phố cũng đã mạnh dạn đưa các yếu tố văn hóa của mình ra nước ngoài, thông qua các hoạt động hợp tác về bảo tồn, bảo tàng, trưng bày hiện vật, giao lưu nhà văn, biểu diễn văn nghệ, v.v…

Chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28-8-1945 – 28-8-2010), mặc dù đối ngoại Đà Nẵng mới chỉ chính thức đi hơn nửa chặng đường đó, nhưng 35 năm cũng là một thời gian dài vừa đủ để xác lập vai trò của đối ngoại thành phố như là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của ngoại giao Việt Nam. Với phương châm “Kết nối Đà Nẵng với thế giới”, các cán bộ đối ngoại thành phố vẫn không ngừng trăn trở làm cách nào để không chỉ đưa thế giới đến với Đà Nẵng, mà còn chủ động đưa Đà Nẵng ra với thế giới.
 
Một sự nghiệp đối ngoại thành công sẽ góp phần xây dựng một môi trường quốc tế hết sức thuận lợi cho thành phố tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tranh thủ sự ủng hộ vật chất và tinh thần nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh của mình một cách sâu rộng và hiệu quả nhất. Đó cũng chính là mong muốn của các cán bộ Sở Ngoại vụ thành phố, được góp phần nhỏ bé đưa thành phố quê hương ngày một vững bước đi lên trên con đường hội nhập.

(Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.