Qua gần 2 năm triển khai và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua đó có giải pháp kịp thời định hướng dư luận xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Đường Phạm Như Xương, con đường của ý Đảng - lòng dân, đang góp phần làm thay đổi diện mạo của quận Liên Chiểu. |
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp, các ngành vận dụng trong thực hiện chủ trương giải tỏa, xây dựng nhiều tuyến đường như công trình đường Nguyễn Văn Linh nối dài (quận Hải Châu), đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn), đường 602, 605, quốc lộ 1A, dự án khu công nghệ cao, công nghệ thông tin tại Hòa Liên, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang); dự án sông Phú Lộc, đường Nguyễn Phước Nguyên, bàu Chính Gián (quận Thanh Khê)... Việc hiến đất làm đường, mở rộng kiệt, hẻm, đường làng, ngõ xóm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể triển khai tích cực.
Các tổ dân phố 20, 25, 28, 29, 32, 34, 35, phường Hòa Khánh Nam vận động nhân dân hiến 7.027m2 đất, tương đương hơn 10 tỷ đồng để làm đường Phạm Như Xương; nhân dân ở hẻm K428/H34 đường Tôn Đản (phường Hòa An) đã hăng hái đóng góp trên 75 triệu đồng xây dựng đường bê-tông dài 110m, rộng 5m… Với mục tiêu xây dựng thành phố “5 không”, trong đó phấn đấu không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người để cướp của, giáo dục thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, cấp ủy Đảng đã chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp vận động nhân dân đấu tranh loại bỏ các loại tội phạm; xây dựng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” về phòng, chống tội phạm như Hội Phụ nữ với mô hình “4 không với ma túy” (1), Câu lạc bộ “Gia đình không có con em vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”; Hội Cựu chiến binh với các mô hình “4 quản” (2), “2 + 1” (3), “3 +1” (4); Hội Nông dân với mô hình “Chi hội không có hội viên và con em vi phạm pháp luật” kết hợp với chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho thanh, thiếu niên hư.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình phù hợp với địa bàn dân cư như: quận Hải Châu có các mô hình “2 phòng kết hợp, 3 liên kết” (Hải Châu 1), “3 liên kết, 3 trách nhiệm” (Bình Hiên), “2 phòng, 3 quản” (Thạch Thang), “Họ đạo tự quản về ANTT” (Thanh Bình); quận Thanh Khê có “Xóm đạo 3 không” (Tam Thuận), “3 cần, 3 có” (Thạc Gián), “3 không, 2 giảm, 4 tự giác” (Xuân Hà), “5+1” trong cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục người vi phạm ANTT (5); quận Sơn Trà với “6 không, 5 gương mẫu” (An Hải Bắc), “5 thực hiện ở tổ dân phố, 5 cam kết ở hộ gia đình” (An Hải Đông), “5 quản, 5 thực hiện” (Phước Mỹ), “Con tàu tự quản, bến bãi an toàn” (Thọ Quang)...
Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp đã có kế hoạch, cách làm tạo sự chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc, giải quyết các công việc của tổ chức, công dân. Cụ thể như UBND quận Thanh Khê xây dựng tác phong, thái độ và tinh thần trách nhiệm tiếp dân với phương châm “Trách nhiệm, chuyên nghiệp và nụ cười công chức”, UBND quận Cẩm Lệ với phương châm “Công tâm, năng động, trách nhiệm”, UBND quận Sơn Trà với cuộc vận động “Không có tiêu cực trong thi hành công vụ và bệnh thành tích trong phong trào thi đua”, Sở Tư pháp thực hiện chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm thi hành công vụ theo phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Sở Ngoại vụ thành lập Tổ tư vấn làm nhịp cầu nối lãnh đạo thành phố với bà con kiều bào trở về Tổ quốc, các “tổ một cửa”, “một cửa liên thông” ở các sở, ngành, chính quyền các cấp đã giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho dân và các doanh nghiệp… Qua những việc làm nêu trên, chính quyền các cấp đã quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Nét nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” là các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy bằng phong trào tiết kiệm giúp hộ đặc biệt nghèo với nhiều mô hình “nuôi heo đất”, “nuôi trâu vàng”, “hũ gạo tình thương”, hũ gạo “Vì người nghèo”… phát triển rộng khắp. Nhiều nơi đã có cách làm “khéo” giúp các hộ nghèo phương tiện xe máy, xe nước mía, máy trộn bê-tông, dụng cụ phục vụ dịch vụ ăn uống, hỗ trợ dạy nghề… để tạo được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Ủy ban Mặt trận, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp có nhiều giải pháp vận động giúp hộ nghèo xóa nhà tạm, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà xuống cấp, giúp các hộ dân sửa chữa nhà do cơn bão số 9 gây ra bằng những “Căn nhà đại đoàn kết”, “Mái ấm Công đoàn”, “Mái ấm tình thương”, “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”...
Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có nhiều hình thức giúp đỡ học sinh bỏ học thông qua việc gặp gỡ phụ huynh, tìm hiểu nguyên nhân và có những biện pháp giúp học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học. Bằng cách đến từng nhà kiên trì vận động, thuyết phục học sinh trở lại trường, tổ chức trao học bổng, cấp xe đạp, sách vở, áo quần, tổ chức phụ đạo học sinh yếu đã giúp học sinh yếu vươn lên trung bình, khá; qua đó góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học từ 0,34% (năm học 2008-2009) xuống còn 0,13% (năm học 2009-2010), chất lượng dạy và học được nâng lên, trật tự kỷ cương của nhà trường được bảo đảm...
Thực tế cho thấy, qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời với việc kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý điều hành của chính quyền, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tìm ra những biện pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, tập thể và cá nhân, giúp đội ngũ cán bộ có nhiều chuyển biến theo hướng sâu sát cơ sở, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.
VÕ VĂN ĐỒNG
(1) Không vận chuyển, không buôn bán, không tàng trữ, không sử dụng.
(2) Quản lý đối tượng, quản lý thời gian, quản lý tiền bạc, quản lý việc học tập, lao động đối với con em hội viên Cựu chiến binh trong độ tuổi thanh-thiếu niên.
(3) 2 CCB cảm hóa, giáo dục 1 đối tượng hình sự, thanh-thiếu niên chưa ngoan.
(4) 1 gia đình CCB liên kết với 3 gia đình kề cận để phòng chống tội phạm.
(5) 5 thành viên thuộc các đoàn thể quản lý 1 đối tượng.