.
Kỷ niệm 65 năm cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2-9

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng

.

Cuối tháng 4-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam nhận được tài liệu của Trung ương, trong đó có Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Tháng 5-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng trên chiếc thuyền tại bến đò Ông Đốc (Đại Lộc).

BCH Đảng bộ tỉnh được bầu ở Đại hội tại Chánh Lộc năm 1948.

Hội nghị Tỉnh ủy quyết định kiện toàn Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh, lấy mật danh là Việt Minh Vụ Quang (1) để công khai tuyên truyền hiệu triệu quần chúng, và củng cố hệ thống Việt Minh từ tổng, xã lên phủ, huyện. Ban Chấp hành Việt Minh Vụ Quang là những đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh xây dựng khu căn cứ cách mạng từ Duy Xuyên-Quế Sơn-Giằng; chú trọng đẩy nhanh việc móc nối xây dựng cơ sở trong thành phố Đà Nẵng, vùng xung yếu, vùng núi; tổ chức đón tiếp tù chính trị trở về bố trí tham gia công tác và liên lạc với các nhà tù để tìm cách đưa cán bộ ra hoạt động.

Tại Hội nghị này bổ sung thêm các đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Chu Huy Mân (Lạc), Huỳnh Đắc Hương, Phan Bá (Phan Bình) vào Tỉnh ủy và phân công đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ phụ trách Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Đắc Hương phụ trách Tiên Phước, Phan Bình phụ trách Duy Xuyên và hội nghị chủ trương tăng cường thêm cán bộ cho Đà Nẵng (2).

Đầu tháng 8-1945, hầu hết các tổng, xã ở huyện Hòa Vang đã lập xong Ủy ban Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Ở khu Tây, khu Đông Đà Nẵng có Ủy ban Việt Minh khu. Trong nội ô, ta có cơ sở và tự vệ mật trong các công tư sở (3). Ngay trong hàng ngũ địch, ta cũng có cơ sở trong đồn bảo an binh Đà Nẵng, trong sở hiến binh Nhật, và một số lính lệ ở phủ, huyện. Số này cung cấp tình hình cho ta và làm nội ứng khi ta khởi nghĩa.

Thời gian này, phong trào cách mạng trong cả nước lên cao. Tại Đà Nẵng, viên Thị trưởng Đà Nẵng tìm đường liên lạc với Việt Minh hy vọng sau này được tha tội chết. Có những tên tay sai gian ác bị Việt Minh cảnh cáo không dám chống phá cách mạng. Bộ máy tay sai Nhật ở cơ sở hầu hết nằm im trước khí thế cách mạng của quần chúng đang lên như triều dâng thác đổ.

Trước tình thế đó, từ ngày 12 đến ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Tòng (Khương Mỹ, Tam Kỳ) bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành thì chiều ngày 13-8-1945, từ Đà Nẵng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vào cấp báo “Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh”. Quán triệt Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Trung ương về các khả năng cuộc khởi nghĩa của ta có thể nổ ra giành thắng lợi, cuộc họp Tỉnh ủy chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền; chuyển tất cả các cấp ủy Đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp thành Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.

Vào tối ngày 14-8-1945, cơ quan Thường trực của Tỉnh ủy và Thường trực Ban bạo động tỉnh ở Bà Rén (Quế Sơn) chuyển ra Bích Trâm (Điện Bàn) để chỉ đạo khởi nghĩa. Một cao trào quần chúng toàn tỉnh sửa soạn khởi nghĩa sôi nổi chưa từng có. Tất cả các cấp ủy Đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp trong toàn tỉnh đã họp cấp tốc và chuyển thành Ủy ban bạo động. Hầu hết các lò rèn trong tỉnh được trưng dụng ngày đêm rèn sắm vũ khí, tự vệ được tập trung túc trực ngày đêm canh gác cùng với Ủy ban bạo động. Nhân dân được lệnh may sắm băng, cờ, chuẩn bị giáo, mác sẵn sàng chờ lệnh.

Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Hội An nổ ra vào mờ sáng ngày 18-8-1945 và nhanh chóng giành thắng lợi. Tin tỉnh lỵ Hội An giành chính quyền thắng lợi khích lệ mạnh mẽ lực lượng khởi nghĩa các phủ, huyện tiến lên. Và chỉ trong vòng từ ngày 18 đến 22-8-1945, các phủ, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc, Hòa Vang giành được chính quyền ở phủ lỵ và huyện lỵ, tổ chức mít-tinh ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời phủ, huyện và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.

Tại Đà Nẵng, Tỉnh ủy chủ trương phải giành chính quyền ở bên dưới trước, khống chế bọn bên trên và khi thuận lợi sẽ công bố giành chính quyền ở thành phố. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - Tỉnh ủy viên, trực tiếp phụ trách khởi nghĩa ở Đà Nẵng. Tối ngày 16-8-1945, Thành bộ Việt Minh thành Thái Phiên họp, bầu ra Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố gồm các đồng chí: Lê Văn Hiến - Chủ tịch, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Trác, Lê Văn Quý, Nguyễn Thị Phi và một số đồng chí phụ trách các ngành...
 
Thực hiện chủ trương trên của Tỉnh ủy, Ủy ban khởi nghĩa thành Thái Phiên chủ trương phối hợp cùng với cả tỉnh và Hòa Vang, Đà Nẵng tiến hành khởi nghĩa ở các xã thuộc Khu Đông và Khu Tây. Ngày 22-8-1945, ở xã Mỹ Khê (Khu Đông), tự vệ và nhân dân giành chính quyền, tuyên bố  thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng  lâm thời xã. Nhân đà thắng lợi, ngày 22 và 23-8 các xã Hà Khê, Thanh Khê, An Khê, Thuận An, Liên Trì... giành chính quyền cấp xã. Trong nội ô, cán bộ ta đã lãnh đạo công nhân và cơ sở làm chủ Sở Công chánh và Đề-pô xe lửa, biến hai nơi này thành nơi sản xuất vũ khí và huy hiệu sao vàng trang bị cho lực lượng tự vệ thành, các phường, xã do cách mạng làm chủ, bộ máy tề thành phố nằm im.

Tối ngày 25-8-1945, đồng chí Lê Văn Hiến từ Quảng Ngãi (4) vừa về đến Đà Nẵng, Ủy ban khởi nghĩa thành phố đang họp liền quyết định phát lệnh khởi nghĩa toàn thành phố vào sáng ngày 26-8-1945. Thực hiện mệnh lệnh trên, đúng 8 giờ sáng ngày 26-8-1945, khi tiếng còi của thành phố vừa vang lên, tất cả lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và cán bộ được bố trí phụ trách từng mục tiêu đã định, đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Lập tức tại các đồn bảo an binh được cơ sở nội ứng của ta  hướng dẫn binh lính, cai đội hưởng ứng cuộc khởi nghĩa đem nộp cho cách mạng 20 khẩu súng. Tất cả các công sở, nhà máy, cán bộ, cơ sở ta đã bố trí tập hợp công nhân, viên chức đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ bộ máy điều hành cũ, thành lập Ban điều hành mới của cách mạng. Tại cuộc mít-tinh lớn tổ chức trước Tòa Thị chính, đồng chí Lê Văn Hiến thay mặt cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành Thái Phiên tuyên bố chính quyền thuộc về tay nhân dân, công bố 10 chính sách của Việt Minh và nhận hồ sơ, ấn tín do Thị trưởng Nguyễn Khoa Phong giao nộp. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Tòa Thị chính Đà Nẵng.

9 giờ sáng ngày 26-8-1945, lực lượng khởi nghĩa ở Đà Nẵng tiếp thu toàn bộ công sở trong thành phố (5). Khắp các công sở và trên đường phố, lực lượng tự vệ vũ trang mang phù hiệu sao vàng canh gác và kiểm soát. Nhân dân phấn khởi hưởng ứng treo cờ. Đà Nẵng rực màu cờ đỏ sao vàng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng đã thành công. Sáng ngày 28-8-1945, tại Đà Nẵng, một cuộc mít-tinh lớn ở sân vận động Chi Lăng được tổ chức mừng khởi nghĩa thắng lợi. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành Thái Phiên do đồng chí Lê Văn Hiến làm Chủ tịch, làm lễ ra mắt trước hai vạn nhân dân thành phố.

XUÂN PHÚC

(Tổng hợp theo Tài liệu Lịch sử công tác Tuyên giáo Đảng bộ thành phố Đà Nẵng 1930-2010)
(1) Vụ Quang là một ngọn núi ở tỉnh Hà Tĩnh, ở đó Phan Đình Phùng phất cờ khởi nghĩa chống Pháp.
(2) Tăng cường thêm Nguyễn Thị Phi, Nguyễn Hồng Minh.
(3) Sở Công chánh, Đề-pô xe lửa, hãng xăng, nhà đèn.
(4)  Lúc bấy giờ, theo sự phân công của Thành  ủy Đà Nẵng, đồng chí Lê Văn Hiến đã đi Quảng Ngãi. “Chuyến đi của đồng chí Lê Văn Hiến là để phối hợp với Quảng Ngãi, tìm giải pháp tốt nhất cho khởi nghĩa thắng lợi, hạn chế thấp nhất việc đổ máu, tạo điều kiện để Nhật thực hiện cam kết không can thiệp vào công cuộc khởi nghĩa ở Đà Nẵng…” (Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, tập I, 1925- 1954, Nxb Đà Nẵng, 1996, trang 101). 
(5) Chỉ còn Kho bạc và Ngân khố Đông Dương là quân Nhật chưa chịu bàn giao, chúng nói còn chờ quân Đồng minh tới giải quyết.

;
.
.
.
.
.