.

Một lời bàn rất nhỏ nhân ngày kỷ niệm lớn

Bản tin trưa ngày thứ bảy 21-8-2010 vừa rồi trên kênh VTV1 Truyền hình Việt Nam đưa hình ảnh và một thông tin - dù đã được nghe nhiều lần, nhưng lần này nghe lại vẫn thấy thật vô lý: Việt Nam chúng ta phải xuất nguyên liệu tre sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ để nhập về… những cây tăm tre!

Như vậy là, người nước ngoài họ đang thắng chúng ta ngay trên sân nhà: Ta đem tài nguyên rất quen thuộc của ta cho họ để rồi họ lại kiếm lời trên chính tài nguyên ấy thông qua những công đoạn sản xuất chế biến chắc chắn là không đòi hỏi sự phức tạp và độ tinh xảo như sản xuất những mặt hàng điện tử! Ngẫm nghĩ để xem cái lý sự đầu đuôi của câu chuyện này ở đâu, thì có thể thấy thế này: Quả là những năm trước đây, nhất là thời bao cấp, người tiêu dùng vẫn quen chấp nhận một thứ tăm “tự nhiên nhi nhiên”, “thật thà như đếm”: Cây tre được chặt ra từng khúc, chẻ ra, rồi chẻ nhỏ nữa, bao giờ nhỏ… như cây tăm thì vuốt cho nó trơn tru đôi chút cho đỡ xây xát răng lợi, sau đó cho vào cái bao ni-lông nhỏ bằng ba ngón tay, đem ra thị trường vẫn được tiêu thụ hết. Trong khi đó, cũng từ nguyên liệu là tre, là gỗ, nhưng thời bấy giờ, thiên hạ chung quanh ta đã nghĩ ra bao nhiêu là mẫu mã, cây tăm trơn bóng, nhìn hộp tăm ngoại như một phát hiện mới lạ, cầm cây tăm lên đã muốn… xỉa răng, mặc dù chưa ăn gì.

Nhưng đó là chuyện những năm trước. Bây giờ thì ta đã đi nhiều, học hỏi được nhiều, mua được nhiều thiết bị làm ra những sản phẩm từ phức tạp đến đơn giản, kể cả thiết bị và công nghệ sản xuất tăm. Vậy mà tâm lý người tiêu dùng vẫn cứ là sính ngoại, vẫn thích xài tăm ngoại! Đó là chưa kể, cũng theo bản tin trên, mỗi năm nước ta phải bỏ ra khoảng 10 triệu USD để nhập về những đồ dùng nhà bếp lặt vặt như giẻ rửa chén bát, v.v… bởi những thứ này thị trường trong nước ưa dùng, có cầu thì phải có cung. Có như vậy mới càng hiểu vì sao gần đây, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phát động những Chương trình hành động kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Nhân ngày Quốc khánh, xin được bàn về một chi tiết thật là nhỏ, nhưng từ đó cũng gợi nghĩ ra những điều lớn lao có liên quan đến tình cảm dân tộc: Đã đến lúc không còn lý do gì nữa để người tiêu dùng Đà Nẵng, người tiêu dùng Việt Nam quay lưng với những sản phẩm vẫn bảo đảm chất lượng như hàng ngoại nhập, nhưng lại do chính người Việt chúng ta tự làm ra.  

NẠI HIÊN

;
.
.
.
.
.