.

Từ nhà chồ đến nhà tầng

.

Cũng như hàng trăm “cư dân nhà chồ” ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, gia đình anh Đặng Văn Mầy (trú tổ 16, phường An Hải Tây) đã đổi đời từ chủ trương quy hoạch, giải tỏa.

Ký ức nhà chồ

 

Mô tả ảnh.

Ngôi nhà 3 tầng khang trang của vợ chồng anh Đặng Văn Mầy.

Anh Mầy sinh trưởng ở vùng đất An Hóa, trong một gia đình nhiều đời làm nghề biển và ở nhà chồ. Anh và chị Bê kết hôn năm 1984 và hai đứa con Đặng Thị Tuyết và Đặng Văn Mây ra đời trong túp nhà chồ xập xệ ở phía đông sông Hàn. Cả gia đình ba thế hệ với hơn chục nhân khẩu sống chen chúc, chơi vơi trong một cái chòi nhỏ trên mặt nước, cách bờ sông đến hơn 200m. Khi thủy triều xuống thì lội lõm bõm trên bùn nước để vào bờ, còn khi thủy triều lên thì chiếc thúng chai là phương tiện duy nhất để nối với nhịp sống của đất liền.

 

Anh Mầy làm nghề biển từ lúc 14 tuổi và đến sau khi cưới vợ vẫn tiếp tục “đi bạn” cho các chủ tàu. Hằng ngày, chị Bê lo giữ 2 con nhỏ, vì sợ chúng nhoi ra cửa và rơi xuống sông. Nước dưới sàn nhà là nơi cả gia đình sử dụng để ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt và bao nhiêu rác thải, chất thải của cả gia đình cũng “tương” xuống ngay dưới sàn nhà… Trong những ngày nước lớn, chị Bê lấy thúng chai chở 2 con vào bờ đi học. Đến khi tan trường, chị lại chèo thúng vào bờ chờ đón con. Nhiều lần các cháu sẩy tay, làm rơi sách vở xuống sông và sau đó phải thức trắng đêm để chép lại bài.

Nghèo khó, gian nan như vậy nên nhiều gia đình nơi đây không cho con đi học, trẻ em lớn lên lại nối nghề chài lưới và trú ngụ trong những căn nhà chồ tạm bợ. Kinh sợ nhất là những lúc mưa bão, gió thổi sàn sạt trên mái tôn nghe rợn cả người, gió lùa hun hút vào các vách ván, lạnh đến buốt xương, còn bên dưới sóng đập ầm ào làm căn nhà nhỏ cứ chao qua chao lại, tưởng như sinh mạng của cả gia đình đang treo trên miệng tử thần.

Cuộc đổi đời kỳ diệu

 
 
Từ những người ở nhà chồ chơi vơi trên sông nước, đến bây giờ có nhà tầng giữa phố phường sầm uất và con cái học hành chu đáo, dân biển chúng tôi luôn hiểu rằng, ngoài nỗ lực của chính mình, kết quả ấy xuất phát từ chủ trương giải tỏa - quy hoạch và những chính sách h
 
ỗ trợ của thành phố.
(Anh Đặng Văn Mầy)

“Cư dân nhà chồ” ven sông Hàn biết ơn lãnh đạo thành phố đã sớm có chủ trương hỗ trợ cho họ được lên cư trú, sinh sống trên đất liền. Bà con không chỉ được tập huấn về kỹ thuật khai thác và được cho vay vốn ưu đãi để cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, mà còn được hỗ trợ kinh phí tạo lập cuộc sống mới với nhiều hình thức như hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ đất ở, miễn giảm tiền sử dụng đất… Những năm gần đây, ngư dân còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như vay vốn lãi suất  thấp, hỗ trợ xăng dầu, phương tiện thông tin.

 

Gia đình anh Mầy và rất nhiều hộ khác được thành phố cấp một lô đất rộng 100m2  tại khu vực An Thuần. Vợ chồng anh vay 200 triệu đồng cùng một ít tiền dành dụm mua một chiếc tàu 33CV để vươn khơi làm nghề giã cào. Anh Mầy vừa dày dạn kinh nghiệm làm biển, vừa học được nhiều kiến thức mới nên khai thác đạt năng suất cao. Lúc này, các con cũng đã lớn nên chị Bê có thời gian buôn bán cá.

Hai vợ chồng cùng tảo tần, đến 2 năm sau mua thêm một chiếc tàu lớn để làm nghề giã cào đôi và sau đó lần lượt đóng mới 2 tàu 66CV để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Năm 2003, anh chị lại hoán đổi thành 2 tàu cao tốc 270CV và liên tục bám biển khai thác. Hai  tàu cao tốc này hiện có 14 lao động, mỗi tháng đi 2 chuyến biển, trừ hết các khoản chi phí, trung bình mỗi chuyến lãi từ 40-80 triệu đồng. Hội Nông dân quận Sơn Trà cho biết, đôi tàu cao tốc của anh Mầy là 2 chiếc tàu cá lớn nhất hiện nay trên toàn quận.

Chị Bê bộc bạch: Năm 1999, vợ chồng chị mua lô đất 125m2  trên đường Trần Hưng Đạo và xây ngôi nhà 3 tầng. Tại đây, chị mở quán cà-phê để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học. Không những thế, vợ chồng anh Mầy còn mua sắm nhiều trang thiết bị đánh bắt tân tiến và vừa mới mua tiếp 2 lô đất ở Khu đô thị mới Vũng Thùng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).

5 người con mang tên Mây, Gió, Tuyết, Sương và Bão giờ đây đã trưởng thành. Cậu bé Mây ngày nào đã trở thành kỹ sư Bưu chính viễn thông với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi và được 2 cơ quan tuyển dụng. Người con trai thứ Đặng Văn Gió hiện đang là sinh viên năm thứ ba Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Nhờ kết quả học tập tốt, Gió đã được chọn vào danh sách sinh viên học liên thông lên đại học. Hai cô gái Đặng Thị Tuyết và Đặng Thị Sương đều học hết lớp 12, Tuyết đã lập gia đình riêng, còn Sương làm công nhân tại Khu Công nghiệp An Đồn. Cậu con út Đặng Văn Bão đang dốc tâm dốc sức với năm học cuối cấp THPT và quyết tâm nối gót 2 anh bước vào giảng đường đại học.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.