.

Để trở thành Thành phố môi trường mang tầm quốc tế

.

“Làm gì để có thể thúc đẩy Đà Nẵng phát triển với vai trò đầu tàu trong quá trình tăng trưởng bền vững của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) và của Việt Nam, đồng thời trở thành Thành phố môi trường có khả năng cạnh tranh mang tầm quốc tế, chứ không đơn thuần chỉ là thành phố không ô nhiễm?”. Đó là câu hỏi mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nỗ lực tìm kiếm trong nghiên cứu Chiến lược phát triển liên kết thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận (gọi tắt là DaCRISS) được triển khai hơn 2 năm qua.

Mô tả ảnh.
Ngắm phố phường tươi đẹp bằng xích lô - một thú vui của du khách quốc tế khi đến Đà Nẵng.

Với tầm nhìn trở thành Thành phố môi trường, nên đối với Đà Nẵng, vấn đề môi trường đặt ra không chỉ là một phần trong quá trình phát triển mà phải đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố. Để đạt được điều đó, thành phố cần có một quy hoạch tổng thể mang tầm chiến lược mà trong đó, nội dung môi trường phải được đặc biệt quan tâm.

Theo DaCRISS, mặc dù sự phát triển của miền Trung từ lâu được coi là một chính sách quan trọng của Chính phủ nhưng gần đây, các dự án và quy hoạch mới bắt đầu được triển khai. Vì vậy, vẫn còn nhiều điều cần phải bàn về công tác phối kết hợp giữa các quy hoạch, dự án thành một chiến lược phát triển tổng thể cũng như những vấn đề liên quan đến tác động cả tiêu cực và tích cực về môi trường, điều kiện sống, dịch vụ đô thị...

Trong thời gian qua, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã đạt được những thành quả to lớn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Đà Nẵng đứng trước nhiều thách thức và áp lực to lớn, mà thách thức lớn nhất đó là các vấn đề về môi trường sống. Do vậy, việc xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố môi trường có khả năng cạnh tranh mang tầm quốc tế, chứ không đơn thuần chỉ là thành phố không ô nhiễm là việc làm vô cùng cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân.

Có thể nói, so với các tỉnh, thành trong cả nước, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi khi xây dựng Thành phố môi trường. Là một thành phố trẻ năng động, có vị trí địa lý khá lý tưởng về môi trường sinh thái, một bên là núi, một bên là biển, mật độ dân số không cao và sản xuất công nghiệp có khả năng kiểm soát được về mức độ ô nhiễm. Thành phố đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp, trong đó tỷ trọng dịch vụ trong GDP được định hướng chiếm trên 60% GDP đến năm 2020. Đó sẽ là những điều kiện tiên quyết cho các chính sách về môi trường.

Tiến sĩ Iwata Shizuo, Trưởng Đoàn nghiên cứu Chiến lược phát triển liên kết Đà Nẵng và vùng phụ cận cho rằng: “Vai trò của thành phố Đà Nẵng trong tương lai là hết sức quan trọng, bởi vì Đà Nẵng phải phục vụ không chỉ cho người dân Đà Nẵng mà cả các tỉnh, thành khác ở khu vực miền Trung. Miền Trung không thể phát triển nếu không có sự phát triển của Đà Nẵng và Đà Nẵng cũng không thể phát triển nếu không có sự phát triển của miền Trung. Để tối ưu hóa những tiềm năng của các tỉnh trong sự liên kết, Đà Nẵng phải đi đầu và làm động lực phát triển. Đà Nẵng phải là một cửa ngõ cạnh tranh kết nối trực tiếp với các thành phố lớn trên thế giới và cung cấp dịch vụ đô thị chất lượng cao cho cả miền Trung. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ chủ trương hiện nay của Đà Nẵng sẽ trở thành một Thành phố môi trường”.

Theo tính toán, hiện mỗi ngày toàn thành phố thải ra khoảng 100.000m3 nước thải (40.000m3 là nước thải công nghiệp) và phần lớn trong số đó đều thải trực tiếp ra sông, hồ. Điều này khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó là vấn nạn chất thải rắn. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày Đà Nẵng thải ra không dưới 1.200 tấn rác và sẽ tăng lên trong những năm tới. Điều đáng nói là việc phân loại, xử lý rác thải của Đà Nẵng hiện chưa được thực hiện rốt ráo. Cây xanh của Đà Nẵng hiện cũng rất ít.

Cho nên, việc xây dựng Thành phố môi trường đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, những hoạt động thực sự mạnh mẽ và hiệu quả từ cả chính quyền và người dân. Chính quyền đã có những giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường bằng việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, các trạm xử lý rác thải và sẵn sàng đầu tư cho các hoạt động cùng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. 

Quy hoạch phát triển không gian đô thị cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố phải được đặt trong mối tương quan mật thiết với vấn đề môi trường, môi sinh như là một sự bảo đảm đầu tiên và chắc chắn cho việc thực hiện đề án môi trường này. Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực của con người và trang thiết bị, máy móc hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc kiểm soát và cải thiện môi trường sẽ là một giải pháp rất quan trọng và cần thiết.

Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp giảm thiểu và thích nghi để giải quyết vấn đề mực nước biển dâng cao, lũ lụt, các cơn bão có cường độ mạnh và các tác động khác đến con người; các vấn đề an toàn thực phẩm và cơ hội kiếm sống, bao gồm việc bảo vệ và quản lý các nghề cá nước ngọt, nuôi trồng thủy sản bền vững và du lịch bền vững. Đà Nẵng quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giảm thiểu xe máy dùng xăng trong thành phố, các hoạt động phủ xanh đô thị, tiện nghi công cộng cần được chú ý...

Tiến sĩ Iwata Shizuo cũng kiến nghị: Khái niệm Thành phố môi trường ở đây phải được mở rộng hơn nữa, chứ không chỉ là loại bỏ ô nhiễm. Điều đó có nghĩa rằng mục tiêu tối thiểu của Đà Nẵng phải là không ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất… Đó là toàn bộ hệ thống đô thị phải hướng đến môi trường, thân thiện với môi trường.

Quản lý môi trường sẽ không chỉ tập trung vào kiểm soát các ngành công nghiệp ô nhiễm, mà còn bảo tồn hệ sinh thái và cây xanh để bảo vệ thành phố chống thiên tai, bão lũ. Khi đó, mọi người hiểu đầy đủ và công nhận tầm quan trọng của các hoạt động môi trường và sẽ ủng hộ cho hoạt động môi trường tại gia đình và cộng đồng. Nếu làm tốt được vấn đề này, Đà Nẵng có thể trở thành Thành phố môi trường thật sự để đem lại lợi ích cho con người, thu hút đầu tư chất lượng và du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.