Chương trình “Thăng Long-Hồn thiêng sông núi” do Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Mai Linh phối hợp tổ chức, xuất phát từ Đồng Tháp ngày 26-9, đi qua suốt dặm dài đất nước, hôm nay (8-10), 1.000 anh hùng, Bà mẹ VNAH đã về đến Thủ đô Hà Nội, và tối nay, tại Thủ đô ngàn năm văn hiến sẽ diễn ra Cuộc giao lưu “Thăng Long-Hồn thiêng sông núi/Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
Một tiết mục hát múa của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 5 biểu diễn trong chương trình giao lưu. |
Đây là một trong tổng số 7 đêm giao lưu hết sức đặc sắc, hấp dẫn và giàu ý nghĩa hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nhân dịp này, Báo Đà Nẵng giới thiệu cùng bạn đọc những chuyện kể đặc biệt xúc động của 4 nhân chứng lịch sử tham gia Đêm giao lưu “Thăng Long-Hồn thiêng sông núi” với chủ đề “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” tổ chức tại Đà Nẵng vào tối ngày 1-10.
Trong Chương trình giao lưu Thăng Long-Hồn thiêng sông núi với chủ đề “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương vào tối ngày 1-10, câu chuyện của 4 nhân chứng lịch sử đã làm cho khán giả hết sức xúc động và có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ.
Thiếu tá Phạm Mãn, quê ở Quảng Nam, là một trong những đồng chí đầu tiên làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn và liên tục công tác trên tuyến đường này cho đến ngày nước nhà thống nhất, kể lại buổi đầu mở đường đầy gian nan, thử thách. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bí mật khảo sát, lần dò, đi qua những dải rừng, vách núi chưa hề có sự sống của con người theo phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Trong những ngày đầu tiên ấy, đơn vị của ông có 11 đồng chí đã chết đói vì lương thực mang theo đã cạn mà không tìm được nguồn hậu cần tại chỗ. Nhiều đồng chí bị ốm, bị sốt, nhưng tinh thần và ý chí của họ vẫn không gì lay chuyển được. Chính vì vậy, đường Trường Sơn không ngừng phát triển, ngày càng có thêm nhiều tuyến dọc, tuyến ngang. Tất cả cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên Trường Sơn đều hiểu rằng: Đường Trường Sơn càng vươn xa thì con đường giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà càng gần lại và đúng như lời thơ Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
AHLLVTND Phạm Thị Thao, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải 232 kể lại kỳ tích của một tiểu đoàn hơn 600 chiến sĩ, toàn là phụ nữ còn rất trẻ, mang nặng thù nhà nợ nước với quyết tâm “Đạp 50 cân xuống đất, vất 70 ký sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ”. Chị Thao nhấn mạnh: Ngày ấy, chúng tôi ai cũng ra sức thi đua tăng ca, tăng chuyến và đã làm nên biết bao thành tích phi thường. Nhiều chị em đã mang trọng lượng hàng gấp đôi trọng lượng cơ thể, nhiều chị em kiên cường vượt qua trọng điểm đánh phá của địch để kịp đáp ứng nhu cầu của đơn vị chiến đấu.
Trong những năm tháng ác liệt ấy, Tiểu đoàn 232 có hàng trăm đồng chí hy sinh, bị thương, bị ảnh hưởng chất độc da cam. Chị Thao kể lại trường hợp hy sinh của chị Trần Thị Lau làm cả hội trường ai cũng rưng rưng nước mắt. Chị kể rằng, chiều hôm ấy, chị em làm nhiệm vụ vận chuyển súng và đạn cho một đơn vị bộ đội. Trời mưa, nước suối dâng cao, tiểu đoàn tổ chức cột dây băng qua suối để chị em bám dây vượt qua. Chị Lau đang chỉ huy bộ phận vượt suối đầu tiên thì bất ngờ bị một cơn nước xoáy cuốn trôi và khó khăn lắm, đơn vị mới vớt được xác chị. Đau thương khôn cùng, nhưng ban chỉ huy tiểu đoàn chỉ để lại 5 chiến sĩ lo mai táng chị Lau, còn tất cả tiếp tục vượt suối để đưa súng đạn đến kịp giờ chiến đấu.
Hai Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Bảo Xy và Trần Thị Chính kể lại những chiến công trong thời đánh Mỹ. |
AHLLVTND Đặng Bảo Xy ở quận Liên Chiểu, tham gia biệt động thành Đà Nẵng từ khi mới 11 tuổi, 15 tuổi bị địch bắt và bị giam cầm, đánh đập dã man và bị đưa đi qua nhiều nhà tù của địch, đã kể lại những thủ đoạn tra tấn tàn bạo của quân thù và khí tiết kiên trung của người cộng sản. Bằng lời kể mộc mạc, chân thật, ông đã làm cho thế hệ trẻ thấu hiểu sâu sắc ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ bị địch bắt tù đày và tinh thần đấu tranh biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Đặc biệt, câu chuyện của AHLLVTND Trần Thị Chính ở quận Hải Châu làm cho ai cũng cảm phục. Cha của chị bị giặc sát hại dã man, thi thể bị chúng cắt thành hai khúc, lòng căm thù giặc trong chị càng thêm nung nấu… Chị làm giao liên cho lực lượng biệt động thành, đã từng bắt sống giặc Mỹ và đã lập bao chiến công hiển hách. Trong một trận càn của địch, trong vai một người dân, chị đã kéo mạnh tên chỉ huy địch và lăn xả vào đầu xe tăng, không cho chúng càn vào đám mía, vì đó là “miếng ăn của cả gia đình chị”, buộc tên chỉ huy phải hạ lệnh cho bọn lính lái xe tăng vòng tránh đám mía, và thế là, chị đã cứu được hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang ẩn trú trong đám mía ấy.
Trong những năm kháng chiến, chị Chính đã bị thương và trên thân thể chị chỉ còn một mắt, một tay và một chân, nên đồng đội thường gọi chị bằng cái tên thân mật: “chị Ba Một”. Chị đã đọc hai câu thơ nói về mình, ai nghe cũng cảm thấy nghẹn ngào: “Một chân, một mắt, một tay/Một mình rồi lại loay hoay một mình”. Người nữ anh hùng này hằng mơ ước được một lần ra Hà Nội để viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vì điều kiện kinh tế mà mãi vẫn không thực hiện được.
Thấu hiểu nguyện vọng của chị Chính, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy đã hỗ trợ kinh phí cho chị được ra Thủ đô, viếng Bác Hồ. Như vậy là mơ ước của chị đã thành sự thật và chị càng thêm hăng say tham gia các hoạt động nhân đạo tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác. Bây giờ, chị chỉ ước ao có sức khỏe để tiếp tục tham gia công tác nhân đạo-từ thiện và mong muốn thế hệ trẻ ra sức học tập, phấn đấu, làm tròn trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: VĂN THƠM