.

Vất vả nghề bưu tá

.

Thời kỳ đất nước còn trong chiến tranh và khi ngành Viễn thông và Internet chưa phát triển, những bưu tá được ví như “những cánh chim” báo tin vui đến mọi nhà. Đến thời đại của công nghệ thông tin và kỹ thuật số, niềm vui mà những bưu tá đem đến cho người nhận vẫn không hề thay đổi, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng, với khu vực thành thị thì sao?

Giữ “ ma trận” địa chỉ

Mô tả ảnh.
Nghề bưu tá ngày càng áp lực do “ma trận” địa chỉ.

Anh Hồ Văn Toàn, tổ trưởng Tổ bưu tá Đà Nẵng 1 cho biết: Công việc của bưu tá sẽ giảm bớt “gánh nặng” nếu người gửi thư ghi đúng địa chỉ của người nhận bao gồm số nhà, đường phố, tên quận (huyện), thành phố, tỉnh. Một công thức tưởng chừng như đơn giản đối với người sử dụng dịch vụ thư tín nhưng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhiều khu dân cư chưa có tên đường, số nhà mới, do đó số lượng thư theo địa chỉ cũ,  địa chỉ không cụ thể hoặc không ghi địa chỉ… ngày càng nhiều và trở thành áp lực đối với đội ngũ bưu tá.

Anh Toàn kể, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, công văn của các cơ quan Nhà nước như Tòa án, Viện Kiểm sát, Thuế… gửi đến công dân thường căn cứ theo địa chỉ tại sổ đăng ký hộ khẩu gia đình được cấp từ lâu. Lúc đó, địa chỉ thường là tổ dân phố, phường hoặc thôn, xã… Đến thời điểm này, hệ thống địa chỉ này đã lạc hậu. Bưu tá phải tự tìm hiểu, hoặc phải tìm sự trợ giúp từ tổ trưởng dân phố. Nhiều khu dân cư mới chưa có số nhà, tên đường, người dân phải dùng địa chỉ theo số lô (ví dụ lô B1 khu dân cư Nguyễn Tri Phương; khu dân cư dự án cầu Thuận Phước…). Đối với những tuyến đường mới được đặt tên và có số nhà, nhưng chủ nhà không thông báo, người gửi thư vẫn lấy số lô khu dân cư, bưu tá lại rất vất vả “tìm quy luật” để quy đổi vị trí các lô thành địa chỉ số nhà, tên đường mới. Công việc này tốn rất nhiều thời gian.

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty TNHH, Văn phòng đại diện các báo tại Đà Nẵng, thường xuyên thay đổi địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo địa chỉ mới cho các đối tác có liên quan. Anh Toàn cho biết, bưu tá phải gọi điện đến tổng đài 116 hoặc 1080 mới “lần ra dấu vết”.

Ý thức của người sử dụng dịch vụ cũng gây nhiều khó khăn cho bưu tá. Anh Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Vận chuyển cho biết: Đến nay, rất nhiều thư từ các tỉnh, thành cả nước gửi về vẫn còn ghi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong quá trình khai thác, chia chọn, nhân viên khai thác địa phương khác chỉ quan tâm đến địa danh cuối của địa chỉ là Đà Nẵng, do đó rất nhiều công văn, thư từ của các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam được chuyển cho Đà Nẵng. Có trường hợp ghi gửi Sở Công thương - Hà Tĩnh nhưng địa chỉ nhận là 143 Trần Phú - Đà Nẵng, hay như Công ty Xuất khẩu lâm sản ở Hà Nội thường xuyên gửi thư cho khách hàng tại Đà Nẵng với số lượng lớn, mỗi lần gửi cước phí cả triệu đồng nhưng lại ghi gửi 365 Hải Châu, 153 Thanh Khê…

Đơn vị đã báo cho công ty này nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục gửi về. Nhiều thư từ chỉ ghi Trường tiểu học Lê Lai (Đà Nẵng có 2 trường cùng tên), bưu tá đành phải phát ở trường này không phải thì sang trường kia. Phát tại địa chỉ những nhà cao tầng cũng là vấn đề “nan giải” đối với bưu tá vì không có thùng thư bưu chính, họ phải phát tận từng tầng, từng phòng, vừa rất mất công sức vì phải leo cầu thang bộ, xe máy để ở dưới sân không ai trông coi.

“Việc ghi địa chỉ như vậy là nguyên nhân gây khiếu nại mỗi khi thư, báo tới chậm hoặc không phát được. Trách nhiệm đầu tiên “quy” về bưu tá, chứ không ai nghĩ đến phần lớn những lỗi này thuộc về người gửi thư”, anh Toàn ngậm ngùi.

Trăn trở

Mô tả ảnh.
Bưu điện Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, công nhân viên. Trong ảnh: Tại cuộc thi Phụ nữ hai giỏi hằng năm.

Khi được hỏi bưu tá phải làm gì để giải quyết những khó khăn trên, anh Toàn nói rằng họ phải thường xuyên kết hợp khảo sát, kiểm tra đường thư, nắm vững địa bàn để nâng cao chất lượng phát thư báo, bên cạnh đó là sự tận tụy. Theo đúng quy định, nếu thư không có địa chỉ rõ ràng, bưu tá có thể chuyển hoàn, nhưng với lương tâm nghề nghiệp, các anh đều nỗ lực tìm kiếm, bất đắc dĩ mới chuyển hoàn. Các bưu tá đều có “tấm bản đồ riêng” qua quá trình tích lũy kinh nghiệm của mình.

Tuy nhiên, nỗ lực cũng như những khó khăn, vất vả của bưu tá đôi khi không nhận được  sự thông cảm của người dân. Anh Toàn nói rằng: Bây giờ, phần lớn là thư quảng cáo, thương mại, tiếp thị sản phẩm, yêu cầu nộp tiền một số dịch vụ như bảo hiểm, giấy triệu tập của các cơ quan tư pháp, hành pháp… nên người nhận thường có thái độ hững hờ, vô cảm, làm cho bưu tá không khỏi “chạnh lòng”. Thêm vào đó, bưu tá phải làm việc ngoài trời trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, lại có hệ số lương thấp nhất trong ngành Bưu chính-Viễn thông. Do đó, phải thực sự yêu nghề, bưu tá mới trụ được với nghề.

Thanh Huy

;
.
.
.
.
.