.

Giãn dân - lời giải cho một đô thị bền vững

.

Trong quá trình đô thị hóa, nếu không có những định hướng quy hoạch một cách khoa học sẽ để lại những hậu quả xấu cho một đô thị. Có thể nói giãn dân là bài toán hữu hiệu để giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa của các đô thị lớn, bảo đảm cho một đô thị bền vững.

Mô tả ảnh.
Nhà cửa khang trang bên đường ĐT 605 xã Hòa Tiến, Hòa Vang.Ảnh: Nhân mùi

Đà Nẵng là thành phố lớn nhất miền Trung, nơi có tốc độ đô thị hóa cao so với cả nước. Đà Nẵng cũng là thành phố đi đầu trong quá trình quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Theo các nhà quy hoạch, dù chưa phải tốt nhất nhưng Đà Nẵng đã làm được điều mà nhiều đô thị lớn của nước ta mơ ước, đó là “đô thị sạch – đẹp - an toàn và thuận tiện”.

Từ năm 1997 đến nay, diện tích đô thị Đà Nẵng đã tăng lên gần gấp đôi. Dù dân số biến động theo chiều hướng tăng nhưng Đà Nẵng vẫn là thành phố có mạng lưới giao thông nội đô tốt vào hàng bậc nhất của nước ta. Việc quy hoạch những tuyến đường khoa học, giải phóng được những nút thắt giao thông, cùng với đó là xây dưng thêm nhiều cây cầu nên đã hóa giải được bài toán kẹt xe mà nhiều đô thị lớn đang đau đầu. Vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe ít khi xảy ra. Nhưng, để đô thị phát triển hài hòa và bền vững, giãn dân là giải pháp tối ưu.

1- Quy hoạch - xây dựng các khu dân cư mới: Đà Nẵng hiện đang quy hoạch và xây dựng hàng chục khu dân cư mới xa trung tâm thành phố với bán kính hơn 10km. Điển hình là các khu dân cư Nam Cẩm Lệ, Hòa Minh, Hòa Hiệp - Nam Ô, Hòa Hải… Các khu dân cư trên đã đưa vào sử dụng, hệ thống hạ tầng cơ sở bảo đảm, thuận lợi nên người dân rất yên tâm sinh sống. Việc mở rộng các khu dân cư với bộ mặt khang trang nên đã giảm được áp lực việc tập trung vào các khu trung tâm thành phố, giảm sức ép về môi trường, giao thông, an ninh trật tự…

2- Xây dựng các khu đô thị vệ tinh: Bên cạnh các khu dân cư mới, để giảm sức ép cho khu trung tâm, cần thiết mở rộng các khu đô thị vệ tinh cách xa trung tâm với hệ thống giao thông thuận lợi và đáp ứng được nhu cầu học tập, chữa bệnh, mua sắm cho người dân. Điều này đã được thể nghiệm thành công ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

3- Xây dựng các khu vui chơi giải trí, thương mại, trường đại học xa trung tâm thành phố: Vừa qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời sân vận động ra ngoài trung tâm thành phố và sẽ xây dựng sân vận động mới tại phường Hòa Xuân – KDC Nam Cẩm Lệ. Mới nghe qua, nhiều người chưa đồng thuận, nhưng về lâu dài, đây là điều tất yếu phải làm. Theo nguyên tắc, sân vận động, sân bay, nhà ga không nên đặt ở trung tâm thành phố. Nếu sân vận động trung tâm được xây dựng mới tại phường Hòa Xuân sẽ giảm được áp lực kẹt xe cho thành phố. Bên cạnh đó sẽ thu hẹp khoảng cách về mặt kinh tế - điều kiện sống tại các khu trung tâm và vùng ven đô. Một khi những khu dân cư xa thành phố được thụ hưởng những nhu cầu cần thiết, không phụ thuộc vào khu trung tâm thì bài toán giãn dân đã được giải. Đô thị sẽ được mở rộng và phát triển hài hòa, đó là tiêu chuẩn và hình mẫu của một đô thị hiện đại.

Đỗ Vinh

;
.
.
.
.
.