.

Nước Nga, không chỉ là hoài niệm

.
Nước Nga 20 năm trước trong tôi là những cánh rừng vàng rực lá phong mùa thu chạy dài tít tắp. Từng chiếc lá phong vàng mỏng manh, lóng lánh sương rơi nhè nhẹ. Tươi mới và rực rỡ quá khiến không ai nỡ chạm tay vào. Những buổi chiều tĩnh lặng trong công viên mùa lá đổ, thấp thoáng bóng đôi tình nhân.

Mô tả ảnh.
Quảng trường Đỏ đêm giao thừa. (Ảnh tư liệu)
 
Càng về cuối thu, lá phong càng đậm sắc đỏ để đến một lúc nào đó, lá rụng dày hơn, nhanh hơn, chỉ để lại những hàng cây trơ trụi, xơ xác. Cái trơ trụi ấy cũng có vẻ đẹp riêng của nó nếu biết rằng đó là giai đoạn cây đang khát nhựa sống của mùa xuân. Nhưng muốn vậy, cây phải trải qua sự khắc nghiệt của tuyết mùa đông.

Tuyết mùa đông rải như lụa óng trên phố phường. Cúi xuống vốc một nắm tuyết trong tay, áp vào má để cảm nhận cái giá rét mùa đông nước Nga. Nhưng lạ chưa! Cái giá rét ấy lại làm cho đôi má các cô gái Nga đỏ hồng xinh đẹp hơn bao giờ hết. Những đôi chân trần thon dài, trắng muốt trong đôi bốt cao vội vã rảo bước trong tuyết mùa đông kia đâu biết đã vô tình gieo nỗi ngẩn ngơ cho ai đó: “...Em ơi, sao đôi má em hồng?/Nhìn tôi ánh mắt long lanh tuyết/ Như là tha thiết của mùa đông. (Hồng Thanh Quang).

Tuyết mùa đông ở nước Nga không chỉ có màu trắng. Ngồi trong lớp học ghé mắt nhìn ra cửa sổ thích thú ngắm nhìn những cành thanh lương trà trĩu nặng nửa sắc đỏ thắm của quả, nửa sắc trắng muốt của tuyết. Tinh khiết đến trong vắt.

Nhớ những chuyến tàu đêm lên Matxcơva một mình. Những khoang tàu (gọi là cupe) đủ cho một không gian riêng để 4 con người xa lạ ban đầu làm quen, trò chuyện. Người Nga vốn nghiện trà đường. Lên tàu, việc đầu tiên là gọi những cốc trà to lồng trong vỏ bạc, chậm rãi thả những thỏi đường trắng vuông vắn cho tan ra rồi nhâm nhi. Nhìn qua cửa sổ mờ hơi nước vẫn thấy rõ những hàng bạch dương chạy dài vun vút.

Đó là một phần ký ức đẹp về nước Nga xưa trong rất nhiều người từng có may mắn trải qua dưới thời Liên Xô cũ. Tâm tư hoài niệm ăn sâu đến mức cho đến tận bây giờ, ôn lại kỷ niệm cũ luôn là đề tài cố hữu trong các buổi gặp mặt, giao lưu của những người học tiếng Nga.

Nhưng không chỉ là hoài niệm.

Thế giới đang thay đổi rất nhiều và quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga cũng đang thay đổi theo xu thế mới. Tại hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga do Đại học Đà Nẵng tổ chức vào đầu năm nay, một số tham luận đã phân tích rõ: Giai đọan 1950 - 1991, quan hệ Việt - Nga là quan hệ anh em trong cùng một hệ thống chính trị XHCN. Từ năm 1992 đến nay, quan hệ Việt - Nga từng bước chuyển từ quan hệ anh em sang quan hệ đối tác chiến lược bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Đây là quan hệ bình đẳng cấp Nhà nước có tính chiến lược, lâu dài, toàn diện và có tính ưu tiên so với quan hệ với các đối tác khác.
 
Từ phân tích đó, chúng ta thấy rằng đã đến lúc cần thay đổi tư duy để có hướng thu thập thông tin cho phù hợp. Sự gắn bó và hiểu biết về nước Nga sẽ chưa thể là đủ nếu chúng ta cứ chìm đắm trong sự hoài niệm bằng việc ôn lại kỷ niệm xưa, nghe các bản nhạc xưa và xem những bộ phim thời Liên Xô cũ. Đã đến lúc cần (nếu không muốn nói là đã muộn) thay đổi cách thức tổ chức các hoạt động văn nghệ, giao lưu kỷ niệm liên quan đến nước Nga ở Việt Nam nói chung và ở thành phố Đà Nẵng nói riêng sao cho tránh lối mòn như lâu nay. Nước Nga đâu chỉ có những bài hát quen thuộc “Triệu đóa hoa hồng”, “Chiều Matxcơva”… Nước Nga đâu chỉ có những bộ phim kinh điển “Sân ga chỉ có hai người”, “Đàn sếu bay”, “Bài ca người lính”… Nước Nga đâu chỉ có những giọng ca bền bỉ với thời gian như Alla Pugacheva, Sophia Rotaru, Veleri Lionchev…

Người Việt Nam hiện nay nói chung và người yêu nước Nga nói riêng còn rất thiếu thông tin về nước Nga sau 1992. Thử hỏi có mấy người Việt Nam biết đến tên ca sĩ, nhạc sĩ Nga nào, hoặc bài hát, bộ phim nào của Nga những năm gần đây?

Cũng đầu năm nay, tại Đà Nẵng đã diễn ra một số hoạt động nổi bật nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nga (30-1-1950 - 30-1-2010), như: mít-tinh kỷ niệm, triển lãm ảnh hợp tác Việt - Nga, ca nhạc “Giai điệu của tình hữu nghị”, hội thảo khoa học “60 năm quan hệ Việt - Nga - Lịch sử và triển vọng” , và tuần chiếu phim Nga trên DVTV. Tuy nhiên, nhiều người tham gia vẫn mong muốn, Đà Nẵng có những hình thức sinh động, mới lạ hơn và mang tính quần chúng hơn.
 
Chẳng hạn tổ chức Tuần lễ văn hóa Nga với nhiều góc nhỏ trong một không gian rộng ở khu vực trung tâm thành phố, để ai cũng có thể ghé vào ngắm nghía những sản phẩm thủ công mỹ nghệ Nga, thử choàng một bộ saraphan truyền thống của Nga trong gian hàng này; chọn mua những đĩa nhạc Nga xưa và nay ở gian hàng kia, hoặc xuýt xoa nếm hương vị của món shashlức (thịt nướng xiên), salad Nga ở gian ẩm thực. Việc tổ chức chương trình ca nhạc giao lưu Việt - Nga, thành phần biểu diễn không nhất thiết phải là ca sĩ (mà ca sĩ trẻ thời nay phát âm chuẩn tiếng Nga ngày càng hiếm), thay vào đó có thể huy động sự góp giọng của những người từng học tiếng Nga, từng tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể thời sinh viên, nay đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Lâu lâu được dịp hâm nóng tình yêu nước Nga và thể hiện năng khiếu ca hát của mình, hẳn họ sẽ rất sẵn lòng.

 Việc mạnh dạn đổi mới tư duy của các nhà tổ chức, sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội Hữu nghị Việt - Nga với Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga tại Đà Nẵng và các cơ quan thông tấn báo chí, cùng sự hỗ trợ của các mạnh thường quân sẽ là cơ sở quan trọng và tạo tiềm lực để thực hiện có hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh về nước Nga ngày nay đến người Việt Nam yêu nước Nga.

Thiên Trang
;
.
.
.
.
.