Qua điều tra, thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ mắc ma túy, HIV/AIDS, các tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) thành phố rất thấp. Đây là kết quả của công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội được thực hiện thường xuyên trong những năm qua.
Bảo vệ đội ngũ CNVC-LĐ trước sự xâm hại của các tệ nạn xã hội, các cấp Công đoàn đã thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS. Hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng kế hoạch hướng dẫn Công đoàn các cấp tổ chức đăng ký thực hiện về công tác phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, đưa chỉ tiêu tuyên truyền phòng chống làm một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá cuối năm. Định kỳ qua tổ chức họp giao ban hằng tháng, nghe Công đoàn các cấp báo cáo tình hình chung các hoạt động về công tác phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội, trên cơ sở đó tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc cơ sở triển khai các hoạt động đem lại hiệu quả.
Trong năm 2010, bằng các hình thức khác nhau, như phát hành trên 3.000 tờ gấp, tờ rơi các loại, tổ chức 14 kỳ sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh nội bộ và bản tin tại cơ quan, doanh nghiệp, treo trên 250 băng-rôn, khẩu hiệu nhân Tháng hành động phòng chống ma túy (từ 1-6 đến 30-6), Ngày Thế giới phòng chống ma túy (26-6), Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS (10-11 đến 10-12-2010)..., các cấp Công đoàn đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức phòng, chống ma túy, HIV/AIDS trong công nhân, viên chức, lao động, hiểu được hiểm họa ngày càng lớn của các tệ nạn này.
Tại các buổi sinh hoạt chuyên đề tại Công ty TNHH Mabuchi Motor, Công ty TNHH Vina Kad, Công ty TNHH Associated VN hoặc tại các công ty cổ phần du lịch như: Vitours, Danatours, Codatours, Khách sạn Saigon Tourane... hầu hết công nhân, lao động đều hào hứng tham gia, trả lời đầy đủ các câu hỏi do Ban tổ chức đặt ra, tạo nên không khí trao đổi sôi nổi, nhiều công nhân còn trao đổi thêm một số nội dung có liên quan đến biểu hiện, tác hại và ảnh hưởng xã hội khi mắc phải ma túy, HIV/AIDS. Điều đó chứng tỏ rằng, nhận thức của người lao động về công tác phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, thời gian đến, cuộc chiến phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trong công nhân, lao động ngày càng trở nên phức tạp, khi mà nạn sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng mạnh trong công nhân, lao động trẻ. Để bảo vệ lực lượng này trước sự xâm hại của các tệ nạn ma túy, mại dâm, đòi hỏi các cấp Công đoàn nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, tạo ra một sự nhất trí cao trong phong trào “Nói không với ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội”.
Chống được tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội thì tình hình trật tự xã hội mới được bảo đảm, kinh tế mới phát triển và tạo được môi trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Cần tuyên truyền để công nhân, viên chức, lao động thành phố kiên quyết đẩy lùi ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội, xây dựng người lao động mới có sức khỏe, tài năng, trí tuệ đi đôi với nếp sống văn minh, lành mạnh, bởi đây là lực lượng lao động chính, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đề ra.
Bài và ảnh: ĐẶNG VÂN