Trước tình huống có hai mẹ con nghe thấy vợ chồng nhà hàng xóm đánh nhau. Người mẹ muốn sang can ngăn, nhưng người con nhất quyết không cho, với lý do sợ liên lụy. Trung tá Văn Thu Phương, Ban Công tác Nữ Công an thành phố đã khiến Ban giám khảo “tâm phục, khẩu phục” khi dẫn dắt câu chuyện đi đến cái kết có tình, có lý.
Trung tá Văn Thu Phương (ngồi trái) trong phần thi xử lý tình huống. (Ảnh do Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng cung cấp). |
Bên lề Hội thi Chung tay phòng, chống BLGĐ, do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vừa mới tổ chức, Trung tá Văn Thu Phương đã có những chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Đà Nẵng xung quanh vấn đề nữ giới với công tác phòng, chống BLGĐ.
* P.V: Trước tiên, xin chúc mừng chị đã xuất sắc giành giải nhất phần thi xử lý tình huống trong hội thi này. Thưa chị, cuộc đời không đơn giản như sân khấu, ở ngoài đời, không phải ai cũng sẵn sàng bình tĩnh nghe chị giải thích về tình và lý một cách rất “ngoan” như cô bé trong tình huống kia?
- Chị Văn Thu Phương (V.T.P): Đúng vậy. Giải quyết các vụ BLGĐ, chúng ta đã chứng kiến không ít sự phản ứng dữ dội. Có đối tượng còn hung dữ, hoặc uy hiếp người đứng ra xử lý vụ việc. Nhưng dù gặp kiểu ứng xử nào, cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ cũng không nên đơn phương độc mã. Chúng ta cần có sự phối hợp với nhiều tổ chức, hội đoàn thể có liên quan khác. Hơn nữa, việc nắm rõ các quy định của Nhà nước và “tung” luật vào thời điểm hợp lý sẽ khiến đối tượng dễ dàng bị thuyết phục. Không thể mãi nói to, nói nhỏ rồi bất lực mà phải biết vận dụng luật pháp như một công cụ tối quan trọng.
* P.V: Thưa chị, là phụ nữ và là nữ công an, chị cảm thấy mình có những thuận lợi và khó khăn nào trong công tác phòng, chống BLGĐ?
- Chị V.T.P: Lợi thế của phụ nữ là sự dịu dàng. Chúng tôi có thể tận dụng ưu điểm này để làm tốt công tác vận động. Nhưng phụ nữ lại hay tự ti. Giải quyết chuyện người khác mà cứ tự ngoái lại hoàn cảnh gia đình mình. Với những cán bộ phụ nữ phòng, chống BLGĐ, tôi nghĩ họ phải cố gắng nhiều hơn người bình thường để vừa vun vén việc nhà, vừa giúp đỡ gia đình có bạo lực. Gia đình có êm ấm, bản thân mới đủ tự tin tham gia phòng, chống BLGĐ.
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm, nhìn vào những nỗ lực mà thành phố Đà Nẵng đã và đang làm như gặp mặt các ông chồng bạo lực, phân công cán bộ chuyên trách, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, khiến tôi có nhiều niềm tin vào những chuyển biến về nhận thức của người dân. Những kết quả chúng ta đạt được có thể chỉ mới là bề nổi, nhưng về lâu dài, BLGĐ sẽ được giải quyết một cách tốt nhất.
* P.V: Xin cảm ơn chị!
TOÀN VÂN (thực hiện)