.

Họ xứng đáng được vinh danh

.

Trong số 30 CB, CCVC được Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng vì đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thành phố được lựa chọn trên tổng số 222 ứng viên, chỉ có 2 người đại diện cho khối xã, phường. Họ là cán bộ của những địa phương có thể được xem là nghèo nhất thành phố, và cả hai đều được tuyên dương vì có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy.

Cái khó ló cái khôn

Mô tả ảnh.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh tặng hoa cho các cá nhân trong buổi tuyên dương 30 cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu năm 2010. Ảnh: Sơn Trung

Anh Nguyễn Hòa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, được khenthưởng bởi đã có nhiều biện pháp hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường đô thị và thực hiện tốt Chỉ thị 24 của Thành ủy. Anh Hòa tâm sự: “Phường Hòa Quý có nhiều khó khăn về kinh tế, sản xuất nông nghiệp là chính nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, phục vụ các dự án. Hộ nghèo, đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học, trẻ em hư chiếm tỷ lệ cao. Là một cán bộ lãnh đạo, mình luôn trăn trở, nghĩ làm sao phải tìm cách để nhân dân thoát nghèo…”.

Từ đó, anh cũng lãnh đạo phường xây dựng nhiều mô hình, nhiều đề án đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế cho người dân. Đáng chú ý là đề án chuyển đổi cây trồng, từ trồng lúa chuyển sang trồng rau, hoa, nấm…, đồng thời xây dựng kế hoạch chống hạn quyết liệt trên đồng ruộng. “Với cách bơm chuyền nước từ sông lớn sang sông nhỏ đến đồng ruộng, vụ đông xuân và vụ xuân hè năm 2010 cho năng suất cao hơn nhiều so với mọi năm. Nông dân cũng đỡ cơ cực, họ phấn khởi lắm” - anh Hòa cho biết.

Là địa phương được xem là thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy tốt nhất toàn thành phố, năm 2010, Hòa Quý đã xóa được 101/308 hộ đặc biệt nghèo, không còn học sinh bỏ học, hạn chế số trẻ em hư trên địa bàn phường. Hơn nữa, với vai trò Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ, anh Hòa đã cùng với Hội Phụ nữ phường tuyên truyền, vận động, mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực, kiến thức cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe cộng đồng và chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, và kết quả được nâng lên rõ rệt.

Chị Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, có nhiều đóng góp cho việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 24 và công tác an sinh xã hội của xã. Trong đó, chị đã chủ trì xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình đền ơn đáp nghĩa, hậu phương quân đội như tổ chức đám giỗ cho gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhân ngày 27-7; phát động phong trào “Hũ gạo tình thương”, “Con heo tiết kiệm”; vận động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, giúp phụ nữ thoát nghèo bằng nhiều hình thức như cho vay vốn, hỗ trợ con vật nuôi, mở lớp dạy nghề…

Chị Thu Hồng cho biết: “Vào cơ quan được 10 năm, mình đã làm qua nhiều việc nên hiểu được nỗi khổ của người dân, nhất là phụ nữ nghèo. Địa phương mình hết 90% làm nông nghiệp nên đời sống bấp bênh lắm. Từ những khó khăn đó, mình quyết tâm tìm ra cách để giúp người dân. Đến nay thì đời sống của những người nghèo đã đỡ vất vả hơn”.

Một điểm hay mà chị Hồng đã làm được: “Xem sự nghiệp giáo dục là mục tiêu hàng đầu, có học thì thế hệ trẻ mới thoát được cái nghèo, vì vậy, trong các cuộc họp, mình luôn lồng ghép công tác giáo dục của địa phương, đồng thời tuyên truyền cho người dân và học sinh biết được tầm quan trọng của việc học. Kết quả năm nay đã có 65 em đỗ vào đại học nguyện vọng 1, cao nhất toàn huyện, và 54 em học sinh giỏi cấp thành phố”.

Cảm nhận khi được tuyên dương

Chị Hồng vẫn còn bất ngờ vì mình được Chủ tịch UBND thành phố tuyên dương: “Lúc đó mình mới sinh em bé được chừng ba tháng thì một chị ở cơ quan đưa về cho một hồ sơ bảo điền vào. Mình chỉ nghĩ sẽ được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước thôi. Đến khi nhận được giấy mời thì mới biết. Vui lắm chứ. Những nỗ lực của mình được các anh ở trên ghi nhận. Khi được tuyên dương, trong thâm tâm mình tự hứa là sẽ phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt công việc sau này”.

“Vinh dự lắm. Đó là việc làm rất hay của thành phố. Đó là phần thưởng khích lệ tinh thần của những cán bộ hết lòng “phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân”, cũng có thể gọi đó là hành trang để những người được tuyên dương tiếp tục sự nghiệp của mình, tiếp tục cống hiến vì sự phát triển chung của thành phố” - anh Hòa cho biết.

Đó cũng là suy nghĩ chung của tất cả những người được Chủ tịch UBND thành phố lần đầu tiên khen thưởng. Nhưng cũng theo anh Hòa và chị Hồng, phần thưởng là 1 triệu đồng và một bó hoa, nhưng không có một giấy khen hay một biểu tượng gì để làm kỷ niệm. “Quan trọng không phải được thưởng bao nhiêu tiền, nếu kèm theo phần thưởng là một tấm giấy khen hoặc một biểu tượng để làm kỷ niệm thì hay hơn” - anh Hòa cho biết. Còn theo chị Hồng: “Mình cũng không biết ý của mấy anh trên thành phố, nhưng có lẽ là lần đầu tiên nên chưa có. Chắc những lần sau sẽ có giấy khen, mình nghĩ vậy, bởi phần thưởng này không dễ gì có được. Và lần này mình được, chắc gì được lần thứ hai”.

LOAN PHƯƠNG                                                       

;
.
.
.
.
.