.

Đánh thức sông, hồ

.
Không ít những dòng sông, kênh, hồ, đầm... bị ô nhiễm trầm trọng trong nhiều năm qua trên địa bàn thành phố đang “sống” lại do được khơi thông dòng chảy, nạo vét bùn, thu dọn vệ sinh... thường xuyên.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện trên địa bàn có hơn 40 hồ, đầm lớn nhỏ nằm rải rác với tổng diện tích mặt nước 1,8 triệu m2, dung tích chứa nước tối đa hơn 3 triệu m3. Chức năng của hồ, đầm là đảm nhận điều tiết nước, điều hòa vi khí hậu, tạo cảnh quan và có thể tự làm sạch nước thải đô thị. Thế nhưng hiện nay, công tác quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường các hồ một cách thiết thực, hiệu quả và lâu dài hơn là vấn đề không đơn giản.
 
Mô tả ảnh.
Tiến hành nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy cho con kênh “không tên” chạy qua địa bàn quận Liên Chiểu.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng phòng TN-MT quận Thanh Khê, nếu so sánh quy mô diện tích từng hồ với tổng diện tích các hồ, đầm trong khu vực nội thành thì hồ Bàu Tràm chiếm gần một nửa, còn lại là các hồ khác. Trong số các hồ còn lại thì hồ Bàu Mạc, Bàu Vàng, Bàu Sấu, hồ Đò Xu, hồ Công viên 29-3 và hồ Xuân Hòa A có diện tích tương đối lớn, các hồ khác có diện tích khá nhỏ. Tuy vậy, đây là những hồ đều có khả năng điều tiết nước mưa, tiếp nhận nước thải cho khu vực đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh trang đô thị, diện tích nhiều hồ trong khu vực nội thị bị giảm đi, đồng thời tình trạng ô nhiễm môi trường ở các hồ, đầm đang bị đe dọa.
 
Theo kết quả quan trắc định kỳ chất lượng nước hồ trên địa bàn quận Thanh Khê trong các năm 2007-2009 cho thấy, mức độ ô nhiễm các hồ trên địa bàn quận chủ yếu là do ô nhiễm chất dinh dưỡng và ô nhiễm vi sinh. Để khắc phục tình trạng này, quận Thanh Khê đã thực hiện nhiều giải pháp xử lý môi trường. Đối với hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, sau 4 năm thực hiện xử lý ô nhiễm bằng biện pháp sinh học dùng bèo lục bình kết hợp duy trì vệ sinh thường xuyên, đến nay chất lượng môi trường nước hồ đã được cải thiện rõ rệt, cảnh quan ven hồ sạch, đẹp.
 
Đối với hồ Xuân Hòa A, năm 2006, quận Thanh Khê đã giao cho Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Viễn Nam (Công ty Viễn Nam) quản lý, khai thác (hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng), đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ, xử lý ô nhiễm tại hồ này. Công ty Viễn Nam đã dọn cỏ dại, bèo dưới lòng hồ và xây dựng một số công trình như khu dưỡng sinh, cây xanh và đèn trang trí trong khu vực hồ. Đến năm 2007, Công ty Viễn Nam tiếp tục đề nghị UBND quận Thanh Khê giao hồ 2ha ở phường Thanh Khê Tây để khai thác, kinh doanh dịch vụ nhà hàng.
 
Trước đây, hồ này bị ô nhiễm nghiêm trọng do tiếp nhận, thoát nước mưa và nước thải đô thị cho khu vực các phường An Khê, Thanh Khê Tây và nước từ hệ thống hồ Phần Lăng, cỏ, rác và bèo mọc đầy hồ. Sau khi được bàn giao, Công ty Viễn Nam đã cải tạo lòng hồ và bố trí nhân viên bảo vệ, giữ gìn ANTT tại khu vực này. Riêng hồ Công viên 29-3 có diện tích mặt nước lớn nhất quận Thanh Khê cùng với mật độ che phủ cây xanh cao nên hồ Công viên 29-3 được ví như lá phổi của quận nói riêng và thành phố nói chung. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ này ngày càng nặng hơn do phải tiếp nhận nước thải từ nhiều nguồn khác nhau. Và để xử lý ô nhiễm nguồn nước ở hồ này, cần một khoản kinh phí rất lớn.
 
Sông Phú Lộc, đoạn nằm trên địa bàn quận Thanh Khê được biết đến như một điểm “nóng” ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Vào mùa hè, nước sông có màu đen và mùi hôi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân sống dọc bên 2 bờ sông. Để xử lý tình trạng này, thành phố đã đầu tư triển khai dự án cải tạo sông Phú Lộc với các hạng mục như nạo vét bùn, xây dựng bờ kè, hệ thống thu gom nước thải và đường quản lý hai bên bờ sông. Như vậy, khi các hạng mục được hoàn thành, sông Phú Lộc sẽ “sống” lại.
 
Chỉ cách đây vài tháng, hàng trăm hộ dân sống bên các tuyến đường Bắc Sơn, Yên Thế, phường Hòa An (Cẩm Lệ) và tuyến đường Tân Trào, phường Hòa Minh (Liên Chiểu) ngày đêm phải hứng chịu mùi hôi thối bốc lên từ con kênh “không tên” có chiều dài gần 3km. Con kênh này có nhiệm vụ khơi thông dòng chảy, thoát nước từ khu vực núi Phước Tường (Cẩm Lệ) chảy qua địa bàn phường Hòa Minh (Liên Chiểu) rồi đổ ra sông Phú Lộc, nhưng do cỏ mọc um tùm, rác rưởi tràn ngập… nên con kênh này không thể làm nhiệm vụ thoát nước được mà nó đã trở thành nỗi lo của hàng trăm hộ dân nơi đây, khi mùi hôi, ruồi, muỗi… liên tục tấn công. Vừa qua, chính quyền địa phương 2 quận nói trên đã thực hiện nạo vét, dọn vệ sinh môi trường cho dòng kênh này, hiện tại dòng kênh đã sạch sẽ, môi trường đã được xử lý.
 
Tương tự là kênh Đa Cô, nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu), do bị lớp đất đá, rác thải, bùn, bèo, dây leo phủ kín khiến dòng chảy không lưu thông. Mỗi đợt mưa dài ngày, các hộ dân quanh đó chỉ còn biết “chạy” khỏi nhà vì ngập úng. Để giải quyết tình trạng này, từ đầu năm 2010 đến nay, UBND phường Hòa Khánh Nam đã huy động một số đơn vị đóng quân trên địa bàn như Tiểu đoàn 409, Trung đoàn 683, Trung đoàn Hóa học BB 971... cùng với dân quân, Đoàn Thanh niên, các hội, đoàn thể ở địa phương chặt bớt cây dại ven mương, vét bùn, vớt bèo toàn bộ hệ thống kênh chạy qua địa bàn, hệ thống kênh mương dọc các khu dân cư đã được khơi thông đáng kể.
 
Mặc dù chưa có số liệu thống kê, nhưng hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn một số dòng sông, kênh, hồ… đang có nguy cơ “bức tử”, vì vậy các ngành chức năng của thành phố cũng như chính quyền địa phương cần tiến hành rà soát để có hướng xử lý ô nhiễm môi trường kịp thời.
   
Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.